Ngô và lúa mì có thể phục hồi trở lại trong phiên hôm nay
Ngô đã trải qua 1 tuần giảm giá liên tục, xoá bỏ hoàn toàn mức tăng nhờ báo cáo Diện tích gieo trồng trước đó. Thông tin chính lý giải cho đà giảm mạnh này là thời tiết ở Midwest xuất hiện mưa, giúp cải thiện tình trạng hạn hán kéo dài ở khu vực này.
Thị trường ngô hiện đang trong giai đoạn thụ phần và rất nhạy cảm với thời tiết thiếu mưa. Trong khi đó, cơ quan khí quyển quốc gia của Mỹ báo cáo rằng bang Nam Dakota đã trải qua tháng 6 đạt mức kỷ lục khô hạn nhất, sau 127 năm. Montana trải qua mức khô hạn thứ 2 và Minnesota khô hạn thứ 7 trong tháng 6. Tình trạng hạn hán ở Mỹ đang rất nghiêm trọng và lượng mưa xuất hiện gần đây khó có thể bù đắp đủ lại những thiệt hại trong gần 2 tháng qua. Chính vì thế, trong báo cáo Cung-cầu tối nay, thị trường đều kỳ vọng mức năng suất sẽ giảm xuống 178.8 giạ/mẫu so với mức 179.5 trong báo cáo tháng trước. Ngoài ra, một số dự báo thời tiết cho thấy khu vực Midwest vẫn có thể chuyển sang khô nóng trở lại vào tuần tới và kéo dài đến tháng 8. Thông tin này sẽ có tác động lớn đến việc xác định xu hướng tiếp theo của giá ngô.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có khả năng sẽ ngừng mua một lượng lớn ngô của Mỹ sau khi đạt lượng nhập khẩu lục trong năm nay, do vụ thu hoạch trong nước đang đến gần và giá nội địa đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, Trung Quốc đã nhập hơn 10.5 triệu tấn ngô Mỹ cho niên vụ 2021-22 và hơn 23 triệu tấn cho mùa vụ hiện tại. Tổng lượng nhập khẩu trong năm tới có thể sẽ là 20 triệu tấn, trong khi dự báo chính thức của USDA cho năm nay là 26 triệu tấn. Đây có thể là yếu tố tạo áp lực lên giá ngô trong dài hạn, nhưng ở thời điểm hiện tại, thời tiết vẫn sẽ tác động chính lên giá.
Mở cửa sáng nay, giá hồi phục nhẹ nhưng vẫn giao dịch gần mức mở cửa do tâm lý chờ đợi của thị trường trước báo cáo. Giá hiện đang ở trong vùng gần với những hỗ trợ mạnh nên trong phiên hôm nay, có thể ngô sẽ hướng tới vùng kháng cự quanh mức 540.
Giá ngô giảm đã đè nặng lên giá lúa mì trong phiên cuối tuần vừa qua. Mức xuất khẩu lúa mì của Mỹ đạt 10.7 triệu giạ khác trong tuần trước, nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Doanh số luỹ kế cho tháng đầu tiên của niên vụ 2021/22 chỉ đạt mức 56.8 triệu giạ, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Cước vận chuyển đường biển cao là một trong những lý do tiếp tục làm giảm nhu cầu của thế giới.
Trong khi đó, thời tiết ở các khu vực gieo trồng tại Mỹ và Canada vẫn đang nóng và khô. Theo S&P Global Platts, vụ lúa mì mùa xuân của Mỹ sẽ thiệt hại nghiêm trọng do nhiệt độ quá cao và quá ít mưa, với đánh giá chất lượng ở mức thấp nhất trong vòng 33 năm. Theo báo cáo của USDA, khoảng 98% sản lượng lúa mì vụ xuân 2021 nằm trong khu vực bị hạn hán. Đây vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì không tiếp tục giảm sâu trong những phiên tới.
Mở cửa sáng nay, lúa mì đang giằng co ở quanh mức hỗ trợ kĩ thuật 616. Trong phiên hôm nay, giá có thể hướng tới quanh mức 630.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá Robusta tăng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá Cà phê trên hai sàn diễn biến trái chiều. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn ICE New York giảm 1% còn 151.5 cents/pound, trong khi giá Robusta cùng kỳ hạn nối dài đà tăng tuần thứ 3 liên tiếp bằng mức đóng cửa tuần tăng 2.17% lên 1744 USD/tấn.
Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ đã cập nhật dự báo El Nino và La Nina trước đó rằng hiện có 66% khả năng hiện tượng La Nina diễn ra vào cuối năm nay. Hiện tượng La Nina thường gây mưa nhiều cho các quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương như Colombia, Indonesia và Peru, và đồng thời gây ra những đợt khô hạn cho các vùng trồng Cà phê Arabica ở Brazil, do đó, sản lượng Cà phê tại các khu vực này có thể bị sụt giảm.
Đối với Cà phê Robusta, diễn biến dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam do sự lây lan của biến chủng Delta tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển hiện nay không ngừng leo thang, khiến cho hàng bị kẹt và không thể xuất cảng. Hiện nay, chi phí vận chuyển của một container 40 feet đi Mỹ đã chạm mốc 20,000 USD, gấp 2.5 lần so với 2 tháng trước đó, khi giá cước chỉ ở mức 8,000 USD/container.
Chênh lệch giá giữa hai sàn vẫn cao, ở mức gần 50% chiết khấu cho giá Robusta, khiến cho triển vọng tăng giá của loại Cà phê này tiếp tục được củng cố.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica đang nằm ở nửa dưới của Bollinger Band, trong hôm nay, giá có thể test lại cạnh giữa. Thị trường không có quá nhiều tin tức có thể hỗ trợ cho giá khôi phục lại đà tăng, cộng thêm với việc biến thể Delta lan rộng có thể gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ Cà phê Arabica, có thể khiến cho giá có biên độ dao động hẹp trong hôm nay, từ 150 – 155 cents/pound.
Đối với Cà phê Robusta, giá đang hình thành mô hình tam giác cân, và phe mua đã đưa giá phá ra khỏi cạnh trên vào phiên cuối tuần trước. Điểm chốt lời mục tiêu cho các nhà đầu tư là khoảng 1820 - 1823 USD/tấn.
Các tin tức về lạm phát và thị trường lao động có thể là chất xúc tác cho thị trường kim loại quý trong tuần này.
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, diễn biến trái chiều tiếp tục được duy trì ở thị trường kim loại quý. Giá Bạc giảm 1% về 26.23 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim tăng 0.74% lên 1095.7 USD/ounce.
Thị trường kim loại quý tiếp tục lại có một tuần giao dịch ảm đạm, dù trong tuần giá giằng co trong biên độ khá rộng, nhưng vẫn chưa thể bứt phá khỏi biên độ đi ngang gần một tháng qua. Việc thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới cũng khiến các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường trú ẩn an toàn.
Có thể thấy, so với sự tăng trưởng và biến động của các mặt hàng khác trong thời gian gần đây, sự im ắng của thị trường kim loại quý dễ khiến cho nhiều nhà đầu tư nản lòng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có thể nắm bắt các cơ hội đầu tư trong khung ngắn hạn khi thị trường biến động theo các tin tức kinh tế được công bố.
Chuỗi tin tức đáng chú ý nhất đối với thị trường kim loại quý vẫn là những thông tin kinh tế Mỹ và diễn biến của đồng USD, đặc biệt là các tin tức liên quan tới việc làm và tình hình lạm phát. Tuần này có thể được coi như một “super week” về tin tức lạm phát khi cả Chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI được công bố. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu khi số liệu tuần trước lại cao hơn so với dự báo, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn chưa hồi phục mạnh.
Nếu các số liệu kỳ này cao hơn so với dự báo, triển vọng tăng trưởng của thị trường kim loại quý sẽ được củng cố nhiều hơn do FED sẽ không vội vã thắt chặt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà đầu tư có thể kì vọng giá sẽ bứt phá khỏi vùng đi ngang.
Xét từ góc nhìn kỹ thuật, xu thế đi lên của giá Bạc vẫn được duy trì khi giá vẫn nằm trên đường hỗ trợ. Tuy nhiên, do giá Bạc đã tích lũy hơn hai tuần trong biên độ 25.7 – 26.5, nên bất kì chất xúc tác nào đưa giá bứt phá khỏi xu thế đi ngang này, dù tăng hay giảm, được dự báo sẽ gây ra biến động lớn trên thị trường như phiên ngày 17/6 vừa qua. Trong kịch bản tiêu cực, nếu giá giảm xuyên phá đường hỗ trợ trendline, xu hướng giảm có thể hình thành ở thị trường Bạc và giá có thể giảm về 24 USD/ounce.
Đối với thị trường Bạch kim, phe mua đang cố gắng đưa giá quay trở lại phía trên đường trendline và vượt qua mốc cản 1100 USD để khôi phục xu hướng tăng cho giá, tuy nhiên các nỗ lực này đều thất bại. Tương tự như thị trường Bạc, các nhà đầu tư Bạch kim cũng cần một chất xúc tác đủ mạnh để đưa giá vượt ra khỏi biên độ đi ngang 1040 – 1100 USD/ounce. Dù vậy, ảnh hưởng của các tin tức kinh tế lên giá Bạch kim được dự đoán sẽ yếu hơn so với giá Bạc do sự lép vế của Bạch kim trong vai trò trú ẩn an toàn so với Vàng và Bạc.
Thị trường dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này
Giá dầu kết thúc chuỗi tăng 6 tuần liên tục với giá WTI giảm 0.8% xuống 74.56 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.81% xuống 75.55 USD/thùng. Thị trường rơi vào trạng thái bất ổn khi cuộc họp của OPEC+ chưa có dấu hiệu được tiếp nối.
Trong tuần, giá biến động rất mạnh với những lúc giá dầu WTI bị đẩy xuống dưới 70.5 USD/thùng ngay sau khi chạm mức kỷ lục 77 USD/thùng. Thiếu đi định hướng rõ ràng từ OPEC+ , các biến động từ bên ngoài như sụt giảm của thị trường chứng khoán cũng có lúc khiến thị trường dầu đi xuống. Chỉ đến khi Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA cho thấy tồn kho của Mỹ tiếp tục giảm, giá dầu mới dần phục hồi trở lại.
Điều này khiến cho các quỹ đầu tư giảm dần vị thế trên thị trường dầu WTI. Việc OPEC+ chưa đưa ra các thông báo mới nào càng khiến việc nắm giữ vị thế mua trở nên rủi ro. Khi mà các bên chưa ngồi vào bàn đàm phán, khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng bị vỡ bỏ càng cao, nguy cơ các nước đồng loạt tăng sản lượng tăng dần và khiến cho rủi ro giá xuống càng cao.
Trong tuần này sẽ có nhiều báo cáo quan trọng, như Báo cáo hàng tháng của IEA ngày 13/7 và đặc biệt là Báo cáo thị trường dầu tháng 7 của OPEC ngày 15/7. Thị trường sẽ tập trung vào phát biểu mới của OPEC cũng như báo cáo này để đánh giá động thái tiếp theo của nhóm.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại vùng giá 74.5 USD/thùng, tuy nhiên, các chỉ số RSI, MACD gợi ý giá khó có thể vượt vùng này trong ngày hôm nay.