Đà giảm của lúa mì có khả năng sẽ vẫn duy trì do áp lực từ nguồn cung nới lỏng
Lúa mì là một trong những mặt hàng dẫn đầu đà giảm của thị trường nông sản trong phiên sáng nay. Các thông tin “bearish” về nguồn cung nới lỏng lần lượt xuất hiện trong thời gian qua trong khi giá cũng đồng thời mất đi yếu tố hỗ trợ từ các đơn mua hàng lớn của các nước Trung Đông là yếu tố chính lý giải cho nhịp giảm mạnh, liên tục kể từ cuối tháng 12 cho tới nay.
Mới đây, Algeria cũng được cho là đã hoãn cuộc đấu thầu mua lúa mì và nguyên nhân có thể do kỳ vọng vào mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, nếu như đà tăng của ngô trong vài tuần trước cũng góp phần vào giúp hạn chế đà giảm của lúa mì thì khi giá ngô cũng đảo chiều và suy yếu, mức giảm của lúa mì lại càng nới rộng hơn.
Về mặt cơ bản, điều kiện thời tiết ở các nước Bắc bán cầu hiện tại đều đang khá bất lợi. Độ ẩm thấp cùng với nhiệt độ giảm sâu có thể ảnh hưởng tới cây trồng vẫn chưa được tuyết bao phủ và gây ra nguy cơ “winter kill” đối với lúa mì.

Khánh Linh - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - tổng hợp

Nguồn cung ổn định ở Việt Nam sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá Robusta trong suốt quý I
Kết thúc phiên thứ năm, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 1.6% còn 237 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm gần 2% về 2237 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 58% chiết khấu cho giá Robusta.
Các tin tức tích cực về nhu cầu tiêu thụ cà phê đang hỗ trợ rất nhiều cho giá của cả hai mặt hàng. Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12 cao hơn gần 60% với tháng 11, cho thấy tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã không còn là vấn đề quá nan giải đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.
Đối với thị trường Arabica, mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US tiếp tục giảm về 1.41 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD cũng không làm giảm đi lực bán trên thị trường, giá cà phê Arabica không có các thông tin cơ bản nào hỗ trợ. Mức chênh lệch ngày càng được nới rộng giữa hai Sở cũng là yếu tố gây sức ép đối với giá Arabica.

Tiên Phạm  - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - tổng hợp

Số liệu nhập khẩu đồng của Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho giá đồng trong hôm nay
Kết thúc phiên 13/1, giá đồng giảm 0.7% còn 4.546 USD/pound. Đáng chú ý, với cùng một chất xúc tác là nguồn cung bị giảm mạnh trên các Sở Thượng Hải và Sở LME, giá đồng không tăng mạnh như giai đoạn cuối tháng 10, thay vào đó giá giảm luôn từ mức cao nhất trong vòng một tháng.
Ngoài những lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng kém khả quan của Trung Quốc, lực bán mạnh trong phiên tối cũng là yếu tố làm cho giá đồng đóng cửa trong sắc đỏ.
Trên cơ sở hàng tháng, nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 12 lên 589,165 tấn, từ mức 510,402 tấn của tháng 11 và mức cao nhất hàng tháng kể từ tháng 10 năm 2020. Tin tức này tương đối tích cực đối với thị trường đồng bởi nhu cầu tiêu thụ đồng đang được cải thiện trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách chống dịch nghiêm ngặt. Vì thế, giá đồng có thể nhận được sự hỗ trợ trong phiên hôm nay.

Tiên Phạm - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - tổng hợp

Giá dầu khả năng sẽ test lại kháng cự trong hôm nay với phe mua tiếp tục chiếm ưu thế

Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.63% xuống 82.12 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.24% xuống 84.47 USD/thùng. Nguyên nhân là do tâm lý chốt lời kết hợp với đà suy yếu chung của thị trường chứng khoán Mỹ.
Trong ngắn hạn, giá dầu nhiều khả năng xu hướng giằng co, khi có nhiều thông tin trái chiều nhau. Trước mắt, với vai trò là một trong các công cụ thường xuyên được lựa chọn để “hedging” rủi ro lạm phát, và đặc tính hưởng lợi trong môi trường Dollar suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán đối với dầu hiện tại không quá lớn.
Tiếp theo, rủi ro địa chính trị cũng đang rất khó dự đoán, với việc tình hình đang ổn định dần tại Kazakhstan và Libya, tuy nhiên cuộc đối thoại giữa Mỹ và Nga xung quanh Ukraine không đạt được nhiều tiến triển. Theo khảo sát của The Economist, có khoảng 46% cho rằng chiến tranh giữa các bên sẽ xảy ra, đồng nghĩa với việc chưa có một quan điểm thống nhất trên thị trường về kết quả các xung đột giữa các bên.

Hồng Hoa - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - tổng hợp

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV