NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua sau khi báo cáo của EIA chỉ ra tồn kho dầu thô của Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.75% lên 82.64 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.13% lên 84.67 USD/thùng.
Dầu thô đã giữ vững đà tăng từ đầu năm khi các dữ liệu gần đây đều chỉ ra cán cân cung – cầu thực chất thắt chặt hơn so với thực tế. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu quay trở lại mức trên 20 triệu thùng/ngày, quay trở lại mức tiêu thụ trong giai đoạn cùng kỳ năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện càng khiến cho lo ngại về Omicron giảm bớt. Hơn thế nữa, tồn kho dầu tiếp tục giảm trong tháng 1, thời điểm mà hàng năm tồn kho tại Mỹ gia tăng trở lại phần nào cho thấy thị trường hàng thực tại Mỹ đang ở trong giai đoạn thắt chặt hơn so với mọi năm. Điều này thể hiện phần nào trong phát biểu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA hôm qua, cho biết nhu cầu dầu thế giới đang phục hồi mạnh hơn dự báo họ đưa ra trong tháng 12.

NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/01, các mặt hàng nông sản diễn biến trái chiều. Toàn bộ nhóm đậu tương đều tăng gần 1%, trong khi lúa mì giảm mạnh kéo theo mức giảm của giá ngô.
Thông tin được thị trường quan tâm nhất trong phiên hôm qua là một loạt các báo cáo quan trọng được USDA phát hành vào 24h đêm qua, vì thế phần lớn các mặt hàng chỉ đi ngang với biên độ nhỏ trước báo cáo, và đã có biến động khá mạnh sau thời điểm trên.
Chốt phiên, đậu tương tăng gần 1% lên mức 1399.25 cents/giạ, khi đà phục hồi bị cản lại ở mức kháng cự tâm lý 1400 cents.
Đà tăng của đậu tương đã kéo theo mức tăng 0.75% của khô đậu, lên 416.2 USD/tấn Mỹ và dầu đậu tương tăng 0.85% lên 59.37 cents/pound. Mặc dù giá dầu cọ giảm nhẹ 0.57% trong phiên hôm qua, nhưng dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng mạnh gần 2% sau khi tồn kho giảm mạnh hơn dự đoán, cũng góp phần hỗ trợ mức tăng của dầu đậu.
Lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất phiên hôm qua trong nhóm nông sản, khi diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông năm nay được ước tính ở mức 34.4 triệu mẫu, tăng 2% so với năm ngoái và cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường.
Mức giảm của lúa mì cùng với lực bán ở vùng kháng cự tâm lý 600 cents đã khiến giá ngô giảm nhẹ 0.33% về mức 599 cents/giạ.

CÔNG NGHIỆP
Giá cả hai mặt hàng cà phê tiếp tục tăng, với hợp đồng Arabica tháng 3 tăng 1.6% lên 240.9 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 0.6% lên 2282 USD/tấn. Thị trường cà phê tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh đồng USD suy yếu, và làm cho đồng nội địa Real tăng lên. Điều này cũng kìm hãm sức bán không chỉ của các nhà đầu tư, mà còn của các nhà sản xuất cà phê ở Brazil.
Giá đường cũng hồi phục mạnh mẽ, với hợp đồng đường 11 tháng 3 tăng 1.3% lên 18.34 cents/pound, hợp đồng đường trắng đóng cửa cao hơn gần 3% và lấy lại mức 500 USD/tấn.
Giá bông tăng 1.4% lên gần 118 cents/pound. Đã có lúc trong phiên lực mua đưa giá quay trở lại gần 119 cents, cao nhất trong vòng hai tháng. Thị trường bông cũng được thúc đẩy nhờ tâm lý tích cực trong phiên tối qua cộng với việc thị trường đang kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ bông của Trung Quốc sẽ tăng mạnh do các hoạt động sản xuất được thúc đẩy nhờ các gói kích thích của Chính phủ.

 KIM LOẠI
Sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Giá bạc tiếp tục tăng gần 2% lên 23.2 USD/ounce, trong khi giá bạch kim có mức tăng khiêm tốn hơn với giá đóng cửa cao hơn 0.6% ở mức 980 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD tiếp tục là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho giá hai ặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index có phiên giảm mạnh về dưới 95 điểm, mức thấp nhất trong vòng hai tháng.
Giá quặng sắt cũng tăng gần 2% lên 129.8 USD/tấn cũng nhờ những lý do về nguồn cung. Mưa lớn khiến cho các hoạt động khai thác ở Brazil bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế sản lượng thép nội địa và giảm nhập khẩu từ Úc, thì nguồn cung quặng sắt ở Brazil rất quan trọng, nên tin tức này đã hỗ trợ cho giá tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV