Xu hướng giằng co vẫn tiếp tục duy trì, giá ngô có thể sẽ hồi phục nhẹ từ vùng hỗ trợ 650 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá ngô vẫn chỉ đang giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu, tương tự như diễn biến hôm qua. Đà giảm liên tục của ngô kể từ vùng kháng cự 700 đến nay đang có dấu hiệu chậm lại. Phiên đóng cửa hôm qua của giá ngô đã hình thành nến Doji trên biểu đồ kĩ thuật. Mô hình nến Doji là mô hình có giá đóng cửa và giá mở cửa gần bằng nhau, thể hiện sự lưỡng lự và đấu tranh của thị trường. Khi đó, cả bên mua và bên bán đang giằng co lẫn nhau và không bên nào giành được quyền kiểm soát thị trường. Sau chuỗi giảm mạnh trước đó, đây là tín hiệu cho thấy lực mua đang dần trở lại và có thể giá sẽ bước vào nhịp điều chỉnh tăng mới.
Xét về mặt cơ bản, triển vọng nguồn cung cũng không có quá nhiều sự thay đổi đáng kể khi mùa vụ ở Mỹ đã bước vào giai đoạn cuối cùng của hoạt động thu hoạch. Tiến độ mùa vụ tính đến tuần này đã đạt 93% diện tích dự kiến và con số này cũng nằm trong dự đoán của thị trường. Trong khi đó, giai đoạn gieo trồng ngô tại Brazil cũng đang diễn ra với các thông tin trung lập và vẫn chưa có dấu hiệu đáng lo ngại về thơi tiết.
Tuy nhiên, tình hình ở Argentina lại kém khả quan hơn khi khô hạn và thời tiết lạnh giá đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngô mới nảy mầm. Nông dân thường sản xuất 2 vụ ngô tại quốc gia Nam Mỹ này, thường được gọi là vụ ngô trồng sớm và trồng muộn. Thời tiết trong tháng 11 sẽ rất khắc nghiệt đối với cây trồng và nếu không phát triển kịp sẽ không đủ điều kiện để chống chọi qua mùa đông. Chính vì thế nên giai đoạn đầu của hoạt động trồng ngô tại Argentina – thường được gọi là ngô trồng sớm – sẽ kết thúc vào tháng 11. Ngô trồng từ đầu tháng 12 tới giữa tháng 01 năm sau là ngô trồng muộn và cho năng suất thấp hơn 10-15% so với ngô trồng sớm, tùy thuộc vào thời tiết. Với tình hình thời tiết khô hạn đang quay trở lại Argentina sau một vài cơn mưa nhỏ trong tuần trước, khả năng ngô đã gieo trồng cũng sẽ khó có thể thuận lợi phát triển trước khi bước vào giai đoạn lạnh giá sắp tới.

Giá đường 11 khả năng cao sẽ giằng co khi thông tin cơ bản đang diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 14/11, bông và đường diễn biến trái chiều. Dollar Index hồi phục sau 2 phiên giảm mạnh khiến giá bông Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó gây áp lực lên giá khiến mặt hàng này giảm hơn 3%. Ở chiều ngược lại, mưa diễn ra thường xuyên tại phía Nam của Brazil, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tiếp tục hỗ trợ giá giúp đường 11 chạm mức cao nhất trong 05 tháng trở lại đây.
Theo cuộc khảo sát của ValeCard, giá ethanol hydrous tại các trạm dịch vụ ở Brazil trong nửa đầu tháng 11 đã tăng 7.72% so với hồi tháng 10. Cùng với đó, giá xăng cũng được thông báo đã tăng tuần thứ 5 liên tiếp theo khảo sát của cơ quan quản lý ANP. Việc giá xăng tăng kết hợp với giá ethanol cũng tăng sẽ phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, từ đó gián tiếp làm giảm nguồn cung đường và tạo điều kiện giúp tăng giá.
Một yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng khá lớn đến nguồn cung đường tại Brazil là thời tiết. Theo dự báo trong 10 ngày tới, tình trạng khô sẽ gia tăng tại miền Nam của Brazil, vùng sản xuất đường chủ yếu của Brazil. Điều kiện thời tiết như vậy sẽ giúp hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi hơn, sẽ phần nào hạn chế đà tăng của giá do vấn đề sản xuất bị ảnh hưởng bởi mưa trước đó.

Giá đồng có thể tiếp tục xu hướng tăng trước yếu tố vĩ mô và kỳ vọng về Trung Quốc

Sau đà suy yếu hôm qua, lực mua đã quay trở lại với thị trường đồng khi những kỳ vọng về việc chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế. Vào sáng nay, Cục Thống kê quốc gia này báo cáo một số dữ liệu không mấy lạc quan về hoạt động kinh tế trong tháng 10. Trong đó, đáng chú ý là sự sụt giảm của doanh số bán lẻ ở mức 0.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trái với dự đoán tăng của thị trường, trong khi sản lượng công nghiệp cũng tăng chậm lại từ mức 6.3% trong tháng 9 xuống còn 5.0% trong tháng 10. Tuy nhiên, trong tháng trước, chính sách Không Covid vốn được thắt chặt mạnh mẽ nhằm phục vụ cho Đại hội Đảng, và thậm chí Chính phủ cũng hạn chế người dân di chuyển trong Tuần lễ vàng Quốc khánh. Điều đó tạo ra những trở ngại đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và phần nào cũng đã phản ánh vào giá đồng trong giai đoạn trước.
Do liên tục đi ngang ở vùng giá thấp vào giai đoạn trước, nên hiện tại, giá đồng sẽ phản ứng khá mạnh với bất kỳ tin tức tích cực nào, đặc biệt là phía Trung Quốc. Bên cạnh gói hỗ trợ 16 điểm cho thị trường bất động sản, mới đây, Trung Quốc cũng đã có những động thái tăng thanh khoản cho cho các khoản vay nhằm kích thích kinh tế. PBoC đã bơm 850 tỷ nhân dân tệ (120 tỷ USD) thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF), và bơm thêm 320 tỷ nhân dân tệ thanh khoản trung và dài hạn thông qua khoản Cho vay bổ sung có thế chấp (PSL). Điều này đang cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang dần chuyển hướng kích thích kinh tế có tập trung hơn.
Ngoài ra, cuộc gặp mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xoa dịu một phần những căng thẳng, khi ông Tập cho rằng: “không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" giữa các quốc gia”. Điều đó cũng thúc đẩy tâm lý lạc quan hơn của các nhà đầu tư về các hoạt động kinh tế và hỗ trợ giá.
Về mặt vĩ mô, đồng Dollar Mỹ giảm trở lại cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho đà tăng của giá đồng. Tối nay, dữ liệu lạm phát đầu vào của Mỹ thông qua chỉ số PPI sẽ được công bố. Với sự hạ nhiệt đáng kể của giá tiêu dùng CPI, và hoạt động tại các nhà máy thu hẹp lại, khả năng PPI cũng hạ nhiệt và sẽ khiến thị trường kỳ vọng hơn vào việc Fed giảm tốc tiến trình tăng lãi suất.

Giá dầu nhiều khả năng duy trì đà giảm khi thiếu vắng các thông tin hỗ trợ

Giá dầu duy trì đà giảm trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường tiếp tục chịu áp lực bán khi không có nhiều thông tin hỗ trợ cho giá.
Phong tỏa nặng nề tại Quảng Châu, Trung Quốc đang khiến cho khu vực này chứng kiến các cuộc biểu tình chống đối. Là một trong các tỉnh thành có số dân đông nhất Trung Quốc, và nền kinh tế đứng thứ 5 cả nước, với cảng biển lớn nhất, đây đồng thời cũng là một trong các khu vực hứng chịu nhiều nhiều đợt phong tỏa, hạn chế trong suốt 3 năm chống dịch. Như vậy, có thể phần nào nhận thấy khó khăn trong sinh hoạt, làm việc trong các khu vực cách ly vẫn đang rất khó khăn, bất chấp chính phủ đã có động thái nới lỏng một số quy định kiểm soát dịch. Hiện số ca nhiễm đã vượt mức 5,000 trong tổng số 17,000 ca của cả Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được gia tăng hạn ngạch xuất khẩu, thông lượng dầu thô của Trung Quốc vẫn giảm nhẹ từ mức 13.82 triệu thùng/ngày trong tháng 9 xuống 13.8 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Các quốc gia OPEC như Saudi Arabia và Kuwait cũng lần lượt hạ giá bán dầu đến khu vực châu Á, như một chỉ báo rằng họ không quá lạc quan về tình hình tiêu thụ nhiên liệu của khu vực này. Quan điểm này 1 lần nữa được thể hiện trong báo cáo thị trường dầu ngày hôm qua của nhóm, khi OPEC hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thế giới trong năm 2022 và 2023 ở mức 100,000 thùng/ngày, với lý do là khó khăn kinh tế tại khu vực châu Âu và các đợt phong tỏa nặng nề tại Trung Quốc.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi các dữ liệu mới trong báo cáo tháng 10 của IEA hôm nay nay. Tuy vậy, với EIA và OPEC trong tuần này đều không đưa ra được thông tin lạc quan nào cho thị trường, khả năng báo cáo chiều nay cũng khó có thể mang lực mua quay trở lại.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)