Nhóm đậu tương sẽ tiếp tục giảm sâu sau khi phá vỡ hỗ trợ quan trọng
Đóng cửa ngày 14/06, các mặt hàng trong nhóm đậu tương đã trải qua một phiên giao dịch lao dốc, tiếp nối đà giảm mạnh từ cuối tuần trước. Lực bán đã chiếm ưu thế ngay từ đầu phiên sáng và được duy trì đến hết phiên.
Tiếp nối chuỗi 4 phiên giảm liên tục và phá vỡ hỗ trợ quan trọng, giá đậu tương tụt mạnh về mức 1472.25 cent/giạ. Đậu tương giảm 2.4% trong phiên hôm qua phần lớn do các thông tin cho thấy nhu cầu đang giảm dần. Trong báo cáo Export Inspection được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành vào tối hôm qua, giao hàng đậu tương trong tuần này chỉ đạt 128 nghìn tấn, giảm mạnh gần 50% so với báo cáo trước. Bên cạnh đó, nguy cơ về tiêu thụ đậu tương trong ép dầu sẽ giảm mạnh nếu tổng thống Biden nới lỏng các chính sách về nhiên liệu sinh học tiếp tục là yếu tố tạo áp lực lên giá.
Rạng sáng nay, USDA vừa công bố báo cáo Crop Progress cho thấy chất lượng đậu tương được đánh giá Tốt - Xuất sắc đạt 62%, giảm 5% so với tuần trước và thấp hơn mức kì vọng của thị trường. Tuy nhiên, thông tin này có thể sẽ không mang tới nhiều tác động tăng giá cho đậu tương do dự báo thời tiết cho thấy hạn hán đang được cải thiện ở Mỹ, với nhiệt độ mát hơn và lượng mưa trên mức trung bình dự kiến sẽ xảy ra ở vùng Trung Tây trong những tuần tới làm giảm lo ngại về nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố bearish tác động chính đến giá cho đến hết tháng 6.
Hiện tại, bức tranh Cung- cầu của đậu tương đã khá rõ ràng, nên chỉ cần có thông tin mới xuất sẽ khiến giá biến động rất mạnh. Từ nay trở đi, các thông tin bullish với giá sẽ ít có khả năng xuất hiện do các vùng gieo trồng ở Mỹ sắp kết thúc thời kì cao điểm nhất của mùa hè, tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc cũng đang hạ nhiệt khi mùa vụ ở nước này năm 2021 sắp bước vào giai đoạn thu hoạch. Chính vì thế nên, giá khó có thể tăng trở lại như đợt hồi phục cuối tháng 5.
Giá đậu tương mở cửa sáng nay đang tiếp tục đà giảm. Dải dưới Bollinger mở rộng, MACD Histogram đang âm cho thấy các chỉ báo kĩ thuật cũng đang ủng hộ xu hướng giảm giá. Trong một vài phiên tới giá có thể sẽ giảm về vùng hỗ trợ tiếp theo ở mức 1448.

Tong hop cac ban tin ngay

Dầu đậu tương giảm 1.52%, về mức 65.96 cent/pound. Nhu cầu ép dầu trong pha chế nhiên liệu sinh học có thể giảm xuống là nguyên nhân chính lý giải cho đà giảm này. Bên cạnh đó, dầu cọ Malaysia cũng đang giảm mạnh là yếu tố tạo sức ép lên giá dầu đậu tương. Hiện tại giá đang trong xu hướng giảm ở vùng cách xa hỗ trợ. Các chỉ báo kĩ thuật cũng đang cho tín hiệu ủng hộ bên bán. Hỗ trợ tiếp theo của dầu đậu tương sẽ ở mức 63.5.

Giá khô đậu tương cũng giảm 2.45%, xuống mức 373.9 USD/tấn. Ngược lại với đậu tương và dầu đậu tương, mức xuất khẩu khô đậu tương năm nay được dự báo là sẽ giảm xuống. Thông tin này đã tạo sức ép lớn lên giá và củng cố đà giảm của mặt hàng này. Khô đậu tương đang trong xu hướng giảm mạnh và thiếu hỗ trợ cứng nên có khả năng, trong vài phiên tới giá sẽ tiếp tục hướng xuống mức 370.
 
Thị trường kim loại quý nín thở chờ quyết định lãi suất của FED
Thị trường kim loại quý đang trải qua chuỗi ngày giao dịch ảm đạm trong vòng một tháng trở lại đây. Thị trường Bạc đang có tín hiệu tích luỹ đi ngang, trong khi đà giảm đang hình thành ngày một rõ ràng trên thị trường Bạch kim. Không chỉ vậy, nhóm kim loại quý thường có chung một xu hướng nhưng gần đây Bạc và Bạch kim thường đi ngược chiều nhau phản ánh các tác động khác nhau của các tin tức cơ bản, làm cho các nhà đầu tư băn khoăn về xu hướng của thị trường trong thời gian sắp tới.
Trong số rất nhiều tin tức với độ phủ dày đặc trong thời gian vừa qua, các động thái của FED và chính sách tài khoá của cơ quan này được giới đầu tư kim loại quý đặc biệt quan tâm. Và tiêu điểm của tuần này là cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC meeting) nhằm thông báo lãi suất của FED trong thời gian sắp tới.
Từ cuối tháng 3/2020, FED hạ lãi suất về 0 và tiến hành chương trình thu mua tài sản trị giá 120 tỉ USD mỗi tháng. Chính sách nới lỏng này khiến cho dòng vốn ồ ạt đổ vào các thị trường đầu tư, cùng với đó là mối lo lạm phát khiến cho giá kim loại quý được hưởng lợi rất lớn trong thời gian vừa qua. Kể từ đợt bán tháo vào cuối tháng 3 năm ngoái, giá Bạc tăng 136% và giá Bạch kim đã tăng 91%, trong bối cảnh đồng USD đã suy yếu 10%.

Tuy nhiên, đà tăng gần đây của thị trường đã có dấu hiệu chững lại khi nền kinh tế hồi phục ngày một tích cực và giới chuyên gia cho rằng FED sẽ sớm có động thái thắt chặt. Trong cuộc họp thông báo lãi suất vào rạng sáng thứ năm tuần này theo giờ Việt Nam, của FED, có hai kịch bản lãi suất được giới phân tích dự đoán sẽ xảy ra. CME Group dự đoán 93% khả năng FED vẫn sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng như hiện tại nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chờ đợi các tín hiệu chắc chắn hơn. Nói cách khác, FED vẫn sẽ tiếp tục chi 120 tỉ USD để mua tài sản hàng tháng hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời duy trì mức lãi suất 0 – 0.25%. Trong bối cảnh đó, triển vọng của thị trường kim loại quý vẫn rất sáng sủa khi các chính sách của FED vẫn làm suy yếu đồng USD. Tuy nhiên, trong ngắn hạn giá các mặt hàng sẽ không tăng mạnh ngay mà sẽ tích luỹ và tăng từ từ. Đối với thị trường Bạch kim, đà giảm hiện nay có thể bị hạn chế lại, thay vào đó là sự khôi phục dần của mức giá, tuy nhiên, giá không thể tăng mạnh như giá Bạc do vai trò trú ẩn an toàn của Bạch kim yếu hơn.

Kịch bản tiêu cực hơn đối với thị trường kim loại quý là Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản để nâng mức lãi suất mục tiêu lên 0.25% - 0.5%. Tuy nhiên, chỉ có 7% khả năng Fed sẽ thắt chặt chính sách do cơ quan này vẫn liên tục gợi ý rằng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và là yếu tố cần thiết cho sự phục hồi của nền kinh tế. Trái với kịch bản tích cực, nếu FED nâng lãi suất, ảnh hưởng của thông tin này lên thị trường kim loại quý có thể sẽ diễn ra ngay lập tức. Đồng USD được dự đoán sẽ tăng mạnh và gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Giá Bạc và Bạch kim có thể giảm mạnh ngay sau thông báo.
 
Dịch COVID-19 không còn tác động nhiều đến giá dầu
Giá dầu WTI hôm qua giảm không đáng kể 0.04%, chịu áp lực do không có nhiều thông tin mới hỗ trợ đà tăng giá. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng nhẹ 0.23% lên 72.86 USD/thùng khi các nước châu Âu mở cửa.
Theo Báo cáo Năng suất Khoan (Drilling Productivity Report) hôm qua, EIA dự báo sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tháng 6 tăng 38,000 thùng/ngày so với tháng 5. Trong bối cảnh tồn kho xăng 2 tuần liên tiếp, sản lượng dầu thô gia tăng đã tác động tiêu cực đến giá.
Giá Brent hôm qua đã có lúc vượt mức 73 USD/thùng, tuy nhiên việc nước Anh tuyên bố lùi thời gian mở cửa 1 tháng sang 19/07 làm dấy lên lo ngại rằng tiến trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 hiện tại là không đủ để đảm bảo mức tăng nhu cầu năng lượng trong mùa hè này. Hiện tại trên 50% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Có thể thấy, mặc dù các tin tức về diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang có ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, mức độ ảnh hưởng đang giảm dần. Các quốc gia đang tiến tới giai đoạn “bình thường mới”, gia tăng hoạt động kinh tế, sản xuất trong khi học cách sống với thực tế rằng virus COVID-19 đôi lúc sẽ trở lại. Theo đó, các nước sẽ tránh biện pháp phong tỏa biên giới, mà tiến tới “dập dịch tại chỗ” các địa điểm bùng phát dịch bằng các biện pháp truy vết, xét nghiệm nhanh: Hôm qua, Singapore tuyên bố sẽ tiến hành Giai đoạn 2 của kế hoạch mở cừa trở lại vào ngày 19/6, chưa đến 2 tháng sau khi số ca COVID-19 bùng phát trở lại tại quốc gia Đông Nam Á này, cho phép người dân quay trở lại hầu hết các hoạt động bình thường như ăn uống ngoài hàng, mua sắm tại các hàng bán lẻ,….Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã mở cửa dần các hệ thống tàu điện ngầm và một số các trung tâm thương mại từ tuần trước. Đây cũng là lựa chọn chung của đa số các nước phương Tây: EU đã thúc đẩy các biện pháp kích thích du lịch từ tháng trước và đang bổ sung thêm nhiêu nhiều nước vào “danh sách trắng” được phép di chuyển vào khối, trong đó có những nước tỷ lệ tiêm chủng thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc để gia tăng thu nhập. Điều này sẽ đảm bảo tiêu thụ năng lượng trên thế giới tăng trở lại sau tác động của dịch COVID-19.
Giá vẫn đang ở xu hướng tăng và các chỉ số kỹ thuật cho thấy giá dầu WTI đang hồi phục trở lại. Giá có thể quay lại test mức 71.6 USD/thùng trong hôm nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)