2 phiên rung lắc vừa qua là dấu hiệu cho thấy đà tăng của lúa mì đang chững lại
Mở cửa phiên sáng nay, giá lúa mì chỉ giằng co quanh mức tham chiếu và cũng là vùng giá cao nhất trong 2 phiên trước đó. Ở những vùng giá cao như hiện tại, mặc dù các yếu tố nguồn cung vẫn đang hỗ trợ và các yếu tố “bearish” vẫn chưa rõ ràng, giá lúa mì đang có sự rung lắc mạnh trong phiên khi lực chốt lời và bán ở giá cao đang tạo sức ép lên giá.
Báo cáo Crop Progress sáng nay của Bộ Nông Nghiệp Mỹ cho thấy, tiến độ gieo trồng lúa mì mùa đông niên vụ 2021/22 bước vào giai đoạn kết thúc với 94% diện tích. Chất lượng cây trồng tốt – tuyệt vời đạt 46%, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Mùa vụ lúa mì của Mỹ đang diễn ra khá tích cực trong khi tình hình ở Nga lại hoàn toàn ngược lại.
Giá lúa mì xuất khẩu tăng liên tục trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp. Bên cạnh đó, mùa đông đang đến gần cùng với nhiệt độ thấp khiến lo ngại càng gia tăng cho vụ lúa mì vừa được gieo trồng ở nước này. Chính sách hạn chế xuất khẩu của nguồn cung lớn nhất thế giới sẽ vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì trong dài hạn.
Khánh Linh
 
Các mặt hàng cà phê có thể sẽ đi ngang với biên độ rộng trong phiên hôm nay
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê trên 2 Sở tiếp tục diễn biến trái chiều nhau và đi theo các tín hiệu kỹ thuật như chúng tôi đã dự đoán trước đó.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên sở ICE US có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp lên mức 225 cents/pound. Tổng cộng, giá đã tăng hơn 10% chỉ sau 5 phiên gần nhất, một diễn biến khá giống với thời điểm cách đây 1 tháng. Ở thời điểm đó, giá đã giảm mạnh và xóa đi 1 nửa mức tăng khi giới đầu cơ chốt lời, và đây cũng là yếu tố rủi ro có thể khiến lực mua suy giảm trong 1 vài phiên tới.
Thời tiết tại Minas Gerais được dự báo sẽ có mưa trong vài ngày tới, kết hợp với một đồng Dollar đang mạnh lên có thể gây sức ép lên giá. Tuy nhiên đồng Real cũng đang tăng khá mạnh từ đầu tháng 11 đến nay, sẽ khiến lực bán ra từng nông dân Brazil giảm.
Về mặt kỹ thuật, giá tăng nhưng khối lượng giao dịch giảm trong phiên hôm qua cũng có thể khiến đà tăng bị cản lại trong phiên hôm nay. Nhiều khả năng giá sẽ dao động trong khoảng 220 – 225 để chờ thêm các tín hiệu mới từ cả cơ bản lẫn kỹ thuật.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ khó tăng mạnh trong phiên hôm nay trước áp lực từ nhu cầu suy yếu
Giá đồng kết thúc phiên giao dịch đầu tuần đã quay đầu giảm mạnh, xoá hết mức tăng từ phiên trước đó. Chỉ số đô la Mỹ đạt mức cao nhất gần 16 tháng cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc đã tạo áp lực đến giá kim loại màu.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã chính thức ký dự luật xây dựng cơ sở hạ tầng của lưỡng đảng, dự luật sẽ mang lại hỗ trợ tích cực cho thị trường kim loại. Hiện tại các thông tin mới đang tác động trái chiều đến giá đồng, tuy nhiên giá vẫn được hỗ trợ bởi yếu tố "bullish" mạnh nhất là nguồn cung thắt chặt.
Lực mua đối với đồng trong phiên sáng nay được thúc đẩy bởi những diễn biến tích cực trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình và tác động đến 2 loại tiền tệ.
Tuy nhiên đà tăng đang dần bị thu hẹp khi thị trường đang chờ đợi số liệu về doanh số bán lẻ tháng 10 và sản lượng công nghiệp tháng 10. Nếu như sản lượng công nghiệp sẽ phần nào thể hiện được nhu cầu về kim loại thì doanh số bán lẻ sẽ tác động lên thị trường tiền tệ và gián tiếp tác động lên giá đồng.
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể tăng trở lại trong phiên ngày hôm nay nếu IEA đưa ra cái nhìn tích cực về thị trường
Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua, với giá WTI tăng 0.11% lên 80.88 USD/thùng, giá Brent giảm 0.15% xuống 82.05 USD/thùng.
Thị trường đang chờ đợi các thông tin mới từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, khi mà các số liệu trước đó của OPEC+ được cho là không sát với thực tế. Dễ thấy nhất là báo cáo được xây dựng trên giả định kể các thành viên trong nhóm đều sản xuất đủ theo hạn ngạch được quy định.
Tuy nhiên thực tế chỉ tính đến tháng 10 sản lượng các thành viên và đồng minh đã thấp hơn 600,000 thùng/ngày so với quy định, một phần các nước có công suất cao không được phép sản xuất bù cho các thành viên đang gặp khó khăn như Nigeria hay Angola. Thêm nữa mặc dù Nga đang được cấp hạn ngạch dựa trên đường sản lượng gần 11 triệu thùng/ngày, thực tế nước này chưa bao giờ sản xuất nhiều dầu đến mức đấy. Theo ước tính sản lượng cao nhất Nga có thể đạt được rơi vào khoảng 10.5 triệu thùng/ngày.
Với việc phát hành báo cáo chậm hơn 1 tuần so với EIA và OPEC, có thể IEA sẽ cung cấp thêm nhận định về các diễn biến mới trong thời gian qua, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu hiện tại đang là một trong các yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV