Nhu cầu nhập khẩu đang tạo áp lực ngắn hạn và có thể đẩy giá đậu tương suy yếu về vùng 1400 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang giảm trở lại xuống dưới khoảng sideway 1430 – 1460. Xu hướng đi ngang đã kéo dài kể từ đầu tháng 11 cho tới trước khi giá mất đi hỗ trợ là mức chặn dưới vào cuối tuần trước. Đây có thể là tín hiệu kĩ thuật cho thấy lực bán đang chiếm ưu thế hơn và nhịp giảm đang được hình thành.
Về mặt cơ bản, nhu cầu đối với đậu tương thế giới cũng đang có dấu hiệu suy yếu. Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất chỉ nhập khẩu 2.8 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong tháng vừa rồi, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các lô hàng đậu tương từ Mỹ tới Trung Quốc trong tháng 10 đạt 772,938 tấn, so với mức 775,331 tấn của 10/2021. Nhu cầu sử dụng khô đậu cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của nông dân cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu đậu nội địa Trung Quốc liên tục ở mức thấp trong nửa đầu năm nay đã khiến biên lợi nhuận ép dầu tại nước này sụt giảm. Điều này dẫn tới việc nhập khẩu đậu tương hàng tháng của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất từng được ghi nhận kể từ 2014. Tuy nhiên, đây lại không phải là yếu tố “bearish” đủ mạnh để tạo ra xu hướng giảm mới mà chỉ tạo sức ép ngắn hạn lên giá đậu tương.
Nguồn cung từ Mỹ có thể trở nên cạnh tranh hơn trong thời gian tới nếu như nhu cầu từ Trung Quốc vẫn duy trì để bù đắp lại lượng hàng thiếu trong thời gian trước. Những số liệu bán hàng xuất khẩu tăng vọt trong vài báo cáo hàng tuần gần đây cũng là căn cứ cho nhận định trên. Thị trường cũng vẫn cần theo dõi xu hướng khối lượng giao hàng trong các báo cáo Export Inspections, vì đây sẽ là dấu hiệu dự báo nhanh hơn cho số liệu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 11. Nếu như trong tuần này, giao hàng đậu tương tiếp tục không có sự cải thiện thì nhu cầu vẫn sẽ đóng vai trò là yếu tố “bearish” đối với giá.

Giá Arabica có thể vẫn giảm nhẹ trong phiên hôm nay dưới tác động từ việc Dollar Index hồi phục

Kết thúc tuần giao dịch 14/11-20/11, cả 2 mặt hàng cà phê đều mang sắc đỏ. Trong đó, Arabica ghi nhận 5/5 phiên giảm và đẩy giá về mức thấp nhất trong gần 2 năm do xuất khẩu tại Brazil được đẩy mạnh và tồn kho đạt chuẩn Arabica trên ICE US vẫn tiếp tục tăng. Robusta ghi nhận mức giảm khiêm tốn hơn với 1.36% khi tiếp tục chịu áp lực từ việc thu hoạch tại Việt Nam, quốc gia cung ứng Robusta số 1 thế giới.
Dollar Index tăng trong phiên sáng nay sau khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (FED) đều có những phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với việc mạnh tay trong đợt tăng lãi suất sắp tới, không giống với những gì thị trường đang kỳ vọng trong thời gian gần đây. Điều này sẽ phần nào thúc đẩy hơn nữa lực bán từ phía nông dân Brazil, do họ có thể thu về nhiều nội tệ hơn, từ đó gây sức ép lên giá. Dollar Mỹ mạnh hơn không chỉ gây áp lực bán lên Brazil mà các quốc gia cung ứng lớn khác như Colombia hay Honduras cũng chịu ảnh hưởng này, đặc biệt khi 2 quốc gia trên đang trong thời kỳ thu hoạch tập trung nên rất dễ để có lượng lớn cà phê được cung ứng ra thị trường. Điều này càng khiến giá Arabica giảm sâu hơn.
Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US vẫn còn khả năng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới với hơn 577,000 bao đang chờ được phân loại và chuyển vào các kho lưu trữ, giúp tổng mức tồn kho có thể đạt trên 900,000 bao, cao gấp đôi mức tồn kho hiện tại.
Dù vậy, dự báo thời tiết với việc khô hơn tại phía Đông Nam của Brazil, vùng trồng cà phê chính của nước này, khiến kỳ vọng về một mùa vụ 2023/2024 bội thu giảm bớt. Điều này sẽ phần nào kìm hãm những yếu tố đang tác động “bearish” lên giá.

Đà giảm của giá đồng có thể chưa dừng lại khi những lo ngại về dịch Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng

Giá đồng tiếp tục lao dốc trong sáng nay, tiếp nối chuỗi giảm dài nhất trong vòng 3 tháng. Sự phục hồi của đồng USD đang gây sức ép với toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường đồng nói riêng. Hiện chỉ số Dollar Index đã quay trở lại mức 107 điểm, cao nhất trong vòng 1 tuần.
Bên cạnh đó, sức ép bán tiếp tục gia tăng khi tin tức tiêu cực xuất hiện trở lại tại Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới. Mới đây, nước này lại ghi nhận một ca tử vong do nhiễm Covid-19, sau gần sáu tháng một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng các nhà chức trách có thể sẽ tiếp tục duy trì các chính sách chống dịch nghiêm ngặt.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc mở cửa trở lại của đất nước này. Chỉ 66% những người từ 80 tuổi trở lên được tiêm phòng đầy đủ và chỉ 40% được tiêm mũi bổ sung.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã rút ròng 2 tỷ nhân dân tệ (421 triệu USD) thông qua hoạt động thị trường mở vào hôm nay, lần đầu tiên kể từ ngày 9/11. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại các thành phố lớn của Trung Quốc và nỗi sợ hãi gia tăng về các biện pháp kiềm chế mới cũng đã làm giảm tâm lý chịu rủi ro của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, PBoC cũng giữ nguyên lãi suất cho vay một năm ở mức 3.65%. Động thái này cho thấy các nhà chức trách tiếp tục thận trọng với rủi ro lạm phát và không nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp việc nền kinh tế đang trong khó khăn. 

Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu khi lo ngại về nguồn cung ngắn hạn có phần giảm bớt

Giá dầu tiếp tục chịu sức ép trong phiên giao dịch sáng nay khi kỳ vọng về sự nới lỏng trong Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đang dần lung lay. Lo ngại về dịch bệnh tại quốc gia này vẫn đang là rào cản lớn nhất đối với triển vọng tiêu thụ và gây áp lực tới giá dầu.
3 ca tử vong do Covid-19 đã xuất hiện sau gần 6 tháng, trong đó 2 ca tại Bắc Kinh đã khiến thị trường nghi ngại rằng Chính phủ sẽ quay trở lại với các biện pháp phong toả chặt chẽ. Một thành phố gần Bắc Kinh trước đó được đồn là nơi thử nghiệm cho các chính sách nới lỏng Zero-Covid mới đây đã tiến hành đóng cửa trường học, yêu cầu người dân ở nhà trong 5 ngày. Nhiều khả năng tin tức tiêu cực này sẽ khiến giá dầu tiếp tục giảm trong phiên hôm nay.
Trong khi đó, rủi ro về phía nguồn cung, ít nhất là trong ngắn hạn đang bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt. Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều dầu thô hơn từ phía Nga, với lượng nhập khẩu trong tháng 10 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Dòng chảy dầu từ Nga về Trung Quốc được tăng cường cũng sẽ hạn chế một ít áp lực nguồn cung dầu từ các nước khác trong bối cảnh các nước Tây Âu đang tìm cách cấm vận dầu Nga. Ngoài ra, nguồn tin từ Reuters đang cho biết những lo ngại ban đầu về thiếu hụt nguồn cung khiến các nhà máy lọc dầu tại Châu Âu đang có “nhiều dầu thô” hơn mức cần thiết để giao trong tháng 11 và 12. Mức chênh lệch của Brent Spread cho 2 hợp đồng kỳ hạn gần nhất là 42 cent/thùng, giảm so với mức 2 USD/thùng vào 1 tháng trước, trong khi mức chênh lệch tương tự đối với WTI đã chuyển sang trạng thái “bù hoãn mua”, một tín hiệu giảm giá cho thấy nguồn cung trong ngắn hạn dồi dào. Goldman Sachs cũng đã hạ dự báo giá dầu cho quý IV 10 USD/thùng xuống còn 100 USD/thùng trước tác động tiêu cực từ dịch bệnh Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro nguồn cung dài hạn vẫn sẽ là yếu tố cản trở đà giảm sâu và khiến giá dầu có thể giằng co với biên độ hẹp, nhất là trước thông tin phía G7 dự kiến công bố mức giá trần lên dầu Nga vào thứ 4 tuần này.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)