Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán cơ bản đồng giảm ít nhất 1,1% với khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ. Cụ thể, S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 1,2% và 1,1%. Nasdaq cũng giảm 1,5%.

Cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu vật liệu thô và công nghệ với mức giảm hơn 1,5%. Giá vật liệu thô giảm chủ yếu do giá hàng hóa lao dốc xuống thấp nhất 2 tuần với chỉ số Hàng hóa Bloomberg giảm 1% sau khi ngân hàng ADB hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015.  

Châu Âu là thị trường chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất với chỉ số FTSEurofirst 300 giả 3,3%. Giới đầu tư bán tháo mạnh cổ phiếu trên thị trường châu Âu vì những rủi ro xung quanh kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của liên minh đồng tiền chung.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán lớn ở Trung Quốc lại biến động trái chiều với chỉ số Shanghai Composite tăng 0,9% nhưng Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7%.

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi giảm 0,9%, đánh dấu phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Trong đó, chủ số chứng khoán Ấn Độ, Nga, Nam Phi và Ba Lan giảm ít nhất 1,5%. MSCI châu Á Thái Bình Dương không kể Nhật Bản giảm 0,3%.

Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á, ADB hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 6,8% trong năm 2015 từ mức 7,2% dự báo trước đó, và thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,3% của năm 2014. Tăng trưởng GDP năm 2016 có thể tiếp tục giảm xuống mức 6,7%.

ADB lưu ý, đà tăng trưởng của khu vực châu Á bị ảnh hưởng do đà phục hồi của các nền kinh tế phát triển còn mong manh trong khi kinh tế Trung Quốc cũng đang giảm tốc.


Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu của cả hai Chủ tịch ECB và Fed lần lượt trong ngày 23 và 24/9 về chính sách tiền tệ hiện tại. Giới đầu tư kỳ vọng rằng, Fed sẽ đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về kế hoạch nâng lãi suất trong khi ECB tiếp tục nới lỏng chính sách. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters, Bloomberg