Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lần đầu tiên vượt qua Bắc Mỹ về số cá nhân triệu phú, tờ Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu mới được công bố cho biết.

Theo nghiên cứu do công ty tư vấn Capgemini và công ty quản lý tài sản RBC Wealth Management phối hợp thực hiện công bố ngày 15/9, nhờ tài sản gia tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, và Thái Lan, châu Á-Thái Bình Dương hiện đã có nhiều triệu phú hơn Mỹ và Canada.

Cuộc thăm dò phục vụ cho nghiên cứu trên được tiến hành trong thời gian từ tháng 12/2014-2/2015, nên một phần sự gia tăng tài sản này của châu Á được cho là xuất phát nhiều từ đợt tăng điểm mạnh trước đó của thị trường chứng khoán Trung Quốc, và không phản ánh đợt lao dốc chóng mặt của thị trường này trong mùa hè.

Trong vòng 1 năm tính đến tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm gấp đôi. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải đã giảm khoảng 7,1% so với đầu năm.

Theo kết quả nghiên cứu, số triệu phú, được định nghĩa là những cá nhân có tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD trở lên, tại châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 11,4% so với năm ngoái, lên 4,672 triệu người. So với số triệu phú của Mỹ và Canada, số triệu phú của châu Á-Thái Bình Dương nhiều hơn 6.400 người.

Tuy vậy, giới triệu phú Bắc Mỹ vẫn sở hữu lượng tài sản lớn hơn, nắm 28,8% trong số 56,4 nghìn tỷ USD tài sản của giới triệu phú toàn cầu, so với tỷ lệ 28,1% của các triệu phú châu Á-Thái Bình Dương và 23% của giới triệu phú châu Âu.

Các triệu phú châu Á có xu hướng nắm giữ nhiều tiền mặt hơn mức trung bình toàn cầu. Vào thời điểm đầu năm, giới triệu phú ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữ nhiều tiền mặt hơn bất kỳ tài sản nào, với tỷ lệ 23,1% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản. Tại Nhật, tỷ lệ tiền mặt trong cơ cấu tài sản của các triệu phú là 37,1%.

Ngoài ra, nhu cầu vay mượn để đầu tư của giới triệu phú châu Á cũng cao, trong đó vốn tín dụng chiếm 25,5% tài sản, so với mức trung bình 18,2% của toàn cầu. Theo chuyên gia của RBC Wealth Management, đòn bẩy nợ “luôn rất cao ở châu Á so với các thị trường khác”, vì nhiều cá nhân giàu ở khu vực này là chủ doanh nghiệp nên họ không ngại dùng vốn tín dụng. 

Theo Diệp Vũ

VnEconomy