Chốt phiên giao dịch ngày 24/6, chỉ số MSCI toàn cầu, chỉ số chứng khoán tổng hợp tại 46 quốc gia khác nhau, giảm 0,43%, trong khi FTSEurofirst 300 trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm 0,4%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm 1%, S&P 500 giảm 0,7%, Nasdaq giảm 0,7% sau khi liên tục cán mốc kỷ lục.
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt mất điểm sau khi chủ nợ bất ngờ từ chối đề xuất cải cách ban đầu của chính phủ Hy Lạp, yêu cầu những sửa đổi mang tính nhạy cảm chính trị. Động thái này khiến cho đàm phán cứu trợ Hy Lạp tiếp tục rơi vào bế tắc, đẩy Hy Lạp đến gần hơn nguy cơ vỡ nợ vào tuần tới.
Những tin tức từ Hy Lạp cùng với số liệu kinh tế thất vọng của Mỹ cũng kéo USD giảm. Phiên giao dịch hôm qua, USD giảm 0,3% so với euro xuống 1,1202 USD/EUR, giảm 0,07% so với yên xuống 123,85 yên/USD. Chỉ số Dollar đo sức mạnh của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,2%.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu Mỹ phục hồi sau 2 phiên bán tháo khi nhà đầu tư tìm kiếm đến thị trường được cho là an toàn này.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý I của Mỹ giảm 0,2%, thay vì giảm 0,7% như ước tính ban đầu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong trung hạn USD vẫn trên đà tăng do triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.
Chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng BNP Paribas, Vassili Serebriakov đánh giá: “Tôi cho rằng, các thị trường sẽ sớm đổ dồn chú ý vào đồng USD, nhất là để đón đầu xu hướng tăng lãi suất. Một khi được trợ lực từ lãi suất cao hơn, tỷ giá đồng USD sẽ vận động theo xu hướng tăng”.

Ông Serebriakov cho rằng, sự tăng giá mạnh của đồng USD nếu được tiếp tục, sẽ có những điểm khác biệt so với các đợt tăng giá trước khi các ngân hàng trung ương khác nới lỏng tiền tệ.
Minh Phương
Theo Reuters, CNBC