Trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, 28 trong số 70 nhà lập pháp Hong Kong phản đối dự luật, 8 người ủng hộ và một người bỏ phiếu trắng, CNN đưa tin. Dự luật cần được ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng Lập pháp, tương đương 47 phiểu, ủng hộ để thông qua.
Một lượng lớn nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh đã rời khỏi phòng ngay trước khi dự luật được đưa ra bỏ phiếu khiến phe này trở nên hỗn loạn. "Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với nhóm nghị sĩ bất ngờ quyết định rời phòng họp", AFP dẫn lời James Tien, thuộc đảng Tự do, có thành viên ở lại bỏ phiếu, nói.
Nhóm nghị sĩ rời đi sau khi đề nghị tạm ngừng trong 15 phút của họ bị chủ tịch hội đồng từ chối. Jeffrey Lam, người ủng hộ Bắc Kinh, nói họ xin tạm ngừng để một nhà lập pháp bị ốm và đến muộn, có thể tham gia bỏ phiếu.
Trung Quốc trong cùng ngày cho biết lấy làm tiếc vì Hong Kong không thông qua dự luật của Bắc Kinh, gọi đây là kết quả "không muốn chứng kiến". Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tái khẳng định Bắc Kinh ủng hộ dự luật và vẫn hy vọng phần lãnh thổ bán tự trị này tiếp tục thịnh vượng,
"Người lãnh đạo chính quyền đặc khu hành chính không được bầu vào năm 2017 là điều chúng tôi không muốn chứng kiến", ông Lục phát biểu trong cuộc họp báo.
Dự luật này là chủ đề gây nhiều tranh cãi ở Hong Kong. Nó được đưa ra sau khi phong trào biểu tình đường phố quy mô lớn đòi dân chủ xuất hiện vào mùa thu năm ngoái. Phong trào kéo dài gần ba tháng, lúc cao điểm thu hút hàng chục nghìn người tham gia, lập rào chắn, chặn đứng nhiều tuyến phố chính của Hong Hong. Cảnh sát có lúc phải dùng đến đạn hơi cay để giải tán đám đông.
Những người ủng hộ dân chủ từ chối chấp nhận dự luật, cho rằng bỏ phiếu lựa chọn các ứng viên được một ủy ban sàng lọc và thông qua là "phổ thông đầu phiếu giả tạo".
Albert Chan, nhà lập pháp phản đối dự luật, gọi kết quả bỏ phiếu là "thắng lợi". "Chúng tôi không muốn có một hệ thống dân chủ giả tạo ở Hong Kong", ông nói. "Chúng tôi muốn tiếp tục đấu tranh vì nền dân chủ thực sự".
Regina Ip, người ủng hộ dự luật, lại cho rằng kết quả trên là "rất đáng tiếc... và không tốt cho quản trị".
Hong Kong được cấp cho quyền tự trị, gồm hệ thống luật pháp riêng và tự do dân sự, theo thỏa thuận với Anh khi nước này trao trả lại thuộc địa cho Bắc Kinh năm 1997. Giữa đặc khu hành chính và chính quyền trung ương trong nhiều năm qua có sự bất đồng về cách thực hiện phổ thông đầu phiếu, theo cam kết trước đó của Bắc Kinh.
Nhiều nhà lập pháp cho rằng dự luật vừa bị bác bỏ có thể giúp hoàn thành cam kết nhưng phe ủng hộ dân chủ không đồng ý. Giới chức Hong Kong và Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không còn đề xuất cải cách nào khác và ám chỉ hậu quả mà những người phản đối phải chịu.
"Ai phải chịu trách nhiệm, tôi nghĩ câu trả lời đã rõ", Chánh Văn phòng Carrie Lam, người quyền lực thứ hai ở Hong Kong, nói vào những phút cuối của cuộc tranh luận về dự luật. Bà cáo buộc các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đang giữ thành phố làm "con tin" và cho rằng bầu cử dân chủ hiện là "giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực".
Theo Như Tâm
VnExpress