Theo Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, TPP có một ích lợi lớn đó là khi được ký kết, các hàng hóa của Mỹ cuối cùng sẽ được hưởng cơ chế phi thuế quan khi tiếp cận với người tiêu dùng các nước như Việt Nam, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, một số loại thuế quan vẫn chưa thể xóa bỏ ngay lập tức mà sẽ được xóa bỏ dần qua một số năm.
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện giao dịch thương mại, hiệp định này sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho các bên. Đây là lý do chủ yếu để Đảng Cộng hòa Mỹ thúc đẩy thông qua Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) và TPP.
Hiện Mỹ không áp thuế quan đối với 80% hàng hóa từ các nước tham gia đàm phán TPP. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ lại thường khó tiếp cận với người tiêu dùng nước ngoài. Ví dụ, Việt Nam áp thuế 70% đối với xe hơi nhập từ Mỹ, Malaysia áp thuế 50% số với xe máy Mỹ, Nhật Bản thậm chí áp thuế 189% với giày Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama do đó đã dựa vào chênh lệch thuế, coi đó là chìa khóa để thúc đẩy TPA/TPP. Tuy nhiên có thể thấy rõ rằng, chính phủ các nước đối tác thương mại của Mỹ lại đặc biệt không quan tâm đến hàng hóa, dịch vụ của Mỹ mà chủ yếu muốn xuất khẩu vào thị trường béo bở của Mỹ.
Hơn nữa, đa số trong 95% người tiêu dùng không sống ở Mỹ, đặc biệt ở các nước như Malaysia, Việt Nam và một số thị trường châu Á phát triển nhanh khác, không phải nhóm người tiêu dùng mà Mỹ dễ nắm bắt tâm lý.
80% dân số thế giới trang trải sinh hoạt dưới 10 USD/ngày, điều đó có nghĩa là xe hơi, xe máy hay giày dép sản xuất từ Mỹ đều coi là những mặt hàng xa xỉ với họ, dù đánh thuế hay không.
Đáng chú ý nhất, TPP không đề cập đến một loạt chi phí đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với xuất khẩu đó là Thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa nước ngoài.
Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới không tính VAT đối với hàng hóa và dịch vụ từ bên ngoài. Trong số 11 quốc gia còn lại tham gia đàm phán TPP, có tới 10 quốc gia tính VAT. Điều này nghĩa là ngay cả khi được hưởng cơ chế phi thuế quan, hàng hóa và dịch vụ Mỹ vẫn gặp phải những rào cản lớn: chịu thêm thuế suất 19% khi vào Chile, 15% khi vào Peru và New Zealand, 16% vào Mexico, 8% vào Nhật Bản, và chỉ có duy nhất Brunei không tính VAT.
Do tác động của việc bỏ quên VAT và một số vấn đề liên quan đến thao túng tiền tệ mà Mỹ thường trong tình trạng thâm hụt thương mại nhiều năm.
Chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội đã không cân nhắc vấn đề VAT khi biểu quyết TPA và đàm phán TPP. Nhiều thập kỷ qua, Quốc hội và các nhà đàm phán của Mỹ đã cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến VAT trong các đàm phán thương mại nhưng không thành. Kết quả là mỗi khi các nước giảm thuế quan cho sản phẩm của Mỹ, họ thường nâng thuế VAT để bù đắp.
Không giống như thao túng tiền tệ, chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết sự chênh lệch VAT ày. Đó cũng là lý do tại sao giới chuyên gia cho rằng TPP chỉ mang lại 0,4% tăng trưởng GDP cho Mỹ đến năm 2025.
Minh Phương
Theo The Hill