Theo số liệu vừa công bố của Caixin và hãng nghiên cứu Markit, chỉ số Nhà quản trị sản xuất (PMI) tháng 7 của Trung Quốc giảm xuống 47,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2013, từ mức 49,4 điểm trong tháng 6. Mức điểm dưới 50 cho thấy ngành sản xuất suy yếu.

Số liệu công bố chính thức hồi cuối tuần cho thấy PMI tháng 7 của Trung Quốc xuống 50 điểm, thấp hơn so với tháng 6 ở mức 50,2 điểm. So với khảo sát của Caixin, số liệu khảo sát chính thức thông thường tập trung hơn vào các doanh nghiệp lớn.

Số đơn đặt hàng mới trong tháng 7 của Trung Quốc giảm trong khi sản lượng công nghiệp giảm tháng thứ 3 liên tiếp xuống thấp nhất hơn 3,5 năm.

Khảo sát cho thấy niềm tin kinh doanh suy giảm khiến các doanh nghiệp cắt giảm lao động tháng thứ 21 liên tiếp. Các nhà máy cũng giảm giá đầu ra xuống thấp nhất 6 tháng do cạnh tranh trên thị trường tăng, biên lợi nhuận đóng băng.

"Chúng tôi cho rằng, sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán hồi đầu tháng 7 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế”, chuyên gia của ING, ông Tim Condon nhận định.

Đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp phương Tây cân nhắc lại hoạt động tại thị trường này, nhiều doanh nghiệp giảm đầu tư, dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc và tìm cách đối phó với tình trạng nợ xấu tăng.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã can thiệp để kích thích nền kinh tế bằng nhiều biện pháp, trong đó có 4 lần hạ lãi suất kể từ tháng 11 năm ngoái, cùng với nhiều lần nới lỏng quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng.

Chính quyền Bắc Kinh những tuần gần đây cũng can thiệp nhằm ổn định thị trường chứng khoán sau khi liên tục bị bán tháo.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo đạt khoảng 7% trong năm nay, từ mức 7,4% năm 2014. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất 25 năm qua.
Minh Phương
Theo Reuters