Trong cuộc điều trần tại Hạ viện hôm 10/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cảnh báo nguy cơ Trung Quốc đang xây dựng một giàn khoan ở ngoài khơi, gần đường phân định biên giới trên biển với Nhật Bản, tại biển Hoa Đông. Theo phía Nhật Bản, động thái này nhằm tăng cường tuần tra, khẳng định chủ quyền tại những vùng biển đang có tranh chấp.
Ông Nakatani nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng một giàn khoan mới tại nơi đang có những hoạt động thăm dò khai thác khí đốt, tuy thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng gây nhiều lo ngại và có thể trở thành một vấn đề an ninh đối với Nhật Bản.
Theo ông Nakatani, Trung Quốc "có thể lắp đặt trên giàn khoan mới này một hệ thống radar hoặc sử dụng cơ sở này như một bãi đỗ trực thăng, máy bay không người lái, tiến hành các hoạt động tuần tra trên không" ở biển Hoa Đông.
Washington Post đưa tin, chính phủ Nhật Bản thuờng xuyên theo dõi vùng biển Hoa Đông và quân đội cũng như lực lượng tuần duyên Nhật Bản tiến hành các hoạt động tuần tra ở đây.
Tuy nhiên, cho đến nay, Tokyo không cung cấp thông tin Trung Quốc đã xây bao nhiều giàn khoan, vị trí, quy mô của các cơ sở này. Từ tháng 6/2013, vấn đề này trở nên rõ ràng khi Trung Quốc xây dựng một giàn khoan tại khu vực này.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động nói trên, nhưng dường như Bắc Kinh vẫn tiếp tục.
Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, nhưng hệ thống radar của Trung Quốc đặt trên đất liền không thể theo dõi được toàn bộ vùng này. Chính vì thế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nếu hệ thống radar được đặt trên giàn khoan mới thì sẽ hỗ trợ cho Trung Quốc nâng cao khả năng cảnh báo, giám sát các hoạt động của quân đội Nhật Bản.
Cho đến nay, đường phân định gianh giới trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc không rõ ràng. Bắc Kinh đã cho xây dựng giàn khoan bên phía Trung Quốc gần sát đường phân định này.
Tháng 6/2008, hai nước thỏa thuận khai thác chung tại vùng phân định và hợp tác khai thác khí đốt ở Shirakaba, nằm trên đường phân định. Các cuộc đàm phán về việc cùng khai thác ba địa điểm còn lại vẫn đang được tiến hành nhưng ít tiến triển.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang sử dụng các giàn khoan nước sâu như lãnh thổ di động trên biển, nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ tại các vùng biển xung quanh. Đầu tháng 5, Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và rút đi hồi giữa tháng 7.
Phương Linh