Bloomberg dẫn cảnh báo từ hãng hàng không AirAsia – đơn vị khai thác chính cho biết, việc này có thể gây ra tình trạng chậm chuyến, ảnh hưởng đến độ bền máy bay và an toàn bay. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Aireen Omar, giám đốc điều hành AirAsia cho biết, dù việc cất cánh và hạ cánh chưa bị ảnh hưởng, hãng bay này vẫn đề nghị giới chức Malaysia sửa chữa trước khi có hành khách bị thương
“Sân bay vẫn đang chìm. Công ty điều hành Malaysia Airports đã sửa chữa mọt phần bề mặt, nhưng sân bay này cần một giải pháp lâu dài”, ông nói.
Về phía Malaysia Airports, đơn vị này cho biết, sự cố sụt lún là do nền đất không đồng nhất và đã được cảnh báo từ trước. Họ đang tìm cách khắc phục vấn đề này và dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 4/2016.
Thông tin về tình trạng của sân bay Kuala Lumpur sẽ là tin xấu nữa cho ngành hàng không vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa máy bay MH370 và MH17.
AirAsia ban đầu từ chối chuyển tới khi nhà ga này mở cửa vào tháng 5/2014 cùng với sự bùng nổ của lĩnh vực hàng không giá rẻ, do lo ngại về an ninh và điều hành chuyến bay nhưng sau đó buộc phải chấp nhận do chính phủ tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại nhà ga cũ. Năm đầu tiên, AirAsia vận chuyển 15,2 triệu lượt hành khách, chiếm 87% lưu lượng nhà ga.
Tại châu Á, không chỉ Malaysia đối mặt với tình trạng sụt lún tại sân bay. Nhật Bản cũng từng phải gia cố lại nền đất dưới sân bay quốc tế Kansai do sụt lún.
Minh Phương
Theo Bloomberg