Bình luận về thông tin Ukraine có thể yêu cầu tịch thu tài sản nước ngoài của Nga để bù đắp tổn thất của việc mất Crưm, thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết: "Đây là một vấn đề pháp lý. Đương nhiên, về mặt pháp lý Nga sẽ dùng mọi biện pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để bảo vệ tài sản của mình một cách chính đáng".

Ngày 2.6 người phát ngôn Vụ quản lý tài sản Điện Kremlin, Viktor Khrekov cũng phát biểu với hãng TASS rằng, Nga sẽ sử dụng tất cả các cơ chế pháp lý để bảo vệ tài sản ở nước ngoài, không để bị tịch thu. 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ukraina Natalia Sevostyanova cho biết, Ukraina có thể yêu cầu tịch thu tài sản của Nga, như một biện pháp đền bù cho sự mất mát Crimea. Thứ trưởng tuyên bố, "không một tài sản nào ở Ukraine thuộc về Nga".

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga ký thỏa thuận với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ về việc hoàn trả các khoản nợ nước ngoài của họ để đổi lấy tài sản. Tuy nhiên, một số nước cộng hòa, chẳng hạn như Ukraine, thông qua cái gọi là "công hàm phong tỏa" và cố gắng ngăn cản việc tái đăng ký tài sản, đồng thời tuyên bố đó là tài sản của mình. Thư ký báo chí Khrekov bổ sung rằng, Nga đã trả lại hết các khoản nợ nước ngoài của nước cộng hòa Ukraine thuộc Liên Xô cũ.

Người phát ngôn Vụ quản lý tài sản Điện Kremlin cho hay, vấn đề tồn đọng này đã được đàm phán trong nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Năm ngoái, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, chính quyền Ukraine cũng đe dọa quốc hữu hóa những tài sản của Nga trên lãnh thổ Ukraine và các quốc gia khác.

Gazprom, tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu của chính phủ Nga, có hệ thống đường ống đồ sộ qua lãnh thổ Ukraine. Các loại tài sản đáng giá khác của Nga tại Ukraine bao gồm hệ thống chi nhánh của ngân hàng Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga và lớn thứ ba tại Châu Âu.

Nguồn: Lao Động