Không có gì lạ khi Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh Abul Hassan Mahmood gọi thỏa thuận này là “dấu mốc mang tính lịch sử trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á”. Thỏa thuận đã chấm dứt được những phức tạp về lãnh thổ kéo dài suốt từ năm 1713.
Tính chất của thỏa thuận nói trên càng đặc biệt hơn khi nhìn lại quan hệ phức tạp vào loại “có một không hai” trên thế giới về chủ quyền các vùng đất biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh ở khu vực Bắc Bengal.
Thỏa thuận trao đổi các khu đất thuộc chủ quyền của nước này nhưng lại nằm trong lãnh thổ của nước khác giữa hai nước giúp đơn giản hóa vấn đề chủ quyền của 4.000km đường biên và làm rõ vấn đề quốc tịch của khoảng 52.000 cư dân đang sinh sống trên đó.
Chủ quyền kiểu... “búp bê Nga”
Theo thỏa thuận đã ký kết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina Wajid đã thống nhất trao đổi 200 khu đất, để mỗi quốc gia sẽ tiếp quản các khu đất của nước kia hiện đang nằm trên lãnh thổ nước mình.
Cư dân tại những khu đất đó được quyền lựa chọn hoặc ở lại, hoặc chuyển sang sống ở bên kia biên giới tùy theo nhu cầu.
Đây là hệ lụy lịch sử để lại từ 300 năm trước, khi các hoàng đế triều đại Moghul ra sức thâu tóm khu vực Cooch Behar ở Bắc Bengal. Đến nay, biên giới phía bắc giữa Ấn Độ và Bangladesh có tình trạng đan xen kiểu da báo với hàng trăm khu đất.
Theo đó, Ấn Độ có 106 khu đất trong lãnh thổ Bangladesh và ngược lại, Bangladesh có 92 khu đất trong lãnh thổ của nước láng giềng.
Hầu hết khu đất này đều rất nhỏ và tổng diện tích của chúng chỉ hơn 100km2. Khu đất nhỏ nhất là Upan Chowki Bhaini chỉ rộng 53m2, tức bằng diện tích một căn hộ trung bình ở Mumbai.
Nhưng tình hình còn phức tạp hơn khi có 24 khu đất như vậy còn ở tình trạng nằm trong nhau, lồng ghép kiểu búp bê matryoshka của Nga khi trong lãnh thổ Bangladesh có khu đất của Ấn Độ, rồi tiếp đó trong khu đất của Ấn Độ đó lại có một khu đất nhỏ hơn của Bangladesh và cứ tiếp tục như thế...
Vấn đề “lồng ghép” đó gây khó khăn không chỉ cho việc quản lý của chính quyền, mà còn khiến đời sống của những cư dân sống trên các khu vực đó gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, họ trở thành những công dân không quốc gia, mất quyền được hưởng những phúc lợi xã hội.
Với thỏa thuận trao đổi các khu đất như vậy, cả Ấn Độ và Bangladesh đều kỳ vọng sẽ chấm dứt những phức tạp trong vấn đề chủ quyền biên giới, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước.
Trước khi ký kết thỏa thuận, từ hôm 13-5 Chính phủ Ấn Độ đã thông qua dự thảo hiến pháp sửa đổi lần thứ 119, trong đó đặt ra vấn đề giải quyết cụ thể việc vẽ lại đường biên giới giữa nước này và Bangladesh.
Ấn Độ xúc tiến các dự án đầu tư
Cùng với thỏa thuận trao đổi các khu đất thuộc khu vực xung quanh đường biên giới chính thức, Ấn Độ và Bangladesh cũng đã ký kết hàng loạt thỏa thuận đầu tư trị giá 4,5 tỉ USD trong lĩnh vực sản xuất điện và 2 tỉ USD hợp đồng cho Bangladesh vay vốn.
Ngoài ra, hai thủ tướng đã cùng thủ hiến bang Tây Bengal của Ấn Độ Mamata Banerjee dự lễ khai trương dịch vụ xe buýt ở khu vực biên giới giữa hai nước.
Không chỉ tăng cường hợp tác thương mại, hai nước cũng hướng tới việc tăng cường hợp tác an ninh biên giới và phòng chống nạn buôn người. Cùng với khoản hỗ trợ 1 tỉ USD năm 2011 cho Pakistan, lần này Ấn Độ công bố cho quốc gia láng giềng vay thêm 2 tỉ USD để đầu tư trong các dự án phát triển hạ tầng.
Cùng với nhiều dự án đầu tư khác, hai tập đoàn điện lực của Ấn Độ là Adani và Reliance cũng đã ký kết các hợp đồng trị giá hơn 4,5 tỉ USD với Hội đồng Phát triển điện lực Bangladesh (Bangladesh Power Development Board - BPDB) để xây dựng sáu nhà máy điện với sản lượng 4.600 MW.
Trên cơ sở đó, ông Modi khẳng định: “Bangladesh sẽ được mua 1.100 MW điện từ Ấn Độ, nhiều hơn gấp đôi sản lượng điện hiện nay (500 MW)”.
Tổng giá trị giao dịch thương mại giữa Ấn Độ và Bangladesh trong năm tài chính 2014 - 2015 đạt 6,9 tỉ USD, nhưng vẫn nghiêng nhiều về phía Ấn Độ khi nước này xuất khẩu sang Bangladesh chiếm tới 6,2 tỉ USD trong đó.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ sẽ chủ trương đầu tư nhiều hơn vào Bangladesh khi quốc gia này sẵn sàng trở thành vùng kinh tế độc quyền của Ấn Độ và những gói đầu tư hiện tại sẽ giúp thu hẹp dần cán cân thương mại giữa hai nước.
Theo Kim Thoa
Tuổi Trẻ