Tháng 2 năm ngoái, Liu Yannan, 29 tuổi, từ một người chuyên về lĩnh vực đầu tư góp vốn tư nhân bất ngờ ra mắt một trang điện tử liên kết trực tiếp giữa những người có nhu cầu vay vốn với các chủ nợ.
Ban đầu, anh tìm kiếm các đối tác sẵn sàng cho vay nợ qua các trò chuyện vào bữa trưa tại căng tin của các công ty nơi mà bạn bè anh làm việc. Sau khi chuyển sang hình thức trực tuyến, công việc này trở nên nhanh chóng hơn, và chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, số người có nhu cầu cho vay nhiều hơn cả số người có nhu cầu vay mà anh tìm được.
“Chỉ trong vòng 2 tháng, mỗi lần chúng tôi đăng tin có người muốn vay, thì lập tức có người đăng ký cho vay chỉ vài giây sau đó. Tôi thậm chí buộc phải viết thư xin lỗi khách hàng muốn cho vay bởi chúng tôi không có đủ người đăng ký vay”, anh Liu nói.
Loại hình cho vay như kiểu của anh Liu đang điều hành được gọi là cho vay ngang hàng hay P2P và đang trở nên rất thịnh hành ở Trung Quốc, được coi là giải pháp cho vấn đề đáp ứng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình ở Trung Quốc đổ xô dùng dịch vụ P2P, coi đây là nguồn tín dụng cần thiết với lãi vay hợp lý. Không chỉ những người có nhu cầu vay, mà cả những người có nhu cầu cho vay với lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng cũng tìm đến kênh tín dụng này. Theo số liệu của công ty Wangdaizhijia chuyên về dữ liệu, tính đến cuối năm 2014 có khoảng gần 1.600 trang web chuyên dịch vụ P2P ở Trung Quốc, tăng chóng mặt so với con số 50 cách đó 3 năm.
P2P phát triển đầu tiên ở Mỹ tuy nhiên đến nay, loại hình tín dụng này đang bùng nổ mạnh hơn ở Trung Quốc. Nếu đến cuối năm ngoái, mức tín dụng do 2 đơn vị cung cấp P2P thống lĩnh thị phần tại Mỹ đạt 10 tỷ USD thì con số này ở Trung Quốc là khoảng 103,6 tỷ nhân dân tệ (hay 16,72 tỷ USD).

Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể về các kênh tín dụng ở Mỹ. Thông thường, chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt hoạt động cho vay. Các ngân hàng quốc doanh muốn làm ăn với các công ty lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Điều này buộc các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phải tìm đến các nguồn vốn cho vay tư nhân, không được sự bảo lãnh của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh mở cửa cho các tổ chức tín dụng tư nhân.
Phát triển quá nóng tuy nhiên cũng dẫn đến tình trạng gian lận cùng với một số vấn đề khác trong hoạt động P2P. Wangdaizhijia cho biết, gần 300 trang web vận hành dịch vụ P2P phải đóng cửa năm ngoái do gian lận. Một số khác lại trở thành nguồn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đang ngắc ngoải của Trung Quốc, điều này làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư.
Trong khi đó, nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào thị trường P2P Trung Quốc. Shanghai Lujiazui International Financial Asset Exchange Co, hay gọi tắt là Lufax, một công ty cung cấp dịch vụ P2P do Tập đoàn bảo hiểm Bình An của Trung Quốc đứng sau, mới đây đã huy động được 485 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư. Giám đốc của Lufax cho rằng, cuối cùng sẽ chỉ có 4-5 công ty trong lĩnh vực P2P chiếm đa số thị phần ở Trung Quốc.
Zhu Xingye, một người chuyên kinh doanh xe sang second-hand cho biết, ông đã không thể vay được ngân hàng nên buộc phải bán khoảng 50 chiếc xe trong vòng 1 tháng và vay 2 triệu nhân dân tệ từ dịch vụ P2P trên trang Yooli.com của anh Liu vào tháng 12 năm ngoái. Với số tiền này, ông đã tăng thêm số xe dòng BMW, Audis, Mercedes tại showroom của mình từ 60 chiếc lên 80 chiếc. Chính khách hàng của ông cũng sử dụng dịch vụ P2P của Liu để mua xe.
Ở các thị trường phát triển, các nhà cung cấp P2P sẽ đánh giá người có nhu cầu vay dựa trên năng lực tín dụng của người đó dựa theo dữ liệu từ các cơ quan chính phủ. Khi đó, người cho vay sẽ quyết định cho vay hay không và với hạn mức bao nhiêu. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, P2P sẽ được bảo lãnh theo các hình thức khác như ký quỹ. Một số công ty sẽ phải cử trực tiếp nhân viên thẩm định tài sản của người muốn vay, trong khi họ phải cam kết với chủ nợ rằng khoản tiền họ cho vay sẽ an toàn.