Trong bộ hijab hoa văn truyền thống, nữ lãnh đạo này trao đổi với những nông dân mà bà đã làm việc cùng suốt 6 tháng qua để tìm cách nâng cao năng suất của khoai tây, cà rốt và các loại nông sản khác.
Dự án nông nghiệp ở Pangalengan, một huyện nằm trên dải đồi phía nam thành phố Bandung, là một trong rất nhiều dự án Ngân hàng Trung ương nước này thực hiện, từ đồng ngô ở Medan đến trang trại rong biển ở Lombok và trại gia súc ở Kupang.
“Đó là cách để chúng tôi bình ổn giá nông sản”, Hadi cho biết. Với một nền kinh tế như Indonesia, việc phổ biến các chính sách lãi suất là không hề đơn giản khi người dân sống rải rác trên nhiều hòn đảo nhỏ và cơ sở hạ tầng thì hạn chế.
Lạm phát Indonesia bắt đầu tăng từ năm ngoái và chạm mốc 7,15% tháng 5 vừa qua, theo số liệu của văn phòng thống kê quốc gia, nhiều hơn con số mà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Agus Martowardojo đã dự đoán. Giá cả tăng cao khiến ông không thể dùng chính sách hạ mức lãi suất để giúp nền kinh tế thoát khỏi đà tăng trưởng chậm nhất trong vòng 5 năm qua. Phó Thống đốc Jusuf Kalla cho biết tháng trước, Ngân hàng Trung ương đã tìm cách giảm dần chi phí vay.
Theo các chuyên gia, muốn giải quyết lạm phát ở quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới này thì phải bắt đầu từ ngành thực phẩm, chiếm tới 20% chỉ số giá tiêu dùng. Nhiệm vụ này sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi 200 triệu người Hồi giáo ở đây đang sắp bước vào tháng ăn chay Ramadan, khoảng thời gian mà họ nhịn ăn uống vào ban ngày và tiệc tùng khi mặt trời đã lặn. Thêm vào đó là sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, thường gây hạn hán trên diện rộng
“Hầu hết người Indonesia vẫn dành phần lớn thu nhập của mình vào thực phẩm”, theo Aldian Taloputra, nhà kinh tế học thuộc công ty Mandiri Sekuritas tại Jakarta, một đơn vị trực thuộc ngân hàng Mandiri. Giá cả chịu ảnh hưởng nặng nề của việc nguồn cung bị gián đoạn hoặc hạn hán kéo dài, nên nếu những vấn đề đó được quản lý tốt thì sẽ giữ được lạm phát ở mức ổn định.
Một nhóm những người nông dân tên gọi Katata (có nghĩa là quản lý tốt) đã gửi thẳng rau của họ tới siêu thị PT Hero, sau khi Ngân hàng Trung ương và giáo sư Tomy Perdana đã thỏa thuận trước với ban giám đốc.
“Chúng tôi giờ đây không còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nữa”, theo Dedi Gunawan, khi khoai tây ông trồng đã tăng 20% năng suất. “Bây giờ chúng tôi đã có khả năng đàm phán, và không sẽ còn phải mất lợi nhuận vào tay trung gian nữa”.
Gunawan đang rất mong chờ tới lượt mình được sử dụng hệ thống nhà tránh mưa để trồng loại cà chua ăn kèm với bít tết và sa-lát, thay cho loại nhỏ vẫn thường dùng để xay ra làm nước sốt. Sản lượng cao còn giúp mang lại lợi ích cho chương trình an ninh thực phẩm của tổng thống Joko Widodo, một chương trình nhằm đạt được mục tiêu tự cung tự cấp các mặt hàng như gạo, ngô và đậu nành vào năm 2018 bằng cách hỗ trợ trang thiết bị, phân bón và hạt giống cho nông dân.
Chính phủ Indonesia cũng đang nhắm tới mục tiêu không phải nhập khẩu gạo trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2000. Năm 2013, quốc gia này đã chi tới 246 triệu USD để mua gạo từ nước ngoài.
Giám đốc Ngân hàng Trung ương chi nhánh Bắc Sumatra, Difi Johansyah, đã hoàn thành được mục tiêu này. Ông đã làm việc với nông dân huyện Langkat, tiếp giáp eo biển Malacca, nhằm nâng cao sản lượng trên 800 ha cụm trang trại. Vụ thu hoạch tháng hai vừa mang về 6,2 tấn gạo một ha, gấp đôi sản lượng các vụ trước.
“Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là kiểm soát lạm phát, một mặt là thiết lập các chính sách tiền tệ”, Johansyah cho biết, và đây là mặt còn lại.
Trong khi ngân hàng có khả năng khuyến khích người dân áp dụng các phương pháp canh tác hiệu quả để nâng cao sản lượng, thì các nỗ lực này lại bị cản trở bởi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kém chất lượng, nguyên nhân khiến cho việc vận chuyển thực phẩm trở nên đắt đỏ.
“Khâu phân phối đang ảnh hưởng trực tiếp tới mức lạm phát”, theo Rosman Digantoro - nhà phân tích kinh tế cấp cao của ngân hàng Palembang chi nhánh Sumatra. Những tuyến đường tồi tàn ở Sumatra khiến giá thực phẩm từ Java chuyển tới đây bị độn lên rất nhiều.
Bên cạnh đó, nạn chuột phá hoại cũng gây đau đầu những nhà quản lý. Mỗi lần xảy ra nạn chuột có thể khiến sản lượng giảm một phần ba, khiến giá cả trong nước tăng vọt. “Lũ chuột giống như những kẻ cướp, nhưng giờ đây chúng sẽ không thể bén mảng tới cánh đồng được nữa, bởi chúng ta đã có sự giúp sức của đàn cú", Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Trung ương thành phố Pontianak, thủ phủ của Tây Kalimantan nói.
Với năng suất và thu nhập cao hơn từ cây trồng, nhiều nông dân đã có thể vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trang thiết bị, theo bà Hadi. “Nông dân càng ổn định về tài chính thì giá nông sản càng ổn định. Đó là lý do vì sao chúng tôi sẵn sàng xắn tay áo lên và tới làm việc trên các cánh đồng”.