I. Thị trường thế giới:

Nhiều nhà cung cấp cũng như kinh doanh rau quả và thực phẩm ở Malaysia đã kêu gọi chính phủ nước này cho phép nhập khẩu thêm rau từ các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan để bù nguồn cung thiếu hụt hiện nay. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng rau quả tại Malaysia trong thời gian qua đã bị sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến sự tăng giá chóng mặt của mặt hàng này với mức tăng từ 30-50%. Ví dụ, ớt đỏ tăng giá từ 12 Ringgit/kg (khoảng 67.000 VND/kg) lên 23 Ringgit/kg, cải bó xôi tăng từ 1,5 Ringgit lên 3,8 Ringgit/kg. Trước tình hình đó, Liên đoàn những người trồng rau Malaysia đề xuất rằng trong khi chờ đợi thời tiết thuận lợi hơn cho việc trồng rau, chính phủ cần sớm nhập khẩu thêm rau từ các nước như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan hoặc Trung Quốc. Mặc dù các nước này cũng phải đối mặt với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt trong thời gian qua dẫn đến sự sụt giảm sản lượng rau, song đây vẫn là những nơi có thể cung cấp rau cho Malaysia trong thời điểm hiện tại.

II. Thị trường trong nước

Do ảnh hưởng của nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài làm cho năng suất và sản lượng trái cây ở các tỉnh ĐBSCL sụt giảm, đẩy giá lên cao. Thị trường trái cây ở ĐBSCL luôn giữ ổn định ở mức cao. Tại tỉnh Tiền Giang, những ngày này, xoài cát Hòa Lộc đang tăng giá. với giá khoảng 50.000 – 60.000 đ/kg nhưng không đủ hàng để đưa đi xuất khẩu sang Nhật. Tương tự, xoài cát Chu loại 1 được thương lái thu mua với giá bán buôn là 15.000 đ/kg, tăng khoảng 6.000 đ/kg so với thời điểm này năm ngoái. Tại Tiền Giang, thanh long ruột đỏ có giá 35.000 đ/kg, loại ruột trắng 17.000 đ/kg, tăng thêm 30% so với các tháng trước đó.

Nắng nóng kéo dài khiến năng suất trái cây có múi giảm mạnh, đầy giá lên cao. Cụ thể, cam sành tại vườn lên trên 20.000 -31.000 đ/kg, cao hơn 7.000 -10.000 đ/kg so với đầu năm nhưng rất khan hàng; giá quýt đường tại Đồng Tháp thời điểm này cũng lên 35.000 – 45.000 đ/kg, tăng khoảng 8.000 đ/kg so với năm ngoái; chanh tươi tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… đang có giá là 15.000 -25.000 đ/kg (tùy loại).  Tại tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh được bán với giá khoảng từ 53.000-55.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so với tháng trước.

Những ngày nắng nóng vừa qua tại tỉnh Bến Tre đã khiến thị trường dừa tăng mạnh, cung không đủ cầu nên một số nơi thương lái mua luôn cả dừa non (loại dừa lấy dầu) để bán. Cụ thể, hiện dừa uống các loại tại các cơ sở thu mua giá 60.000 – 70.000 đ/chục (12 quả), dừa xiêm xanh 90.000 – 100.000 đ/chục, dừa dứa 12.000 – 15.000 đ/trái. Tuy giá tăng mạnh nhưng nguồn dừa không đủ để cung ứng.

Dù có giá cao hơn nhiều sản phẩm trong nước nhưng trái cây Thái Lan vẫn vượt mặt Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Nếu trước đây chỉ có một số sản phẩm đặc trưng như: me, bòn bon thì nay xoài, quýt, sapoche, sầu riêng và cả táo xanh Thái… đều có nhiều ở chợ và các cửa hàng. Giá các sản phẩm này cũng cao hơn nhiều so với hàng Việt. Cụ thể, xoài Thái có giá bán buôn 36.000 đ/kg, cao hơn hàng Việt 10.000-15.000 đ/kg; me Thái giá bán buôn 80.000 đ/kg; bòn bon Thái loại một có giá tới 200.000 đ/kg, cao gấp gần 3 lần so với hàng trong nước; quýt, chôm chôm, nhãn, táo Thái Lan có giá dao động 30.000-60.000 đ/kg.

Nhìn chung, trong tháng 5/2016, thị trường rau củ tương đối ổn định. Một số mặt hàng rau củ như cà rốt, khoai tây, cải thảo tăng nhẹ với mức tăng 1000-2000đ/kg trong khi đó có một số loại rau giá không đổi so với cuối tháng trước như bắp cải, cải bó xôi, cà chua. Mặc dù nằm trong khu vực Tây Nguyên, nhưng Lâm Đồng là khu vực ít bị ảnh hưởng của hạn hán, nên nguồn cung rau tại đây trong tháng tương đối ổn định, đủ cung cấp với nhu cầu tăng mạnh từ phía các tỉnh trong khu vực cũng như miền Nam và Bắc.

Thời gian gần đây, giá khoai lang tím Nhật tại Đồng Tháp tăng mạnh, gấp khoảng 2 lần so với so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân giá khoai tăng mạnh là do nguồn cung không đủ cầu. Để phục vụ xuất khẩu, thương lái đẩy mạnh việc thu mua nhưng lượng khoai trên thị trường không đủ cung ứng. Theo nhiều dự đoán, giá khoai sẽ tiếp tục giữ mức bình ổn và có chiều hướng tăng trong vụ thu đông 2016.

III. Tình hình xuất nhập khẩu:

Chuối xuất khẩu của Việt Nam đã được bày bán tại hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote của Nhật Bản từ ngày30/4, đánh dấu sự xuất hiện chính thức lần đầu tiên của quả chuối Việt Nam tại thị trường bán lẻ Nhật Bản với hơn 10 địa điểm thuộc hệ thống siêu thị bán lẻ này tại Tokyo và nhiều địa phương quanh Tokyo như Saitama, Chiba… Dự kiến trong thời gian tới, thị trường Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi khối lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới phân phối.

Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cho biết bộ này vừa chính thức bắt đầu quá trình xem xét để quả thanh long tươi của Việt Nam có thể được đưa vào tiêu thụ trên thị trường Australia. Trong những tháng tới, hai bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro, trong đó sẽ có nội dung chuyên gia Australia thăm quan vùng trồng thanh long và đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu. Một bản dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro sẽ được công bố cho các bên đối tác tham gia đóng góp ý kiến vào khoảng cuối năm 2016.

Tiếp nối thành công từ vụ vải thiều năm ngoái, năm nay, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản này sang nhiều nước và nâng tỷ lệ tiêu thụ thị trường nội địa từ 55% lên 60%. Theo Sở nông nghiệp Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều năm 2016 là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm ngoái, tổng sản lượng vải thiều năm 2016 của tỉnh sẽ đạt khoảng 130.000 tấn (giảm 65.000 tấn so với năm 2015). Trong đó, dự kiến, sản lượng vải tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%. Với sản lượng trên, đại diện các doanh nghiệp, các thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều dự đoán, vụ vải thiều năm nay, giá cả có thể sẽ cao hơn năm ngoái, tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Năm 2016, trái cây Việt Nam kỳ vọng sẽ được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính với giá trị gia tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2016 sẽ đạt hơn 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 11% so với mức 1,8 tỉ đô la Mỹ năm 2015. Từ xưa đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của rau quả Việt Nam, nhưng Bộ NNPTNT đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường và khai thác các thị trường có giá trị cao và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc rau quả của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng tại các thị trường khó tính; đây sẽ trở thành tiền đề quan trọng để xâm nhập các thị trường mới. Được biết trong thời gian qua, Việt Nam đã khai thác nhiều thị trường mà trước đây chưa đầu tư hoặc lãng quên như EU, Canada, các nước ASEAN, Đông Âu, Trung Đông, thậm chí hướng đến cả thị trường Nam Mỹ. Cục BVTV đã nộp hồ sơ đề nghị xuất khẩu quả tươi của Việt Nam sang Achentina, Brazil, Peru…và hiện các nước này đang xem xét để làm các thủ tục tiếp theo cho Việt Nam xuất khẩu trái cây vào.

Nguồn: Nghenong.com