Dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 8, giảm 3,8% so với tháng trước nhưng cao hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn lượng nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Brazil do đậu tương ở quốc gia Nam Mỹ này có mức giá rẻ hơn. Mùa vụ kỷ lục đã thúc đẩy nông dân bán gia tăng bán hàng và với dự báo một mùa vụ thuận lợi với sản lượng lớn cho niên vụ 23/24, xuất khẩu đậu tương của Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Điều này cũng đặt ra kỳ vọng cho thị trường về khả năng Brazil sẽ gia tăng và chiếm thị phần xuất khẩu nông sản của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh khối các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS đang hướng đến mục tiêu giảm phụ thuộc vào USD. Các động thái gần đây của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nông sản lớn của Mỹ đang đi tìm nguồn cung thay thế mới và cá nước khá trong nhóm đã cho thấy tình hình các nước BRICS dần xích lại gần nhau hơn, thách thức vị thế của Mỹ.
Trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) tuần này, số liệu cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 31/08, các nhà xuất khẩu đã giao 378.595 tấn đậu tương, thấp hơn so với mức 500.286 tấn cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế giao hàng đậu tương hiện mới chỉ đạt xấp xỉ 97%, vẫn còn chậm hơn đáng kể so với mức 53,89 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ kỳ vọng. Số liệu trên cũng phần nào cho thấy dấu hiệu xuất khẩu suy yếu và tạo sức ép tới giá đậu tương.

Giá cà phê vẫn có thể tăng khi tồn kho duy trì ở mức thấp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/09, giá hai mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc nhẹ khi tồn kho trên Sở ICE ở mức thấp. Trong đó, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US nối dài đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022 và tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU cũng vẫn nằm ở vùng thấp kỷ lục từng ghi nhận từ năm 2016.
Mối quan tâm hàng đầu trên thị trường Arabica hiện vẫn quay quanh khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, đăc biệt là tình hình tồn kho liên tục giảm.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong hơn 9 tháng và chưa có sự bổ sung mới nào. Đây là tín hiệu cho thấy dữ liệu này vẫn khó có thể hồi phục trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường vẫn tồn tại lo ngại thiếu hụt nguồn cung, dù cho xuất khẩu đã được đẩy mạnh tại Brazil hay Honduras.
Tại Brazil, hoạt động thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24 dần đi đến hồi kết, Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất quốc gia này thông báo đã thu hoạch được trên 95% diện tích canh tác của họ. Trong bối cảnh đó, sự quan tâm của thị trường chuyển dần sang giai đoạn ra hoa cà phê niên vụ 2024/25 tại Brazil.
Theo giới quan sát, mưa lớn xuất hiện tại một số vùng sản xuất Arabica chính trong thời gian gần đây, dẫn đến lo ngại ảnh hưởng xấu lên quá trình nở hoa của cây cà phê. Hơn nữa, mưa sớm vào đầu mùa cũng dấy lên lo ngại thiếu mưa vào đúng giai đoạn phát triển, khi cây cà phê cần mưa nhất để nuôi quả. Nhìn chung, mùa vụ cà phê 2024/25 đang có những dấu hiệu kém tích cực.

Giá kim loại quý có thể tiếp tục suy yếu trước đà tăng của đồng USD
Thị trường kim loại quý tiếp tục chịu sức ép trong phiên sáng do đồng USD mạnh lên làm tăng chi phí nắm giữ.
Đồng USD vẫn đang được hỗ trợ do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, sau khi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) phi sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến trong tháng 8, làm gia tăng áp lực về lạm phát.
Ngoài ra, động thái diều hâu của Chủ tịch Fed bang Boston, Collins, đã củng cố đà tăng cho đồng USD khi bà cho rằng còn quá sớm để tuyên bố lạm phát có thể duy trì ở mức 2% và Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết.
Đồng Euro cũng đang mất giá trước đồng USD do dữ liệu kinh tế yếu của Đức. Cụ thể, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 7/9, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 0,8% so với tháng trước, yếu hơn mức dự báo giảm 0,5% của giới phân tích và mức giảm 1,4% được điều chỉnh từ giảm 1,5% trong tháng trước.
Bên cạnh đó, đồng Bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Andrew Bailey, phát đi tín hiệu rằng BOE đang tiến gần hơn tới đỉnh của việc tăng lãi suất.
Vào tối nay, thị trường sẽ đón chờ báo cáo số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/9. Với việc các dữ liệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, nhiều khả năng dữ liệu lao động tối nay có thể sẽ thấp hơn dự báo. Đồng USD có thể được hưởng lợi trước thông tin này, gây áp lực lên giá kim loại quý.
Hơn nữa, phát biểu của Chủ tịch Fed bang Philadelphia, Patrick Harker, cũng có thể chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của đồng USD. Bất kỳ động thái diều hâu nào của ngài Harker có thể sẽ hỗ trợ đồng USD và khiến giá kim loại quý gặp áp lực.