Sự chú ý của thị trường vẫn đang đổ dồn đến tình hình thời tiết tại Mỹ, thứ sẽ đặc biệt quyết định năng suất đậu tương trong báo cáo WASDE ngày mai. Vào đầu tuần này, những cơn mưa được dự báo sẽ tập trung tại khu vực Đồng Bằng và lan rộng ra vùng Midwest. Đây được cho là sự cứu trợ đối với cây trồng sau đợt khô hạn kéo dài từ giữa tháng 08 vừa qua, trước khi thời tiết tiếp tục khô hạn trở lại.
Năng suất đậu tương trong báo cáo tháng 09 được đưa ra dựa trên các cuộc kiểm tra thực tế tại hiện trường (chứ không phải từ khảo sát/vệ tinh) nên số liệu được coi là đáng tin cậy hơn so với các báo cáo trước đây. Trung bình, các nhà phân tích kỳ vọng năng suất đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ sẽ bị cắt giảm xuống còn 50,2 giạ/mẫu, từ mức 50,9 trên mẫu trong báo cáo trước và cao hơn mức 49,5 trong năm ngoái. Chỉ một trong số 18 nhà phân tích được Reuters khảo sát cho rằng năng suất sẽ tăng so với tháng 08. Phạm vi ước tính năng suất trong báo cáo lần này ở mức 1,4 giạ/mẫu, thấp hơn mức trung bình là 2,2 nhưng cao hơn năm ngoái. Kể từ năm 2004, đã có 5 lần năng suất đậu tương vượt ra ngoài khoảng dự đoán của thị trường trong báo cáo tháng 09, lần gần đây nhất là vào năm ngoái khi năng suất thấp đến mức đáng kinh ngạc. Năng suất đậu tương thường bị cắt giảm trong tháng 09 bất cứ khi nào khu vực Midwest xảy ra khô hạn trong tháng 08. Điều này sẽ kiến mặt hàng này duy trì đà tăng nhẹ trong hôm nay.
Giá cà phê có thể chưa giảm sâu khi động lượng tăng vẫn còn
Kết thúc tuần giao dịch 04-11/09, giá 2 mặt hàng cà phê cùng suy yếu do tồn kho trên Sở ICE có tín hiệu tích cực và xuất khẩu được đẩy mạnh tại Brazil và Honduras. Tính chung cả tuần, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU có sự khởi sắc khi tăng từ mức 33.630 tấn lên 35.280 tấn, trong khi, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US nhận được 17.560 bao loại 60kg từ Brazil để chờ phân loại bổ sung.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE nhận được lượng hàng bổ sung tương đối lớn từ Brazil là tín hiệu tốt đối với nguồn cung mặt hàng này.
Với tình hình đẩy mạnh xuất khẩu cà phê hiện tại ở Brazil, kỳ vọng nguồn cung tốt từ quốc gia này sẽ kéo tồn kho trên Sở ICE khỏi mức giảm sâu như hiện nay, từ đó đưa đến tác động “bearish” tới giá.
Trong tháng 08, xuất khẩu cà phê nhân của Brazil đạt 197.471 tấn, tăng mạnh 41,2% so với mức 139.887 tấn vào cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ chính phủ nước này.
Việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng cũng có thể là yếu tố thúc đẩy nông dân Brazil sẽ tích cực đẩy mạnh bán hàng trong thời gian tới. Đặc biệt, khi nguồn cung đang sẵn có tại quốc gia này nhờ sản lượng Arabica tăng cao trong niên vụ 2023/24, khiến nông dân sẵn sàng bán hàng hơn.
Tín hiệu kinh tế Trung Quốc lạc quan hỗ trợ cho giá đồng tăng
Vào cuối tuần trước, Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng tăng trở lại trong tháng 8 sau khi giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 7. Điều này đã hỗ trợ cho tâm lý thị trường và giúp giá đồng tăng trong phiên sáng nay.
Cụ thể, vào ngày 09/09, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 0,3% đạt được vào tháng 7. Ngoài ra, giảm phát giá sản xuất (PPI) đã thu hẹp đà giảm xuống -3% trong tháng 8 từ mức -4,4% trong tháng 7.
Bên cạnh đó, sau khi nhu cầu tín dụng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng trước, các khoản vay đã tăng trở lại trong tháng 8. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết tổng tài trợ vào nền kinh tế (aggregate financing), một thước đo tín dụng rộng rãi, đạt 3.120 tỷ nhân dân tệ (tương đương 429 tỷ USD) trong tháng 8, cao hơn mức 2.460 tỷ nhân dân tệ mà các nhà kinh tế dự đoán và cao gấp gần 6 lần so với tháng trước. Nhu cầu tín dụng phục hồi cho thấy dấu hiệu tích cực hơn về nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế.
Các tin tức này làm tăng kỳ vọng về sự phát triển ổn định hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giá đồng cũng được hưởng lợi.
Tuy vậy, điều này chỉ mang tính trấn an thị trường trong ngắn hạn, do nền kinh tế Trung Quốc chưa thể vượt qua áp lực giảm phát một cách bền vững, do chỉ số CPI vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của Chính phủ là khoảng 3% trong năm nay. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng dịch vụ đang suy yếu, sau khi lĩnh vực này trở thành động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào đầu năm nay.
Về yếu tố vĩ mô, do áp lực từ việc giá năng lượng bật tăng mạnh mẽ, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ tăng cao trong tháng 8.
Giá dầu có thể điều chỉnh giảm trong phiên đầu tuần
Giá dầu có dấu hiệu chững lại sau khi các tin tức hỗ trợ đã được phản ảnh trong tuần vừa qua. Thông báo cắt giảm sản lượng có thể mang lại yếu tố bất ngờ trong ngắn hạn để khỏa lấp đi các lo ngại sụt giảm nhu cầu thực tế hiện tại.
Giá dầu tăng cao đang làm tăng nguy cơ lạm phát tăng trở lại, điều này đang tác động khiến cho mục tiêu lạm phát 2 % của FED trở nên khó khăn hơn. Sự gia tăng của giá dầu trong thời gian vừa qua có thể đã đẩy lạm phát tổng thể trong tháng trước tăng lên. Và trong khi lạm phát cơ bản – đã loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng đang có xu hướng giảm.
Một báo cáo cho thấy, Saudi Arabia đang có nguy cơ đối mặt với suy thoái kinh tế trong năm nay sau các quyết định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô, nhấn mạnh rằng quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ khi các cuộc cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế đang điễn ra chậm chạp. Cụ thể, sản lượng và doanh thu dầu giảm trong năm nay có thể khiến nền kinh tế Saudi Arabia suy giảm lần đầu kể từ năm 2020, giai đoạn đỉnh điểm của COVID-19.
Thị trường dầu mỏ vẫn lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu ở Trung Quốc, trong bối cảnh nước này phục hồi chậm chạp sau đại dịch và các cam kết kích thích nền kinh tế diễn ra không như mong đợi. Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy tổng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 8, do nhu cầu ở nước ngoài giảm và chi tiêu tiêu dùng trong nước yếu hơn gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Đánh giá chung, tâm lý thị trường có thể đang bắt đầu có những thay đổi, đặc biệt là chi phí năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên chi phí đầu vào và chi tiêu tiêu dùng hiện tại.
Nguy cơ về việc FED sẽ chưa thể dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ đang có nhiều căn cứ hơn, nếu số liệu lạm phát sắp được công bố tới đây tăng trở lại, điều này khiến cho nỗ lực kìm hãm lạm phát của FED sẽ có nguy cơ đỗ vỡ và chưa thể đi đến việc dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ và bước tới chu kỳ cắt giảm lãi suất được.
Trong phiên hôm nay có thể các nguồn thông tin tác động đến giá dầu sẽ không có yếu tố bất ngờ do đó kỳ vọng hiện tại sẽ thiên về khả năng giá điều chỉnh kỹ thuật trước tâm lý thận trọng đang trở lại trong khi chờ đợi số liệu lạm phát được công bố vào thứ Tư.