Gần 2 tháng sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu, giá dầu đã quay trở lại vùng giá 100 USD/thùng. Khác với thời điểm trước, sức ép từ môi trường kinh tế vĩ mô đang khiến cho khả năng giá tăng vọt lên các đỉnh kỷ lục cũ trở nên thấp hơn đáng kể.
Cán cân cung – cầu của thị trường vẫn tồn tại nhiều ẩn số
Việc đoán định cân bằng cung – cầu của thị trường vẫn đang là công tác khó khăn hơn bao giờ hết, mặc dù các tranh luận về tác động xung đột Nga – Ukraine lên thị trường năng lượng đã kéo dài từ khá lâu. Điều này khiến cho giá đang hình thành xu hướng giằng co.
Kết thúc phiên giao dịch 21/04, giá dầu thô WTI tăng 1,57% lên 103,79 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 1,43% lên 108,33 USD/thùng. Dòng tiền chuyển dịch vào thị trường khi giá tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 ngày, khiến cho tổng giá trị giao dịch nhóm năng lượng tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đạt 2.000 tỷ đồng.

Cả 3 tổ chức năng lượng lớn là Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC đều đã hạ dự báo tiêu thụ dầu thế giới năm 2022 trong các báo cáo tháng 4. Kỳ vọng giảm lớn nhất là IEA, với ước tính thiệt hại cho nhu cầu lên đến gần 1 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng 2. Còn OPEC đưa ra con số “khiêm tốn” hơn ở mức 480.000 thùng/ngày.
Tuy vậy, con số thực tế có thể còn lớn hơn nữa, khi Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ còn tiếp tục chiến dịch Zero - Covid, tạo ra khả năng sẽ còn đóng cửa phong tỏa trong một thời gian dài. Theo số liệu mới nhất, Trung Quốc đã giảm lượng dầu nhập khẩu trong tháng 03/2022 từ 2 nhà cung cấp chính là Saudi Arabia và Nga ở mức lần lượt 14% và 13%.
Trong khi đó, về phía nguồn cung, mặc dù phía Nga đang chịu sức ép do ngày càng nhiều công ty dầu khí, tuy nhiên vẫn chưa thể ước tính chính xác sản lượng dầu của Nga thực sự sẽ sụt giảm bao nhiêu.
Mặc dù Liên minh châu Âu EU cho biết vẫn đang cân nhắc khả năng ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, tuy nhiên thực tế thì nhóm chưa hề đặt thời điểm để áp đặt các gói trừng phạt thứ 6. Điều này cho thấy khả năng nhóm nhanh chóng tiến hành cấm vận là không lớn. Ngoài ra, gần như chắc chắn đề xuất cũng sẽ gặp nhiều phản đối từ các thành viên đang phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu như Đức.
Bên cạnh các yếu tố chính, các thông tin mới trên thị trường năng lượng càng làm cho việc đoán định trở nên khó khăn. Công ty Dầu khí Quốc gia của Libya cho biết, sản lượng dầu từ nước này đã sụt giảm 550.000 thùng/ngày do các cuộc biểu tình ở các mỏ dầu lớn.
Triển vọng kinh tế thế giới đi xuống tiếp tục kìm hãm giá dầu
Bên cạnh các yếu tố cơ bản về cung – cầu, thay đổi trong môi trường vĩ mô cũng đang là yếu tố khiến cho thị trường khó khăn trong việc xác định hướng đi. Mới đây nhất, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4 đã hạ kỳ vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ 4,4% trong báo cáo tháng 1, xuống 3,6%. Thậm chí, báo cáo tháng 10/2021 còn kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, triển vọng nền kinh tế đã xấu đi đáng kể với mức giảm hơn 1,3% Trong khi đó, lạm phát lại được kỳ vọng tăng mạnh từ 3,9% lên 5,7%. Lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm lại là yếu tố khiến cho lo ngại về hiện tượng đình lạm, tức là nền kinh tế chững lại trong khi áp lực giá tăng rất lớn.
Điều này gây áp lực lên giá dầu, do đây là nguồn năng lượng chính cho các hoạt động sản xuất. Theo số liệu từ IEA, các hoạt động sản xuất chiếm khoảng 20% tiêu thụ dầu thế giới hàng năm. Như vậy, tại vùng giá trên 100 USD/thùng, đã có các tín hiệu cho thấy vùng giá “hủy diệt nhu cầu” đang khá gần.
Dễ thấy khu vực bị chịu ảnh hưởng mạnh nhất là khu vực đồng tiền chung Euro, với dự báo từ 3,9% xuống 2,8%. Trong khi đó, chi tiêu năng lượng của các hộ gia đình trên tổng thu nhập của châu Âu lại cao hơn ở Mỹ, có thể khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu tại khu vực này giảm dần.
Hồng Hoa
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV