Hầu hết các mặt hàng nông sản vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong tuần trước
Giá ngô mở cửa phiên đầu tuần vẫn tiếp tục giằng co quanh mức mở cửa sau một tuần đi ngang và chỉ tăng nhẹ 0.41%. Trong tuần trước, lực mua-bán khá cân bằng do thị trường vẫn đang chờ đợi những thông tin mới. Tuy nhiên, bước sang tuần này, vừa là bắt đầu cho tháng mới, vừa là tuần trước khi công bố báo cáo Cung-cầu tháng 8, giá ngô có thể sẽ trải qua những biến động lớn nhưng phải đến sau khi phát hành báo cáo thì xu hướng giá mới trở nên rõ ràng.
Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng hạn hán ở Midwest vẫn đang là mối đe doạ nghiêm trọng tới sản lượng ngô Mỹ niên vụ 2021/22. Dự báo thời tiết cho thấy một lượng mưa và nhiệt độ vừa phải sẽ bao phủ trên khắp Midwest trong 7 ngày tới khi mùa thụ phấn của ngô đến gần giúp giảm bớt lo ngại về chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, lượng mưa này sẽ không đủ để về bù lại những thiệt hại do hạn hán kéo dài từ đầu tháng 6 cho đến nay. Ngoài ra, đợt khô và nóng có thể sẽ quay trở lại ngay sau đấy cũng là yếu tố hỗ trợ đối với giá. Bên cạnh đó, nguy cơ băng giá quay trở lại ở Brazil lần thứ 3 chỉ trong vòng vài tuần qua cũng là tác động “bullish” lên giá ngô. Có khả năng cao, trong báo cáo Cung-cầu sắp tới, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ tăng mức xuất khẩu của Mỹ để bù lại lượng ngô vụ 2 bị thiệt hại ở Brazil do hạn hán và băng giá.
Giá Cà phê có thể tiếp tục giảm trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Giá Arabica giảm 5% còn 179.55 cents/pound, giá Robusta giảm gần 6% về 1786 USD/tấn. Mức sụt giảm của tuần vừa qua ở hai Sở đã chưa được nhìn thấy trong nhiều năm, đáng chú ý, lực bán mạnh đã làm tiêu tan gần như toàn bộ đà tăng trước đó của giá Cà phê Robusta.
Có hai nguyên nhân chính lý giải cho sự mất giá của cả hai loại Cà phê trong tuần vừa qua. Thứ nhất, tin tức sương giá đã bị đầu cơ quá mạnh, và các nhà đầu tư trở nên hưng phấn quá mức khiến cho giá cà phê chịu áp lực chốt lời lớn và nhịp điều chỉnh mạnh khi sương giá tuần vừa qua không gây tổn nhất nặng nề như dự báo. Bên cạnh đó, lực bán có phần vượt trội bởi rất nhiều quỹ đầu cơ tất toán vị thế để cơ cấu lại danh mục đầu tư cũng như thận trọng trước những biến động của thị trường.
Xuất khẩu Cà phê Robusta trong tháng 7 của Sumatra, khu vực sản xuất cà phê lớn nhất của Indonesia giảm 66% so với cùng kì năm trước trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ của các đối tác nhập khẩu.
Sau một tuần biến động, diễn biến của phiên hôm nay có thể giúp các nhà đầu tư xác định xu hướng trong tuần này. Nhiều khả năng, giá hai mặt hàng Cà phê sẽ rơi vào một chu kì tích lũy để chờ đợi một chất xúc tác mới.
Giá của Bạc và Bạch kim có thể tiếp tục giảm nhẹ trước thềm công bố số liệu việc làm của Mỹ
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, giá hai mặt hàng kim loại quý diễn biến trái chiều. Giá Bạc tăng 1.24% lên 25.55 USD/ounce, trong khi đó giá Bạch kim giảm 1.22% còn 1048 USD/ounce.
Giá Bạc được hỗ trợ trong tuần qua nhờ tin tức FED vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy vậy, Bạch kim mất giá khi các số liệu sản xuất trên toàn cầu suy giảm trong tháng 7. Việc thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng 6 tháng liên tiếp cũng khiến dòng tiền đổ vào thị trường kim loại quý bị suy giảm khiến cho giá của Bạc và Bạch kim gặp rất nhiều sức ép.
Hiện nay, triển vọng của nhóm kim loại quý vẫn phụ thuộc nhiều vào các chính sách của FED. Mặt khác, việc cơ quan này có thay đổi chính sách tiền tệ hay không, phụ thuộc nhiều vào tốc độ hồi phục của thị trường lao động, do đó số liệu Bảng lương phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp được công bố trong tuần này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh lên giá Bạc và Bạch kim.
Số liệu gần đây cho thấy, thị trường lao động Mỹ vẫn hồi phục dưới mức kỳ vọng, nên các nhà đầu tư kim loại quý vẫn kỳ vọng FED sẽ duy trì các chính sách nới lỏng đến hết năm sau.
Giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng trong tuần này
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 2.61% lên 73.95 USD/thùng, giá Brent tăng 2.68% lên 75.41 USD/thùng khi thị trường vượt qua lo ngại về dịch COVID-19.
Ngoại trừ tháng 3, giá dầu đã tăng liên tiếp từ đầu năm đến giờ, với giá WTI tăng gần 50%. Bất chấp các lo ngại về dịch COVID-19, số liệu hàng tháng của EIA cho thấy tổng sản phẩm dầu cung cấp cho thị trường hiện tại đang rất sát với số liệu mùa hè năm 2019. Tuy nhiên, với ngành hàng không, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế chịu ảnh hưởng nặng nề với các lệnh cách ly giữa các nước. Bên cạnh đó, một số sân bay tại Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nhiên liệu do không có đủ tài xế vận chuyển các xe chở dầu, trong khi một số đường ống vận chuyển nhiên liệu máy bay đã chuyển đổi mục đích sử dụng sau khi nhu cầu giảm mạnh trong hơn một năm.
Trong khi đó, tại các nước đang thực hiện mở cửa, giao thông cũng có mức tăng trưởng mạnh. Có thể thấy rõ nhất ở Ấn Độ, giao thông đã tăng gấp 3 từ khi nước này gỡ bỏ tình trạng phong tỏa trong tháng 6. Tại Nhật Bản, mặc dù chính phủ vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và một số thành phố lớn, tuy nhiên trong tháng 7 lượng xe di chuyển vẫn đạt mức cao nhất từ đầu năm đến giờ.