Giá đậu tương có thể sẽ trải qua nhịp hồi kĩ thuật trong ngắn hạn
Giá đậu tương mở cửa phiên 03/09 đang tiếp tục đà hồi phục từ hôm qua sau khi tăng nhẹ và chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp. Đậu tương vẫn đang trong xu hướng giảm nhưng đây có thể là dấu hiệu cho nhịp tăng nhẹ trở lại trước khi giảm mạnh của giá, giống như diễn biến của 2 chu kỳ trước đó trong tháng 8. Việc giá dễ dàng phá vỡ kháng cự tâm lí 1300 cũng cho thấy rằng lực bán đang rất mạnh do kì vọng giá giảm khi các tác động từ yếu tố gây sức ép về nguồn cung thắt chặt đang dần trở nên yếu hơn.
Doanh số bán hàng vụ mới của Mỹ đạt 2.1 triệu tấn, bỏ xa khoảng dự đoán của thị trường, với Trung Quốc là nước chiếm khối lượng mua lớn nhất. Điều này cho thấy giai đoạn xuất khẩu mạnh mẽ của Mỹ đang trở lại và đây là khoảng thời gian quyết định chủ yếu trong việc khối lượng xuất khẩu đậu tương trong niên vụ 2021/22 có đạt được mức 55.9 triệu tấn như USDA ước tính trong báo cáo Cung-cầu tháng 8 hay không. Trong khi đó, số liệu bán hàng đáng thất vọng trong niên vụ cũ cùng với việc các hoạt động xuất khẩu đậu tương trong tuần này còn bị chậm trễ do cơn bão Ida đã làm thiệt hại lớn ở khu cảng, nơi chiếm khoảng 2/3 lưu lượng xuất khẩu nông sản Mỹ xuất khẩu trong tuần cuối niên vụ khiến cho xuất khẩu đậu tương sẽ không thể đạt được mức ước tính của USDA.
Khánh Linh
 
Giá Cà phê có thể tăng nhờ vào sự suy yếu của đồng USD
Kết thúc phiên 2/9, cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0.66% còn 194.35 cents/pound, hợp đồng cà phê Robusta kỳ hạn tháng giảm 0.5% 2056 USD/tấn.
Áp lực chốt lời vẫn duy trì trên cả hai sở khiến cho giá của cả hai mặt hàng đều đóng cửa với sắc đỏ. Lực mua đã không còn mạnh ở thị trường cà phê và xu hướng đi ngang đang được hình thành. So với đợt sụt giảm sau đà tăng phi mã cuối tháng 7 vừa qua, đợt điều chỉnh lần này không quá mạnh mẽ. Có thể sự suy yếu của đồng USD trước các số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ đã hỗ trợ cho giá cà phê trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, dòng vốn chảy vào thị trường cà phê nói riêng và thị trường hàng hóa nói chung cũng giảm trước sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ và sự hồi phục của thị trường tiền điện tử. Chỉ số S&P 500 đã tăng liên tiếp trong vòng 7 tháng, và là chuỗi tăng mạnh nhất kể từ chuỗi tăng 10 tháng kết thúc vào cuối năm 2017. Đồng Bitcon cũng vừa khôi phục lại mức 50,000 USD vào hôm qua.
Trong hôm nay, chất xúc tác của thị trường có thể là diễn biến của đồng USD, bởi số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố.
Tiên Phạm
 
Các nhà đầu tư kim loại quý “nín thở” chờ số liệu bảng lương phi nông nghiệp
Các nhà đầu tư kim loại quý tiếp tục có một phiên giao dịch khó khăn khi mà giá Bạc giảm 1.25% còn 23.92 USD/ounce, giá Bạch kim tiếp tục suy yếu 0.5% còn 994 USD/ounce.
Trong một ngày mà đồng USD cũng suy yếu, diễn biến của phiên hôm qua có phần gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp tuần này giảm còn 340,000 đơn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Thị trường lao động hồi phục tích cực có thể thúc đẩy FED giảm mua nợ sớm trong năm nay, vào kỳ họp tháng 9 hoặc tháng 11. Tâm lý lo ngại khiến lực bán áp đảo đối với cả Bạc và Bạch kim. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới và đồng Bitcoin hồi phục cột mốc 50,000 USD khiến cho vai trò trú ẩn an toàn của Bạc và Bạch kim bị suy yếu.
Chỉ số Dollar Index giảm về 92.25 điểm, mức thấp nhất trong vòng một tháng bất chấp những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ. Nhiều khả năng, các nhà đầu tư vào đồng bạc xanh vẫn cảm thấy thất vọng vì số liệu thất nghiệp tuần này vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch. Đây cũng có thể là chỉ báo sớm cho thấy số liệu bảng lương phi nông nghiệp tối nay sẽ không khả quan và hỗ trợ cho giá của cả hai mặt hàng kim loại quý.
Tiên Phạm
 
Giá dầu gặp khó trong việc giữ mức giá 70
Giá dầu đảo chiều tăng mạnh ngày hôm qua với giá WTI tăng 2.04% lên 69.99 USD/thùng, dầu Brent tăng 2.01% lên 73.03 USD/thùng trước những kỳ vọng kinh tế Mỹ phát triển và USD suy yếu.
Những dữ liệu đầu tiên đánh giá tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn: Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm gợi ý thị trường lao động vẫn hồi phục. PMI sản xuất tháng 8 lấy lại đà tăng sau khi suy yếu trong quý II, tăng trưởng trong số đơn đặt hàng tại các nhà máy thực tế đạt 0.4% - cao hơn kỳ vọng của thị trường. Điều này đã tạo ra đà tăng của giá dầu sau khi số liệu tồn kho giảm kỷ lục trong báo cáo của EIA tối thứ 4.
Bên cạnh dầu thô, giá khí tự nhiên cũng tăng mạnh trong phiên hôm qua, hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong mùa đông 2018 và màu hè 2014. Tồn kho liên tục tăng thấp hơn kỳ trong những tháng gần đây khi nhiệt độ cao bất thường giai đoạn này khiến cho nhu cầu khí tự nhiên để vận hành hệ thống điều hoà tại châu Á tăng mạnh, khiến cho sản lượng dành cho châu Âu – khu vực tiêu thụ khí tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới - bị thắt chặt trong bối cảnh tồn kho của nước này liên tục rơi xuống mức thấp từ mùa đông năm ngoái. Trong khi đó, Nga – đối tác truyền thống được cho là đã giảm dần sản lượng cho châu Âu và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục ít nhất cho đến tháng 9, trong trường đường ống Nord Stream 2 khởi công vào tháng 10. Tuy nhiên, hiện dự án này vẫn đang vấp phải sự phản đối lớn từ phía Mỹ, với lo ngại Nga sẽ gia tăng quyền lực trên thị trường năng lượng một khi đường ống này hoạt động. Sự kết hợp của các yếu tố này, kết hợp với tác động của cơn bão Ida sẽ tạo đà cho giá khí tự nhiên tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hồng Hoa