Đà giảm có khả năng vẫn tiếp tục duy trì đối với thị trường đậu tương trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 05/08, giá đậu tương vẫn đang duy trì đà tăng từ phiên hồi phục mạnh mẽ hôm qua. Diễn biến đảo chiều bất ngờ sau chuỗi phiên giảm liên tiếp cho thấy tâm lí thị trường vẫn đang thiếu rõ ràng và giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán. Triển vọng thời tiết tại Mỹ và ảnh hưởng thực tế của giai đoạn khô hạn vừa qua lên mùa vụ đậu tương vẫn đang là yêu tố cực kì quan trọng đối với xu hướng giá, đặc biệt là ở thời điểm trước tuần công bố báo cáo Cung – cầu.
Tháng 8 này sẽ là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đậu tương, quyết định lên năng suất cây trồng. Các hãng tin và tổ chức lớn đang bắt đầu đưa ra các báo cáo dự báo cho số liệu nguồn cung mùa vụ tại Mỹ năm nay. Giai đoạn hạn hán trong tháng 7 ở Midwest, đặc biệt là các bang phía tây đã khiến cho thị trường đang dự đoán năng suất đậu tương niên vụ 22/23 sẽ thấp hơn so với con số mà Bộ nông nghiệp Mỹ đưa ra là 51.5 giạ/mẫu. Trong giai đoạn tới, các dự báo sẽ được công bố nhiều hơn và với tình hình vừa qua thì có thể năng suất sẽ tiếp tục bị cắt giảm do chất lượng đậu tương đã sụt giảm 6 tuần lien tiếp kể từ khi báo cáo Crop Progress năm nay được công bố. USDA vẫn sẽ chưa có các số liệu khảo sát thực địa cho tới báo cáo WASDE tháng 9 nên các số liệu của các tổ chức khác sẽ là mốc tham chiếu và dần được phản ánh vào giá.
Quay trở lại năm ngoái, lo ngại của thị trường đối với mùa vụ đậu tương giai đoạn nắng nóng của mùa hè cũng khiến cho giá liên tục tăng mạnh cho tới khi báo cáo WASDE tháng 8 được phát hành. Với triển vọng năng suất năm nay có thể sẽ còn thấp hơn năm ngoái do diện tích hạn hán mở rộng và chất lượng cây trồng cũng thấp hơn thì diễn biến này cũng có thể sẽ lặp lại.

Lo ngại nguồn cung thu hẹp kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá Arabica trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 04/08, giá cà phê tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ nguồn cung thu hẹp, đặc biệt là việc tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US bất ngờ giảm mạnh gần 30 nghìn bao (60kg), khiến các nhà giao dịch trên thị trường càng thêm lo ngại, dẫn đến lực mua áp đảo trong phiên hôm qua.
Mặc dù tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục và đuổi kịp tốc độ của các năm gần đây, nguồn cung trong ngắn hạn đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt cao khi sản lượng tại các nước sản xuất lớn như Colombia và Honduras liên tục sụt giảm trong tháng 07. Cùng với đó, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên đà giảm mạnh đã gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà giao dịch, khiến lực mua có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và hỗ trợ cho giá.
Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới, đang trong quá trình sửa đổi dự đoán lạm phát năm nay với kỳ vọng tăng lên trên 3%, đây sẽ là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ 1991. Việc điều chỉnh này của Nhật Bản đã dấy lên lo ngại giảm triển vọng tăng trường GDP, dẫn đến suy thoái kinh tế và giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê, từ đó kìm hãm đà tăng của giá. Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng đang là mối quan tâm lớn tại 2 thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu là Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica đang được thúc đẩy bởi mức hỗ trợ 213.35 USD. Cùng với giá đang nằm trên cả 2 đường trung bình động MA10 và MA20, kết hợp với đường MACD cắt đường Signal hướng lên trên đường 0, thể hiện cho xu hướng đi lên. Khả năng cao trong phiên hôm nay, giá Arabica sẽ tăng lên 222 USD.

Giá đồng có thể chạm mốc 3.58 USD/pound trong ngày hôm nay nếu dữ liệu việc làm tại Mỹ tích cực
Đồng mở cửa phiên sáng nay với đà tăng mạnh sau các phiên giao dịch ảm đạm kể từ đầu tuần. Mặc dù còn gặp nhiều sức ép do bức tranh tăng trưởng ảm đạm trên toàn cầu, tuy nhiên, nhiều khả năng các yếu tố cung cầu và vĩ mô sẽ ủng hộ cho đà tăng của đồng trong ngắn hạn.
Theo hãng tin thị trường kim loại Thượng Hải (SMM), tại Trung Quốc, tính đến ngày 05/08, tồn kho đồng trên các thị trường lớn của Trung Quốc giảm 500 tấn so với ngày đầu tuần xuống 68,900 tấn, tương đương với mức giảm 1,700 tấn so với thứ 6 tuần trước. Tại khu vực Quảng Đông, lượng tồn kho đạt mức thấp kỷ lục do việc đại tu một nhà máy luyện. Nhìn chung, nguồn cung đồng tại thị trường tiêu thụ số 1 toàn cầu đang ở tình trạng khá khan hàng. Tồn kho trên Sở Thượng Hải cũng đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm với khoảng 5,100 tấn. Đồng nhập khẩu từ nước ngoài không chảy vào quá ồ ạt. Trong khi đó, sản lượng của các lò luyện trong nước chưa phục hồi hoàn toàn do quá trình đại tu, và sản lượng của một số lò luyện bị ảnh hưởng nhẹ do nguồn cung đồng phế liệu và đồng dạng vỉ bị thắt chặt. Với sự tăng tốc trong đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia tại Trung Quốc, thị trường đồng vẫn sẽ nhận được những động lực tăng giá.
Về mặt vĩ mô, tối nay, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu về Bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 7. Thị trường kim loại nói riêng và đồng nói chung thường phản ứng rất mạnh đối với thông tin này, vì nó sẽ phản ánh rằng liệu nền kinh tế lớn nhất trên thế giới cho đang dần đi vào suy thoái. Theo đánh giá, do chỉ số PMI phi sản xuất của Viện Quản lý cung ứng Mỹ trong tháng qua bất ngờ tăng so với kỳ vọng giảm của thị trường. Trong khi đó, PMI sản xuất vẫn đang trên ngưỡng 50 và chỉ suy giảm nhẹ so với tháng 6, cho thấy các nhà máy vẫn đang mở rộng hoạt động. Khả năng dữ liệu về số người có việc ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 7 vẫn sẽ ở mức không quá tiêu cực, và giá đồng có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay.

Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng, tuy nhiên đà tăng không vững bền
Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng, nhờ lực mua bắt đáy sau khi giá chạm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Thị trường đang chịu tác động tiêu cực từ các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang dần suy yếu, với các ngân hàng trung ương, điển hình như BOE liên tục tiến hành tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, tuy nhiên lại dẫn đến khả năng các hoạt động kinh tế cũng như tiêu thụ suy yếu. Các báo cáo gần đây cũng đang chỉ ra sự suy yếu trong tiêu thụ dầu, đặc biệt tại 2 nước tiêu thụ chủ yếu là Mỹ và Trung Quốc. Một bên, Fed vẫn đang gợi ý về khả năng tăng 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Thêm vào đấy, Trung Quốc vẫn chưa khắc phục các khó khăn của dịch Covid-19. Triển vọng trong nửa cuối năm nay đang khá tiêu cực, khi dấu hiệu giảm tốc đang khá rõ ràng cho cả Mỹ, khu vực châu Âu lẫn Trung Quốc, với các chính sách tiền tệ thắt chặt và các khó khăn trong ngành bất động sản đang khiến cho triển vọng các hoạt động sản xuất và xây dựng gia tăng không nhiều, khó có thể hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ dầu. Vì vậy khả năng cao giá sẽ gặp áp lực trở lại trong ngày hôm nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV