Các mặt hàng nhóm đậu tương đang giằng co ở các mức kháng cự quan trọng

Kết thúc phiên giao dịch 05/05, giá đậu tương tiếp tục tăng nhẹ, trong khi diễn biến trái chiều khiến cho giá dầu đậu suy yếu sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 0.26% lên mức 1542.25 cent/pound. Không có thêm thông tin cơ bản nào mới trong phiên hôm qua, khiến cho giá đậu tương đã lần thứ 3 bị đẩy xuống từ mức kháng cự 1550.

Tuy nhiên trong bối cảnh lo ngại về một siêu chu kỳ lạm phát mới đối với giá hàng hóa, mức tăng của nhóm dầu thô trong phiên sáng, kết hợp với lo ngại về cuộc biểu tình có thể xảy ra của các công nhân tại cảng Santos, để biểu thị thái độ đối với chính phủ trước việc tiêm chủng Covid-19 diễn ra chậm chạp, là các yếu tố bullish “tiềm ẩn” và giúp giá đậu tương đang tăng mạnh trong phiên sáng nay.

Về mặt kỹ thuật, đường MACD đang có dấu hiệu cắt lên đường Signal và RSI có xu hướng tăng. Đường Tenkan ở trên đường Kijun, cùng với giá nằm hoàn toàn trên vùng mây kumo cho thấy giá hoàn toàn có thể giữ vừng đà tăng trong ngắn hạn. MXV News dự đoán, giá đậu tương có thể sớm test lại mức đỉnh gần nhát 1575 trong 1, 2 phiên tới.

 

Tâm lý chốt lời có thể gây áp lực lên giá đường và cà phê trong hôm nay

Kết thúc ngày giao dịch 05/05, giá 2 mặt hàng cà phê ghi nhận một phiên tăng mạnh chưa từng thấy từ nhiều năm nay.

Giá Arababica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng đột biến 6.77%, lên mức 149.85 cent/pound, chủ yếu do lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt trong ngắn hạn khi người dân Colombia tổ chức biểu tình, chặn lại các con đường ra cảng để phản đối các chính sách thuế mới của chính phủ.

Dù chỉ đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê Arabica, nhưng Colombia là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu đối với loại cà phê Arabica chế biến ướt. Đây là dòng cà phê cao cấp được giới kinh doanh rất ưa chuộng, khiến cho giá bị đẩy lên nhanh chóng.

Trong bối cảnh thời tiết hanh khô tại Brazil làm tăng khả năng xuất hiện sương giá, đồng Brazil cũng tăng mạnh trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp khiến lực bán suy yếu mạnh. Các yếu tố này xuất hiện cùng lúc đã khiến một loạt các lệnh chặn lỗ liên tiếp bị kích hoạt và tạo nên hiện tượng short-squeeze, khiến cho giá tăng dựng đứng.

Việc tăng bất thường của bất kỳ loại hàng hóa nào cũng thường đi kèm với biến động mạnh và khó lường sau đấy. Trong trường hợp chính phủ Colombia can thiệp mạnh tay vào các cuộc biểu tình, xuất khẩu được nối trở lại, nhiều khả năng sẽ giảm rất sâu về dưới mức 145 cents.

Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo đang không ủng hộ xu hướng tăng. Vùng giá 150 – 152, Arabica sẽ nhận được khá nhiều lực bán từ các mức kháng cự quan trọng, cộng thêm với tâm lý chốt lời, khiến cho giá rất khó vượt lên được trên vùng này. RSI đã đi vào vùng quá mua và vẫn đang phân kỳ âm, khiến cho xác suất điều chỉnh về vùng 145 cents trong hôm nay sẽ nhỉnh hơn.

 

Giá đồng sẽ tiếp tục tăng nhờ các yếu tố từ nền kinh tế Trung Quốc

Kết thúc phiên giao dịch 5/5, giá các mặt hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam diễn biến trái chiều. Hai mặt hàng kim loại công nghiệp đồng loạt tăng điểm, trong đó giá đồng tăng nhẹ 0.06%, đóng cửa lên mức 4.524 USD/pound, nhờ sự hưng phấn của thị trường khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt mở cửa trở lại.

Đồng USD diễn biến lình xình trong phiên hôm qua và đóng cửa ở mức 91.31 điểm. Lợi suất trái phiêu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại, khiến các mặt hàng được niêm yết bằng đồng Dollar Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Nhu cầu từ Trung Quốc gần như là yếu tố duy nhất có thể quyết định được đà tăng của giá đồng ở thời điểm hiện tại. Trong năm 2020, nhập khẩu đồng tinh chế tại nước này tăng 38% lên mức 4.4 triệu tấn, lập kỉ lục số liệu nhập khẩu đồng lớn nhất trong lịch sử, qua đó thể hiện mức độ tiêu thụ khổng lồ của quốc gia Đông Á này.

Cụ thể, tiêu thụ đồng tại Hoa lục tăng mạnh 13% trong năm ngoái, khiến Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) phải điều chỉnh tỉ lệ thâm hụt thị trường ở mức 604,000 tấn.

Trong báo cáo mới nhất, ICSG đã dự báo về tình trạng thặng dư thị trường trong năm nay và năm 2022, khi mà nhập khẩu đồng Trung Quốc đang cho thấy sự suy yêu so với năm ngoái. Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc nhu cầu cho kim loại đồng tại nước này giảm.

Theo đó, iệc giá đồng tăng phi mã trong thời gian qua, cộng với những chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ đã khuyến khích các nhà máy Trung Quốc sử dụng phế liệu đồng trong nguyên liệu sản xuất. Xu hướng này dự kiến sẽ làm giảm bớt áp lực về nguyên liệu đối với các nhà máy tinh chế thứ cấp và đối với các nhà máy nấu chảy phế liệu trực tiếp vào sản phẩm.

 

Giá dầu có thể giảm trong phiên hôm nay do diễn biến COVID phức tạp tại châu Á

Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên ngày hôm qua với giá WTI giảm nhẹ 0.09% xuống 65.63 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.12% lên 68.96 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực. Theo báo cáo tồn kho tuần của Cơ quan năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô thương mại tuần 30/4 giảm 8 triệu thùng so với kỳ trước trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 2.9 triệu thùng. Thông tin này giúp cho giá duy trì đà tăng trong nửa đầu phiên tối qua, với giá WTI đạt 66.5 USD/thùng giá Brent tiến sát đến mức 70 USD/thùng. Tuy nhiên, việc Saudi Arabia giảm giá bán dầu thô chính thức tháng 6 (OSPs) cho thị trường châu Á tối qua đã khiến giá WTI và Brent đồng loạt quay đầu giảm mạnh. OSPs giảm phản ánh nhu cầu dầu thô suy yếu tại châu Á khi Ấn Độ và Nhật Bản – hai quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3,4 thế giới – đang phải đối mặt với làn sóng COVID thứ 3 nghiêm trọng. OSPs giảm kèm theo việc giá Brent không vượt được mức kháng cự 70 USD/thùng quan trọng đã kéo thị trường rơi khỏi đà tăng từ tuần trước, khi có nhiều dự đoán nhu cầu tại châu Âu sẽ bù đắp lượng tiêu thụ sụt giảm ở châu Á.

Tính đến đầu giờ chiều nay, giá dầu phục hồi trở lại nhờ diễn biến tích cực quá trình triển khai văc-xin tại Mỹ và châu Âu. Văc-xin trong giai đoạn thử nghiệm của Moderna Inc có tác dụng với các biến thể coronavirus mới tại Brazil và Nam Phi, trong khi Canada tuyên bố sẽ triển khai Pfizer cho thiếu niên còn Mỹ đặt mục tiêu 70% dân số tiêm ít nhất 1 liều văc-xin trước 4/7 so với con số 56.3% hiện giờ.

Trong một vài phiên tới, giá dầu có khả năng tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ xuống mức 65 USD/thùng khi một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ hiện tại vẫn chưa bước vào đỉnh dịch COVID. Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ trong thứ 6 tuần này là báo cáo rất quan trọng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế Mỹ hiện nay và kết quả báo cáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đồng USD cũng các sản phẩm định giá theo USD như dầu. Thị trường đã được các chỉ số vĩ mô của Mỹ hỗ trợ rất tốt trong tuần vừa rồi, nếu tuần này bảng lương có kết quả tiêu cực, giá có thể giảm sâu xuống dưới mức 63 USD/thùng.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam