Giá ngô có thể tiếp tục tăng khi các yếu tố hỗ trợ vẫn đang chiếm ưu thế
Kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 08, giá ngô kỳ hạn tháng 12 chỉ tăng nhẹ 1.5 cents. Mặc dù đã có gapup và bật tăng mạnh ngay từ phiên đầu tuần, tuy nhiên lực bán áp đảo trong 3 phiên giữa tuần tại các vùng kháng cự quan trọng đã thu hẹp đà tăng. Nhìn chung, ngô vẫn đang có 1 xu hướng tăng khá mạnh trong suốt tháng 08, với độ dốc xấp xỉ 45o sau khi chạm mức thấp nhất 6 tháng hồi cuối tháng 07, cho thấy đà tăng này khá vững chãi. Tuy nhiên, vùng hỗ trợ quan trọng 680 cents trước đây đã đổi vai trở thành ngáng cự, sẽ tạo ra một lực cản lớn với xu hướng hiện tại, đặc biệt là trong bối cảnh mùa vụ ngô của Mỹ sắp bước vào giai đoạn thu hoạch.
Mở cửa phiên sáng nay sau kỳ nghỉ Lễ Lao động, lực mua từ cuối tuần trước vẫn được duy trì đối với ngô và lúa mì, nhờ thông tin kho ngũ cốc của Ukraine ở khu vực Mykolaiv bị Nga phá hủy bằng tên lửa trong ngày hôm qua. Nằm ở phía nam Ukraine và là một trong những thành phố cảng quan trọng, giáp ranh với khu vực mà quân đội Nga đang kiểm soát ở phía đông, căng thẳng leo thang trong những ngày gần đây khi mà chính quyền Kiev đang tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea khiến cho nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen có thể tiếp tục gián đoạn trong thời gian tới.
Về mùa vụ ở Nam Mỹ, một số bang ở phía nam Brazil đã bắt đầu tiến hành gieo trồng ngô vụ 1. Thời tiết ấm dần lên cùng với lượng mưa thích hợp dự báo trong 2 tuần tới sẽ giúp khởi đầu mùa vụ một cách thuận lợi. Tuy nhiên, vấn đề lớn trong năm nay với nông dân Brazil nói riêng và nhiều khu vực sản xuất khác nói chung vẫn là giá phân bón. Theo hãng tư vấn StoneX, chi phí phân bón cho việc sản xuất ngô tại Brazil đã tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá khí đốt vẫn đang duy trì ở vùng đỉnh 14 năm bất chấp việc giá dầu thô đã có sự điều chỉnh đáng kể, khiến cho giá phân bón khó có khả năng giảm trong ngắn hạn. Các yếu tố “bearish” vẫn đang chiếm ưu thế và nhiều khả năng giá ngô vẫn sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

Giá bông trong phiên hôm nay khả năng cao nối tiếp đà giảm khi đồng Dollar Mỹ vẫn neo ở mức cao
Giá bông và đường đang có xu hướng diễn biến trái chiều nhau. Trong khi bông giảm kịch sàn trong 2 phiên cuối tuần trước, đẩy giá bông hiện tại về mức 103.21 cents do đồng USD tăng mạnh và neo ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Trái lại, giá đường lại đang cho thấy sự hồi phục, đặc biệt là đường trắng khi 2 quốc gia cung ứng đường tinh luyện hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Đức đều dự kiến nguồn cung sụt giảm trong niên vụ 22/23.
Đồng Dollar Mỹ có thể tiếp tục neo ở mức cao khi FED vẫn khẳng định mạnh mẽ cho việc tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này khiến bông trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó kéo theo giá bông tiếp tục suy yếu.
Tuần này, báo cáo Crop Progress sẽ ra chậm hơn 1 ngày do nước Mỹ nghỉ lễ ngày 05/09. Thời tiết có mưa trong tuần trước có thể sẽ được phản ánh trong báo cáo vào tuần này và tiếp tục cho thấy sự khởi sắc, phần nào khiến giá bông nối tiếp đà suy yếu. Tuy vậy, dự báo thời tiết trong 10 ngày tới cho thấy, khô nóng có thể sẽ quay lại tiếp diễn trong thời gian tới tại vùng Texas, Mỹ. Khả năng cao sẽ khiến những tín hiệu tích cực về chất lượng mùa vụ tại đây trở nên suy yếu, từ đó hạn chế đà giảm của giá trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo đang ủng hộ cho đà giảm khi giá nằm dưới cả 2 đường trung bình động MA10 và MA20, kết hợp với đường MACD với đường Signal có xu hướng chếch xuống, thể hiện cho khả năng giá bông sẽ giảm tiếp.

Giá đồng có thể tiếp tục phục hồi trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và triển vọng nhu cầu cải thiện
Giá đồng tiếp nối đà phục hồi trong phiên hôm nay sau khi các nhà hoạch định chính sách ở quốc gia tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc, cho biết họ sẽ đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng trong quý III. Chính phủ quốc gia này cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế nhằm bù đắp cho những tổn thất mà dịch bệnh đã gây ra vào quý II. Điều đó đã góp phần hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản, trong đó có đồng phục hồi do triển vọng tiêu thụ tích cực hơn trong quá trình nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, hoạt động tại các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc. Theo dữ liệu từ SMM, sản lượng đồng cathode của quốc gia này đạt 856,500 tấn trong tháng 8, tăng 1.97% so với tháng trước đó và 4.54% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số trên thấp hơn kế hoạch ước tính hồi đầu tháng với mức 892.100 tấn, do ảnh hưởng bới chính sách phân bổ điện năng, tuy nhiên, chính sách này đã bắt đầu được loại bỏ kể từ tháng 9. Sản lượng của các lò luyện riêng lẻ ở miền nam Trung Quốc đã được đại tu trước đó cũng dự kiến sẽ trở lại bình thường. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động luyện đồng và hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn.
Trong khi đó, về nguồn cung, theo các dữ liệu mới đây, sản lượng đồng tại 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất trên thế giới là Chile và Peru đều suy giảm trong tháng 7 so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái do chất lượng quặng và một số mỏ khai thác kém hiệu quả. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải chỉ đạt mức hơn 3,000 tấn, trong khi tồn kho đồng trên Sở COMEX liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Điều này cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà phục hồi của giá đồng.
Tuy nhiên, thị trường đồng vẫn đang phải đối diện với hàng loạt rủi ro về bài toán nhu cầu. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp lãi suất. Trong trường hợp 75 điểm cơ bản sẽ được mạnh tay bổ sung, thị trường đồng có thể sẽ quay lại với áp lực từ nguy cơ suy thoái gia tăng. Trong khi đó, dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn đang cản trở sức tiêu thụ mạnh mẽ đối với mặt hàng này.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng đang có xu hướng bật tăng từ cạnh dưới của dải Bollinger band đang có xu hướng mở rộng.

Đà phục hồi của giá dầu có thể chững lại trong phiên hôm nay khi sự hỗ trợ từ các chính sách của OPEC+ và G7 giảm bớt
Giá dầu WTI đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi gặp phải mức kháng cự tâm lý 90 USD. Có thể thấy, lực mua đã phần nào suy yếu khi mà việc OPEC+ cắt giảm sản lượng không hỗ trợ quá nhiều cho giá.
Những lo ngại về việc nguồn cung dầu bị thắt chặt đã giảm bớt, thay vào đó, nhiều nhà đầu tư nhìn nhận động thái của nhóm như một tín hiệu cho thấy nguồn cung có thể đang vượt quá nhu cầu tiêu thụ.
Về việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga, nhiều khả năng biện pháp này sẽ không mang lại tác dụng như mong đợi của khối G7, bởi liên minh hiện không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ - hai khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Nga. Bên cạnh đó, khối G7 cũng không phải là một nhà nhập khẩu lớn của Nga và hai trong số các thành viên bao gồm Mỹ và Anh đã thực hiện cấm nhập khẩu dầu từ Nga từ rất sớm. Nhật Bản nhiều khả năng cũng sẽ gặp khó trong việc áp dụng mức giá trần với dầu thô của Nga bởi
Về phía tiêu thụ, Trung Quốc hiện vẫn phải gồng mình để chống chọi với dịch bệnh. Việc liên tục đóng cửa các thành phố sản xuất quan trọng như Thành Đô, cùng với sự mất giá của đồng Nhân dân tệ đang khiến cho nền kinh tế thứ hai toàn cầu đối mặt với nguy cơ khủng hoảng và khó có khả năng hồi phục trong ngắn hạn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV