Dự báo mưa lớn xuất hiện trở lại ở Midwest trong tuần này sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá đậu tương
Giá đậu tương đang quay đầu suy yếu trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần này với mức gapdown nhẹ. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với đà tăng của ngô, mặc dù cả 2 mặt hàng này đều đang cùng chịu tác động từ ảnh hưởng của hạn hán tới mùa vụ tại Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy tình trạng đậu tương không quá nghiêm trọng và có thể cải thiện nếu xuất hiện thêm mưa trong vài ngày tới đã khiến giá không duy trì được đà tăng từ tuần trước.
Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần cuối cùng của mùa hè. Một khối không khí lạnh từ Canada sẽ tiến vào qua khu vực phía bắc, và có thể gây ra các trận giông bão nghiêm trọng từ Đồng bằng phía bắc đến Midwest. Từ tây sang đông vào đầu tuần, nhiệt độ sẽ tăng, cùng với đó là độ ẩm cũng tăng đột biến. Cuộc khảo sát mùa vụ thực tế diễn ra ở Midwest trong tuần trước đã cho thấy thiệt hại do hạn hán chủ yếu diễn ra tại các bang phía tây, và năng suất trung bình 51.7 giạ/mẫu có thể sẽ được cải thiện nhờ có lượng mưa lớn xuất hiện trong tuần này. Hiện tại, con số mà tạp chí Pro Farmer đưa ra sau Crop Tour đang gần như tương đương so với mức 51.9 giạ/mẫu trong báo cáo của USDA, và diện tích thu hoạch lại cao hơn. Chính vì thế, triển vọng nguồn cung đậu tương tại Mỹ có nhiều khả năng sẽ nới lỏng hơn so với dự kiến sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá trong tuần này.
Bên cạnh đó, theo các số liệu từ báo cáo Cam kết Thương nhân (COT) của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), số lượng vị thế mua đối với đậu tương đã gia tăng trong tuần vừa rồi. Tuy nhiên, điều này xảy ra trước kì nghỉ 3 ngày dịp Lễ lao động nên đây lại là yếu tố tạo áp lực khi các quỹ có thể sẽ chốt vị thế. Đặc biệt, sau các đợt nghỉ lễ trở lại, thị trường thường sẽ xuất hiện mức gap mạnh, nhà đầu tư không nên giữ vị thế qua cuối tuần này.

Bông khả năng cao giảm nhẹ trong phiên hôm nay khi chất lượng mùa vụ tại Mỹ đã ghi nhận sự hồi phục
Bông và đường trong phiên hôm qua đều chung đà suy yếu. Bông giảm nhẹ 0.44% do thời tiết diễn biến tích cực hơn đối với sự phát triển của bông tại Mỹ. Bất chấp giá dầu thô thế giới tăng mạnh trước lo ngại nguồn cung, đường vẫn giảm nhẹ 0.03 cents.
Theo báo cáo Crop Progress mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công báo rạng sáng nay cho thấy, chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ đang có sự cải thiện sau khi nhiệt độ suy yếu và mưa xuất hiện từ 2 tuần trước đó, tỷ lệ tốt – tuyệt vời theo khảo sát đạt 34%, tăng 3% so với báo cáo trước đó. Sự tích cực này cũng được ghi nhận tại Texas, vùng canh tác bông chính tại Mỹ khi tăng 3% so với số liệu đưa ra đầu tuần trước. Cũng trong báo cáo này, tỷ lệ thâm hụt độ ẩm tầng đất mặt và tầng đất sâu tại Texas cũng cho thấy những tín hiệu tích cực khi tỷ lệ lần lượt đạt 60% và 69%, giảm mạnh so với mức 71% và 77% trong báo cáo trước. Điều này kỳ vọng sẽ khiến thị trường có niềm tin hơn vào sự hồi phục chất lượng mùa vụ tại đây cũng như bớt lo ngại về việc nguồn cung sụt giảm mạnh do tình trạng khô hạn kéo dài vốn được dự đoán trong báo cáo WASDE tháng 08.
Dự báo thời tiết trong tuần này cho thấy, mưa xuất hiện với tuần xuất liên tục hơn tại Texas, dự kiến sẽ cung cấp lượng mưa lớn, bổ sung độ ẩm cần thiết cho cả tầng đất mặt và tầng đất sâu, giúp cây bông đạt điều kiện phát triển tốt hơn trước khi vụ thu hoạch mới sắp bắt đầu vào đầu tháng 10.
Về mặt kỹ thuật, Dù đường MACD giao với đường Signal ở trên đường 0 nhưng xu hướng đi xuống sau sự suy yếu của giá bông trong phiên sáng nay. Mức kháng cự cứng 117.57 cents tiếp tục đóng vai trò cản trở lực tăng của giá. Kết hợp với thông tin cơ bản thiên hướng “bearish”, dự đoán giá bông kỳ hạn tháng 12 trong phiên hôm nay sẽ giảm xuống mức 113.50 cents.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ giằng co trong khi chờ đợi dữ liệu sản xuất tháng 8 của Trung Quốc
Thị trường đồng tiếp tục đón nhận lực bán trong phiên sáng nay trong bối cảnh vắng bóng các tin tức cơ bản về nhu cầu, trong khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang tạo sức ép mạnh mẽ. Nhiều khả năng giá sẽ duy trì biên độ dao động hẹp khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu sản xuất quan trọng của Trung Quốc, thông qua chỉ số quản trị mua hàng PMI được công bố vào sáng mai.
Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, PMI sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt mức 49.2 vào tháng 8, mức tăng khiêm tốn từ con số 49.0 vào hồi tháng 7. Trên thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn bùng phát lẻ tẻ và khủng hoảng bất động sản ăn sâu vào nền kinh tế, cuộc khủng hoảng điện lại tiếp tục tạo ra thách thức lớn cho các nhà máy sản xuất tại quốc gia này. Do đó, nhiều khả năng PMI sản xuất và dịch vụ tháng 8 của Trung Quốc vẫn sẽ ở trong một kịch bản tiêu cực và gây sức ép tới giá đồng trong các phiên tới.
Mới đây, theo thông tin từ Reuters, các nhà chức trách ở thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc đã đóng cửa chợ điện tử lớn nhất thế giới, Huaqiangbei và đình chỉ dịch vụ tại 24 ga tàu điện ngầm vào hôm qua cho đến hết 2/9, trong một nỗ lực hạn chế sự bùng phát của COVID-19 tại trung tâm công nghệ của Trung Quốc. Những gián đoạn trong hoạt động kinh doanh sản xuất tiếp tục sẽ là mối lo ngại lớn cho nhu cầu về đồng trong thời gian tới.
Về lĩnh vực bất động sản với khoảng 20% nhu cầu về đồng được sử dụng, vẫn đang đối diện với khủng hoảng sâu rộng. Nhà phát triển bất động sản thuộc top đầu tại Trung Quốc, Country Garden vừa công bố doanh thu nửa đầu năm đã giảm 96%, mức cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2007.
Trong khi đó, tình trạng thiếu điện do nắng nóng tại tỉnh Tứ Xuyên và khu vực miền Đông Trung Quốc có xu hướng cải thiện, giúp cho các nhà máy dần nối lại hoạt động công nghiệp và nguồn cung cũng dần nới lỏng. Theo dữ liệu từ SMM, tồn kho đồng trên các thị trường lớn của Trung Quốc đã tăng thêm 5,000 tấn so với thứ Sáu tuần trước lên 73,300 tấn vào hôm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vẫn còn hạn chế do dịch bệnh và bất động sản tiếp tục gặp khó, giá đồng có thể vẫn đối diện với sức ép trong các phiên sắp tới.

Những lo ngại về nguồn cung có thể tiếp tục củng cố đà tăng cho giá dầu
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, giá dầu đang giằng co và lình xình xung quanh mức tham chiếu. Hiện các yếu tố tích cực trên thị trường đang áp đảo, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc giá dầu tăng sẽ khiến cho các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mạnh tay hơn trong công cuộc phòng chống lạm phát nên sức mua đang có phần hạn chế.
Giá dầu đang hồi phục mạnh mẽ từ giữa tháng 8 tới nay, bởi ngày càng có nhiều rủi ro về phía nguồn cung xuất hiện. Nếu không xét tới việc OPEC có thể cắt giảm nguồn cung trong cuộc họp tháng 9, rủi ro địa chính trị gia tăng ở nhiều nước sản xuất lớn như Lybia và Iraq đã làm gia tăng lo ngại về những gián đoạn nguồn cung. Những xung đột vũ trang kéo dài ở các khu vực này có thể làm giảm sản lượng và xuất khẩu, nhất là trong thời điểm mà các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga sắp có hiệu lực.
Một lời giải tiềm năng cho bài toán về nguồn cung hiện nay là đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tuyên bố rằng sẽ không có sự khôi phục thỏa thuận hạt nhân trừ khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chấm dứt những cuộc điều tra về các địa điểm hạt nhân chưa được công bố của nước này.
Các tin tức này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu tăng trong hôm nay, và không loại trừ khả năng OPEC sẽ tìm các cách can thiệp để giá dầu neo ở mức cao, và có thể duy trì trên 95 USD/thùng với giá WTI và trên 100 USD/thùng với giá dầu thô Brent.
Về mặt kỹ thuật, cả chỉ số RSI đều hướng lên, và Bollinger Band cũng mở rộng và hướng lên. Giá đã vượt qua kháng cự 97.1 USD (Fibonacci 38.2). Nhà đầu tư nếu đang có vị thế mua có thể tiếp tục nắm giữ. Trong trường hợp chưa có vị thế, nhà đầu tư có thể mua trước 1 lot ở mức 97 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 99.5 USD. Nếu giá điều chỉnh, có thể gia tăng và trung bình vốn ở mức 95 USD.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV