Dự báo mưa lớn xuất hiện trở lại ở Midwest trong tuần này sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá đậu tương
Giá đậu tương đang quay đầu suy yếu trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần này với mức gapdown nhẹ. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với đà tăng của ngô, mặc dù cả 2 mặt hàng này đều đang cùng chịu tác động từ ảnh hưởng của hạn hán tới mùa vụ tại Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy tình trạng đậu tương không quá nghiêm trọng và có thể cải thiện nếu xuất hiện thêm mưa trong vài ngày tới đã khiến giá không duy trì được đà tăng từ tuần trước.
Dự báo thời tiết tại Mỹ cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần cuối cùng của mùa hè. Một khối không khí lạnh từ Canada sẽ tiến vào qua khu vực phía bắc, và có thể gây ra các trận giông bão nghiêm trọng từ Đồng bằng phía bắc đến Midwest. Từ tây sang đông vào đầu tuần, nhiệt độ sẽ tăng, cùng với đó là độ ẩm cũng tăng đột biến. Cuộc khảo sát mùa vụ thực tế diễn ra ở Midwest trong tuần trước đã cho thấy thiệt hại do hạn hán chủ yếu diễn ra tại các bang phía tây, và năng suất trung bình 51.7 giạ/mẫu có thể sẽ được cải thiện nhờ có lượng mưa lớn xuất hiện trong tuần này. Hiện tại, con số mà tạp chí Pro Farmer đưa ra sau Crop Tour đang gần như tương đương so với mức 51.9 giạ/mẫu trong báo cáo của USDA, và diện tích thu hoạch lại cao hơn. Chính vì thế, triển vọng nguồn cung đậu tương tại Mỹ có nhiều khả năng sẽ nới lỏng hơn so với dự kiến sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá trong tuần này.
Bên cạnh đó, theo các số liệu từ báo cáo Cam kết Thương nhân (COT) của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), số lượng vị thế mua đối với đậu tương đã gia tăng trong tuần vừa rồi. Tuy nhiên, điều này xảy ra trước kì nghỉ 3 ngày dịp Lễ lao động nên đây lại là yếu tố tạo áp lực khi các quỹ có thể sẽ chốt vị thế. Đặc biệt, sau các đợt nghỉ lễ trở lại, thị trường thường sẽ xuất hiện mức gap mạnh, nhà đầu tư không nên giữ vị thế qua cuối tuần này.

Đường 11 khả năng cao sẽ đi ngang trong phiên hôm nay trước diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật
Kết thúc tuần giao dịch 22/08 – 28/08, bông và đường cùng chung xu hướng tăng giá. Trong đó, bông nối dài chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp trước ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến nguồn cung bông của nhiều quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, đường 11 cũng ghi nhận mức tăng hơn 2% do nguồn cung được dự đoán giảm mạnh tại 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Brazil và Ấn Độ.
Giá dầu trong phiên hôm nay nhiều khả năng chịu sức ép khi các Ngân hàng Trung ương như FED và ECB truyền thông điệp sẽ tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này được kỳ vọng sẽ là nguyên nhân khiến giá ethanol giảm sức cạnh tranh so với đường, từ đó thức đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên sản lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này thêm nới lỏng và gây sức ép lên giá trong phiên hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, các thông số bắt đầu chuyển hướng ủng hộ cho đà tăng của giá sau phiên tăng mạnh vào cuối tuần trước, cụ thể, đường MACD chếch lên trên, kết hợp với giá nằm trên đường trung bình động MA20.

Sức ép vĩ mô lấn át lo ngại về nguồn cung có thể tiếp tục tạo áp lực giảm đối với giá đồng
Giá đồng mở cửa phiên đầu tuần với lực bán mạnh, sau khi hàng loạt các quan chức Ngân hàng Trung ương trên thế giới tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào cuối tuần qua cho thấy động thái cứng rắn đối với tiến trình tăng lãi suất nhằm đẩy lùi lạm phát. Đồng Dollar hiện đã thiết lập đỉnh mới trong vòng 20 năm và điều đó đã làm gia tăng áp lực tới thị trường đồng.
Mới đây, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Hoa Kỳ Elizabeth Warren cho biết bà rất lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, khiến nhiều người mất việc, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đóng cửa do chi phí tiền tệ tăng theo lãi suất. Trong khi đó, ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh rằng những điều đó là chi phí không thể tránh khỏi nhằm kiểm soát lạm phát. Thị trường đồng, phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế tất yếu sẽ chịu sức ép khiến giá giảm trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại hạn chế nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô tại các khu vực khác cũng đang cho thấy gam màu ảm đạm. Tại khu vực châu Âu (EU), Citigroup dự báo lạm phát sẽ còn tăng và vượt quá mức kỷ lục 8.9% của tháng 7. Trong tuần này, dữ liệu về chỉ số giá sẽ được công bố. Trong trường hợp lạm phát tiếp tục lập đỉnh, mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) là một kịch bản có có thể xảy ra, nhất là khi hàng loạt quan chức cho thấy động thái quyết liệt trong Hội nghị Jackson Hole cuối tuần qua.
Tại quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, Trung Quốc, theo cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 đối với quốc gia này từ mức 3.9% xuống 3.5%. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn, bất động sản suy yếu trầm trọng làm ảnh hưởng tới năng lực sản xuất, những kích thích kinh tế, bao gồm khoản hỗ trợ 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ chủ yếu thúc đẩy cơ sở hạ tầng vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được hiệu quả.
Vào giữa tuần này, dữ liệu quan trọng về sản xuất Trung Quốc trong tháng 8, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sẽ được công bố và giá đồng thường biến động rất lớn trong phiên. Nhiều khả năng con số tích cực hơn tháng 7 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50, biểu thị sự thu hẹp hoạt động, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện trong thời gian vừa qua. Trong trường hợp đó, giá đồng có thể sẽ tiếp tục chịu sức ép bán.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ giằng co trở lại trước các lực trái chiều
Hiện tại, giá dầu thô đã lấy lại được sắc xanh, bất chấp việc chịu lực bán trong đầu phiên sau khi một loạt các ngân hàng trung ương ở Hội nghị Jackson Hole thể hiện quyết tâm trong việc chống lạm phát.
Bất chấp rủi ro cho thị trường chứng khoán trong môi trường lãi suất cao, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết hàng hóa vẫn là lựa chọn đầu tư hàng đầu cho thời gian tới, đặc biệt khi họ cho rằng rủi ro suy thoái kinh tế bên ngoài khu vực EU là tương đối thấp. Trong khi đó, khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại nhiều khu vực, bao gồm các đợt mất điện tại Trung Quốc và giá nhiên liệu tăng cao tại châu Âu đang khiến cho dầu, nguồn nhiên liệu được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới là dầu thô trở thành khoản đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, các bất ổn tăng lên trong nguồn cung, cùng với các ẩn số như hành động của OPEC, cuộc nội chiến tại Libya, mùa bão sắp đến đỉnh tại Mỹ,… đang hỗ trợ cho giá dầu trong phiên sáng nay. Trong khi đó, các quan chức Mỹ đang yêu cầu các nhà sản xuất ưu tiên cho thị trường nội địa thay vì gia tăng xuất khẩu dầu, có thể tạo động lực cho giá duy trì đà tăng. Trong nhóm năng lượng, giá khí tự nhiên đang ở mức quá cao và không tạo ra được điểm vào hấp dẫn nào.
Trong tuần này, Hội đồng Năng lượng EU sẽ tổ chức cuộc họp năng lượng bất thường để đối phó với giá năng lượng tăng cao. Hiện vẫn chưa rõ EU sẽ có biện pháp nào để đối phó với tình trạng này, đặc biệt khi họ khó có thể tác động vào nguồn cung. Tuy nhiên đây vẫn sẽ là một diễn biến các nhà đầu tư cần lưu ý, bên cạnh các thông tin xung quanh đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV