Kịch bản giảm giá sẽ có xác suất cao hơn đối với thị trường ngô khi giá dầu suy yếu
Trong sáng nay, giá ngô tiếp tục lình xình trong khoảng hẹp phía dưới vùng kháng cự 535 sau thất bại trong việc duy trì mức này trong phiên hôm qua. Diễn biến của giá ngô đang có sự tương đồng nhất định so với giá dầu thô, nguyên nhân chính khiến giá ngô giảm mạnh trong phiên tối hôm qua.
Trong hôm nay, USDA sẽ công bố báo cáo Xuất khẩu (Export Sales) với các số liệu bán và giao hàng ngô. Tính đến cuối tuần trước, lũy kế giao hàng ngô niên vụ 21/22 đã chậm hơn khoảng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu giúp lỹ giải cho tình trạng này là do các thiệt hại mà bão Ida gây ra khiến hoạt động tại các cảng lớn tại Vịnh Mexico bị tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu ngô hàng tuần đã liên tục tăng trong các tuần đầu niên vụ, từ khoảng 168 đến hơn 676 nghìn tấn trong tuần trước, khác với trong năm ngoái, khi tốc độ xuất khẩu giữa các tuần trong tháng 9 đồng đều hơn trong khoảng 750 – 900 nghìn tấn. Việc này cũng đồng nghĩa với việc số liệu xuất khẩu tiếp tục tăng trong báo cáo tối nay sẽ là điều mà hầu hết thị trường đang kỳ vọng, và Hàng Hóa 247 dự đoán số liệu xuất khẩu thực tế sẽ ở trong khoảng 700 – 800 nghìn tấn.
Khánh Linh
 
Cả hai mặt hàng cà phê đều đang tích lũy đi ngang do thị trường thiếu vắng tin tức
Kết thúc phiên 6/10, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt hồi phục, giá Arabica tăng 0.8% lên 193.45 cents/pound, giá Robusta nhích nhẹ 0.2% lên 2116 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở hiện ở mức 50% chiết khấu cho giá Robusta.
Nếu như phiên giảm mạnh vào thứ 3 vừa qua khiến giá Arabica chính thức bước vào chu kỳ giảm điều chỉnh, thì giá Robusta đã tích lũy đi ngang được gần 3 tuần. Đà tăng của cả hai mặt hàng trong phiên hôm qua không mang yếu tố khẳng định xu hướng hay triển vọng của thị trường, mà giá cả hai mặt hàng hồi phục nhờ lực mua kỹ thuật.
Hiệp hội những người trồng cà phê Colombia cũng đưa ra dự báo, xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của nhà sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng 23% lên 1.09 triệu bao. Nhờ vậy, nỗi lo nguồn cung đối với giá Arabica cũng được giải tỏa đáng kể. Bên cạnh đó, đồng Reals tiếp tục mất giá càng làm lực bán trên thị trường mạnh hơn.
Ở thị trường Robusta, giá không còn được hỗ trợ nhiều như giai đoạn trước, bởi số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Việt Nam đang giảm mạnh, và các hoạt động vận chuyển đã được nối lại. Dù vậy, nhưng bài toán vận chuyển quốc tế vẫn chưa được giải, và tạo điều kiện cho giá Robusta giữ giá.
Tiên Phạm
 
Giá các mặt hàng kim loại có thể giằng co trong hôm nay
Kết thúc phiên 6/10, giá bạch kim tăng 1.8% lên 977 USD/ounce, giá đồng giảm 1% còn 4.14 USD/pound, tương đương với mức 9143 USD/tấn.
Trong phiên hôm qua, rất nhiều mặt hàng chịu sức ép từ sự gia tăng của đồng USD. Báo cáo việc làm tư nhân của ADP cho thấy, số lượng việc làm mới trong tháng 9 tăng mạnh lên hơn 500,000, thúc đẩy chỉ số Dollar Index tăng lên 94.3 điểm. Đây là con số phản ánh triển vọng hồi phục tích cực của nền kinh tế số một thế giới, và nếu số liệu bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối tuần này cũng tích cực hơn so với dự báo, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng và gây áp lực đối với cả giá bạc và bạch kim.
Việc thị trường lao động hồi phục tốt đáng ra phải hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ đồng và bạch kim trong công nghiệp, tuy nhiên, nếu các nước Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán năng lượng thì giá của bạch kim và đồng khó có thể bứt phá. Số đơn đặt hàng của các nhà máy tại Đức đã giảm gần 8%, trong tháng 8, và là đợt giảm mạnh thứ 3 trong vòng 30 năm.
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô nhiều khả năng sẽ chuyển sang xu hướng đi ngang trong tuần này
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.9% xuống 77.43 USD/thùng, giá Bren giảm 1.79% xuống 81.08 USD/thùng do áp lực nguồn cung tăng lên.
Việc Chính quyền Tổng thống Biden sử dụng dự trữ chiến lược để giảm đà tăng của giá dầu, thực chất, chỉ là một biện pháp có tác dụng trong ngắn hạn. Ngày 23/06/ 2011, Tổng thống Obama cũng đã áp dụng biện pháp này. Cùng với các thành viên khác của IEA, Mỹ giải phóng 30 triệu thùng, trong khi các đồng minh khác giải phóng một lượng tương đương. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục lấy lại đà tăng 1 tuần sau đó. Con số 30 triệu thùng dầu tương ứng với sản lượng bão Ida gây thiệt hại, tuy nhiên cũng chỉ tương đương với lượng nước Mỹ tiêu thụ trong 2 ngày. Và khác với lần trước, hiện tại các kho dự trữ chiến lược dầu và khí của EU đều đang đang ở mức thấp.
Khả năng Mỹ áp dụng lại lệnh cấm xuất khẩu cũng tương đối thấp. Mỹ đã áp dụng biện pháp này trong suốt 40 năm kể từ 1975-2015, trước khi công nghệ đá phiến bùng nổ. Điều này phần này giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Hồng Hoa 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV