Xuất khẩu của Mỹ được đẩy mạnh do nguồn cung ở Nam Mỹ thắt chặt sẽ là yếu tố hỗ trợ giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/04, giá ngô chỉ tăng nhẹ so với mức tham chiếu. Diễn biến giằng co nhìn chung vẫn đang chiếm ưu thế và tiếp nối từ phiên hôm qua khi triển vọng cung cầu đang tác động trái chiều nhau. 2 báo cáo Cung – cầu tuần này có thể sẽ không quá ảnh hưởng đến xu hướng giá nhưng sẽ cho thấy mức độ thắt chặt của nguồn cung ở Nam Mỹ, khi mà Ukraine vẫn đang không thể xuất khẩu và Mỹ vẫn chỉ vừa bước vào giai đoạn gieo trồng.
Vào 19h tối nay, CONAB sẽ công bố báo cáo Cung – cầu Brazil tháng 4. Trong đó, sản lượng ngô sẽ là số liệu được quan tâm với dự đoán nguồn cung sẽ nới lỏng hơn nhờ lượng mưa tích cực đến với vụ thứ 2. Tuy nhiên, tác động “bearish” từ thông tin này đến giá có thể sẽ không quá mạnh, ít nhất là trong ngắn hạn do nguồn cung toàn cầu hiện tại vẫn đang thắt chặt hơn. Theo báo cáo của USDA chi nhánh Trung Quốc, nhập khẩu ngô của nước này trong niên vụ 21/22 sẽ tăng 4 triệu tấn, lên mức 24 triệu tấn. Trung Quốc sẽ dự trữ nhiều hơn để hạn chế ảnh hưởng của việc giá quốc tế tăng mạnh và khả năng nguồn cung thiếu hụt trong niên vụ 22/23. Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn thứ hai cho Trung Quốc năm 2021, chiếm 30% tổng nhập khẩu ngô của nước này. Nguồn tin từ thị trường cho thấy Trung Quốc đã đặt 4.5 triệu tấn ngô Ukraine trước khi chiến tranh diễn ra. Với khối lượng ngô vẫn chưa được vận chuyển thì Mỹ được kì vọng sẽ là nguồn cung khả thi nhất có thể thay thế Ukraine trong giai đoạn này do ngô Nam Mỹ đang bị thiệt hại về sản xuất, ngô vụ 2 của Brazil vẫn chưa thu hoạch.
Trong báo cáo Export Sales tối nay, bán hàng ngô của Mỹ niên vụ 21/22 được dự đoán sẽ nằm trong khoảng 475,000 – 1 triệu tấn, so với mức 757,000 tấn trong cùng kì niên vụ trước. Nếu như Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng như kì vọng thì số liệu thực tế có thể sẽ phản ánh triển vọng bán hàng tích cực hơn trong nửa cuối niên vụ hiện tại.
Khánh Linh
 
Báo cáo của ICO sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực lên giá Robusta hơn giá Arabica
Kết thúc phiên giao dịch 6/4, giá cà phê trên hai Sở đồng loạt lao dốc. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 4 giảm 1.6% về 227.6 cents/pound, còn hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 1.1% về 2093 USD/tấn. Chênh lệch giữa hai Sở vẫn được duy trì ở mức 58% chiết khấu cho giá Robusta.
Đồng USD mạnh lên sau khi có Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed đã gây sức ép đối với cả hai mặt hàng cà phê. Việc các nhà hoạch định chính sách mạnh tay hơn trong việc cắt giảm nguồn cung tiền và tăng lãi suất sẽ làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và tầm ảnh hưởng của những thay đổi này có thể vươn rộng ra ngoài biên giới nước Mỹ. Vì thế, sức mua trên thị trường cà phê sụt giảm do sức ép đến từ đồng bạc xanh, và triển vọng tiêu thụ bị sụt giảm.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/22 dự kiến đạt tổng cộng 167.17 triệu bao, giảm 2.1% so với niên vụ 2020/21 (170,83 triệu bao). Riêng sản lượng cà phê Arabica 93.970 triệu bao vào năm 2021/22, tương đương với mức giảm 7.1% so với kỳ trước. Mặt khác, sản lượng Robusta dự kiến tăng 5.1%, đạt tổng cộng 73 triệu bao.
Cũng theo ICO, tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2021/22, sẽ đạt 170.298 triệu bao, do đó thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt cung cầu khoảng 3.128 triệu bao trong niên vụ 2021/22, trái ngược với mức thặng dư 5.965 triệu bao vào năm 2020/21.
Sự sụt giảm này xuất phát từ nhà sản xuất số một thế giới Brazil, đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn. Tuy nhiên, cán cân thị trường có thể thay đổi mạnh do kinh tế thế giới tiềm ẩn suy thoái, chi phí sản xuất tăng, nhập khẩu giảm do các vấn đề căng thẳng chính trị ở khu vực biển đen.
Với những tin tức hiện nay, giá Arabica sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn giá Robusta, bởi đây là loại cà phê được ưa chuộng hơn, trong khi sản lượng bị sụt giảm. Hiện giá vẫn nằm trên hai đường EMA 34 và 89, tuy nhiên sức mua đã yếu dần. Ngoài ra, thị trường cũng cần hấp thụ các tin tức tiêu cực từ Fed, nên giá Arabica có thể giảm về test lại mức hỗ trợ tâm lý 220 cents trong hai phiên cuối tuần. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ 229.6 -223 cents.
Đối với giá Robusta, xu hướng giảm ngày một rõ ràng. Đồng thời giá còn không nhận được nhiều tin tức hỗ trợ, nên các nhà đầu tư có thể mở vị thế bán từ 2100 – 2075 USD trong phiên hôm nay
Hà Linh
 
Các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể hỗ trợ giá đồng neo ở mức cao
Giá đồng giảm hơn 1% trong phiên hôm qua về 4.74 USD. Trong sáng nay giá tiếp tục giảm về 4.7 USD.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc sức bán áp đảo trong phiên hôm qua trên thị trường đồng là sự tăng giá của đồng USD. Biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy lập trường cứng rắn của Fed trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ. Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách sẽ cắt giảm bảng cân đối kế toán lên tới 95 tỷ USD mỗi tháng, đồng thời có kế hoạch tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng sau. Đây là tin tức rất tiêu cực với thị trường tài chính nói chung, và thị trường đồng nói riêng. Một mặt, dòng tiền đầu tư vào thị trường đồng sẽ bị giảm bớt, do nguồn cung tiền bị thắt chặt. Mặt khác, lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, và gián tiếp ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đối với đồng. Vì thế, giá đồng hiện đang phản ánh với các tin tức này.
Tuy nhiên, so với các thị trường khác như thị trường dầu thô, hay thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, giá đồng có mức giảm không quá mạnh và vẫn nằm trong biên độ đi ngang được thiết lập gần 3 tuần nay, từ 4.65 – 4.8 USD/pound. Số liệu tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn liên tục giảm cho thấy nhu cầu tiêu thụ có thể vẫn duy trì ở Trung Quốc, cộng thêm việc các nhà chức trách liên tục cam kết sẽ ổn định nền kinh tế là hai yếu tố hạn chế sức bán trên thị trường đồng.
Mức dự trữ trên Sở Thượng Hải giảm về dưới 40,000 tấn, thấp nhất kể từ ngày 11/2 năm nay. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có những kế hoạch kích cầu để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Các chính quyền địa phương đang lập ra danh sách những dự án lớn, với tổng chi phí lên tới 2,300 tỷ USD, gấp đôi so với mức chi tiêu cho gói cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Goldman Sachs Group Inc. dự đoán đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tăng 8% vào năm 2022 còn Morgan Stanley ước tính đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sẽ tăng 10% trong năm nay. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho biết nước này vẫn có nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng, bởi hiện có 60 thành phố với hơn 3 triệu cư dân nhưng không có hệ thống tàu điện ngầm.
Có thể thấy, với những tin tức như hiện nay, giá đồng có thể tiếp tục giằng co và neo ở mức cao. Lăng kính kỹ thuật cho thấy giá đã rớt khỏi đường EMA 89 trên khung H4 nhưng vẫn nằm trên đường EMA 34 của khung D1. Chỉ số RSI cho thấy lực mua yếu dần. Mặc đù vậy, giá vẫn đang nằm trên đường trendline, nên các nhà đầu tư có thể canh mua khi giá chạm mức 4.65 với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.75 USD.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy yếu khi không còn nhiều yếu tố hỗ trợ
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 5.62% xuống 96.23 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 5.22% xuống 101.07 USD/thùng. Mức giảm đến từ thông báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết họ sẽ giải phóng một lượng lớn dầu trong năm nay.
Như vậy, tính từ đầu năm đến giờ, các thành viên của IEA đã cam kết sẽ giải phóng ít nhất 301.7 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược, gấp 6 lần lượng dầu mở kho năm ngoái chỉ rơi vào khoảng 50 triệu thùng.
Nếu so sánh với ước tính của IEA rằng sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 3 triệu thùng/ngày từ tháng 04/2022, thì con số trên sẽ chỉ đủ bù đắp lượng thiếu hụt của Nga trong vòng 3 tháng. Như vậy, thị trường khả năng cao vẫn sẽ rơi vào trạng thái thiếu nguồn cung, nếu nhu cầu dầu vẫn giữ vững ở mức 100 triệu thùng/ngày như các phân tích đã chỉ ra. Đây là lý do tại sao giá dầu nhanh chóng phục hồi phần nào với lực mua bắt đáy ngay trong phiên sáng nay.
Tuy nhiên, sự phục hồi này là có giới hạn, khi thị trường tài chính nói chung đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trước hết là biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tối qua cho thấy áp lực lạm phát. Mặc dù vấn đề nằm ở các tắc nghẽn trong khâu sản xuất do thiếu hụt nhiên liệu đầu vào và vấn đề logistics, tuy nhiên các ngân hàng trung ương chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách giảm cung tiền, tăng chi phí lãi vay để phần nào hạn chế sức mua.
Nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do chi phí gia tăng cũng là một yếu tố cần cân nhắc. Tại châu Âu, tồn kho dầu và các sản phẩm lọc dầu đang có xu hướng tăng lên, bất chấp nguồn cung từ Nga đang suy yếu. Chi phí cho khí tự nhiên tại châu Âu cao gấp 5 lần so với tại Mỹ, sẽ buộc người dân phải tiết kiệm các khoản chi khác. Mặc dù kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022, tuy nhiên với các ẩn số mới như dịch Covid-19 tại Trung Quốc đe dọa làm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng và tạo ra rủi ro suy thoái, kéo theo nhu cầu năng lượng giảm và gây áp lực cho giá dầu. Do đó, trước khi có các thông tin mới, khả năng cao giá trong ngắn hạn 1-2 phiên tới giá vẫn sẽ dưới vùng 100 USD/thùng.
Các chỉ số kỹ thuật tương đối tiêu cực với RSI và MACD tiếp tục hướng xuống xuống dưới, mặc dù RSI vẫn đang nằm trong vùng trung tính. Bất chấp lực mua kỹ thuật hiện tại, giá gặp áp lực mạnh tại kháng cự 101.40 USD/thùng. Giá có thể tiếp tục test lại vùng 96 USD/thùng trong phiên hôm nay.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV