Nhu cầu nhập khẩu kém khả quan tại Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá đậu tương
Bắt đầu phiên giao dịch ngày 07/09, giá đậu tương đã tiếp tục sụt giảm mạnh và rơi khỏi vùng hỗ trợ tâm lý 1400. Hiện đà suy yếu vẫn đang được duy trì và với triển vọng nguồn cung như hiện tại, chúng tôi cho rằng giá có thể còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa trong vài phiên tới.
Theo báo cáo Crop Progress sáng nay, chất lượng đậu tương vẫn duy trì ở mức 57% diện tích đạt tốt – tuyệt vời thay vì giảm nhẹ như dự đoán trước đó của thị trường. Mặc dù thời tiết tại Mỹ khá nắng nóng trong tuần vừa rồi, tuy nhiên, đây đã là khoảng thời gian cuối vụ nên chất lượng đậu tương không còn phải chịu ảnh hưởng quá lớn. Trong khi đó, lượng mưa tại phía đông Vành đai đậu tương vẫn đang hỗ trợ đậu tương trồng muộn có thể phát triển thuận lợi cải thiện năng suất cây trồng. Đây là nguyên nhân khiến giá đậu tương sụt giảm mạnh ngay từ khi mở cửa và chúng tôi cho rằng lực bán có thể tiếp tục được duy trì. Một yếu tố khác liên quan đến nguồn cung cần được chú ý là tình hình bán hàng tại Argentina. Theo Sở giao dịch ngũ cốc Rosario, khối lượng giao dịch đậu tương hàng ngày tại Argentina đã đạt mức 800,000 tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm 2017, sau khi chính phủ đưa ra tỷ giá hối đoái ưu đãi nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Điều này cho thấy nông dân đang đẩy mạnh bán hàng và có thể khiến nguồn cung từ Argentina tăng “bất thường” trong thời gian tới.
Xét về nhu cầu, tình hình nhập khẩu kém khả quan tại Trung Quốc có thể là yếu tố tiếp tục tạo sức ép lên giá trong ngày hôm nay. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 08 của nước này chỉ đạt mức 7.17 triệu tấn, giảm 24.5% so với cùng kì năm ngoái và là mức nhập khẩu thấp nhất trong giai đoạn tháng 08 kể từ năm 2014. Sự bùng phát của dịch Covid – 19 cùng với nền kinh tế bất ổn có thể sẽ còn khiến số liệu nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng này và những tháng tới. Đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng và gây sức ép lên giá đậu tương trong dài hạn.

Giá bông khả năng cao suy yếu trong phiên hôm nay khi chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ tiếp tục khởi sắc
Kết thúc phiên giao dịch 06/09, giá bông tăng nhẹ khi Pakistan, quốc gia lên kế hoạch nhập khẩu bông để phục vụ hoạt động ngành công nghiệp dệt may sau khi gần 20% sản lượng bị thiệt hại do lũ lụt gây ra. Ở chiều ngược lại, giá đường bất ngờ giảm mạnh khi giá xăng dầu nội địa tại Brazil tiếp tục được điều chỉn giảm lần thứ 4 liên tiếp.
Lượng mưa được bổ sung tại vùng Đông Nam, Mỹ trong tuần trước đã cho thấy tác động tích cực của nó đến mùa vụ bông tại Mỹ khi trong báo cáo Crop Progress mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), công bố sáng nay cho thấy, chất lượng mùa vụ tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ tốt – tuyệt vời đạt đạt 35%, tăng nhẹ 1% so với báo cáo trước, trong đó tỷ lệ thặng dự ghi nhận tích cực hơn tại Texas, vùng trồng bông chính của Mỹ với mức tăng 2%. Cùng với đó, độ ẩm tầng đất mặt và tầng đất sâu cũng tiếp tục có được sụ khởi sắc với tỷ lệ lần lượt là 44% và 63%, giảm mạnh so với tỷ lệ 60 và 69%. Điều này dự kiến sẽ giúp thị trường bớt lo nại hơn về vấn đề sụt giảm nguồn cung, từ đó thúc đẩy lực bán chiếm ưu thế và gây áp lực lên giá.
Do ảnh hưởng từ trận lũ lụt lịch sử kéo dài từ tháng 06, gần 20% sản lượng bông đang trong giai đoạn phát triển của nước này mất trắng. Pakistan đang dự kiến nhập khẩu lên 5.8 triệu kiện, tăng 1 triệu kiện so với số liệu dự đoán của USDA hồi tháng 08. Điều này được kỳ vọng sẽ phần nào kìm hãm đà giảm của bông trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, các thông số vẫn đang ủng hộ cho đà giảm khi đường MACD giao với đường Signal trên đường Zero nhưng chếch xuống dưới, giá nằm dưới cả 2 đường trung bình động đang hướng xuống.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp sức ép do hoạt động thương mại suy yếu của Trung Quốc
Sau 2 phiên phục hồi, lực bán đang có xu hướng quay trở lại thị trường đồng trước sức ép vĩ mô và triển vọng nhu cầu kém sắc sau dữ liệu về hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 7.1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ lỡ ước tính trung bình 12.8% của các chuyên gia kinh tế. Con số này cũng đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng 18% vào hồi tháng 7 và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng Tư năm nay. Cần lưu ý rằng, Trung Quốc là quốc gia có nền sản xuất khổng lồ và hoạt động xuất khẩu là động lực quan trọng hàng đầu, đã góp phần vào khoảng 1% tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm trước. Sự suy yếu trong hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ phản ánh những trở ngại trong hoạt động kinh tế của đất nước tiêu thụ kim loại hàng đầu này, mà còn cho thấy nhu cầu trên toàn cầu đang có xu hướng sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Trước bức tranh thương mại quốc tế kém sắc của Trung Quốc trong tháng 8, nhiều khả năng dữ liệu xuất nhập khẩu của nước Mỹ công bố vào tối nay cũng sẽ khá tiêu cực, bởi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Điều đó có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực bán lên thị trường đồng trong phiên tối.
Bên cạnh đó, nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng lên 34,495 tấn so với tháng 7, tương đương với 7.4%. Con số này cũng tăng lên 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đồng tại quốc gia này tăng lên trong bối cảnh tồn khi thấp, trong khi cuộc khủng hoảng điện làm hạn chế nguồn cung trong nước và mức giá khá cạnh tranh. Tuy nhiên, các nhà nhà máy luyện đồng đang bắt đầu trở lại hoạt động, lượng đồng nhập khẩu tăng trong khi nhu cầu vẫn đang gặp nhiều thách thức do hàng loạt các thành phố lớn tiếp tục phong toả vì dịch bệnh cũng sẽ khó hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn.

Dầu thô có thể tiếp tục giảm khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu nhanh hơn nguồn cung
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay về mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay, khi mà những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ một lần nữa lại lấn át các yếu tố về nguồn cung.
Đồng USD đang gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây đã gây sức ép trực tiếp đến giá dầu. Chỉ số Dollar Index hiện đã vượt mức 110.5 điểm, cao nhất kể từ tháng 6/2002. Đồng bạc xanh mạnh lên sẽ khiến cho các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới cũng phải đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, để tránh việc đồng nội tệ bị mất giá. Lãi suất tăng cùng với cung tiền thu hẹp sẽ kiến cho các hoạt động của nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu giảm xuống.
Mặt khác, đồng USD mạnh lên cũng sẽ khiến cho chi phí kinh doanh và đầu tư trên thị trường dầu trở nên đắt đỏ hơn, khiến cho sức mua ngày một giảm đi. Mặc dù nguồn cung dầu vẫn còn thiếu ổn định, tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ có nguy cơ sụt giảm mạnh hơn nên những tin tức về nguồn cung không hỗ trợ nhiều cho giá. Cụ thể, sản lượng dầu ở Lybia đang sụt giảm khoảng 100,000 thùng/ngày, tuy nhiên con số không quá lớn, cùng với việc mức giảm chỉ mang tính chất tạm thời do các vấn đề về kỹ thuật, nên không đủ để hỗ trợ cho giá dầu.
Việc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chính sách “Không Covid” cũng đang là một sức ép đè nặng lên giá dầu. Tình trạng tắc nghẽn tại các thành phố của nước này đều đã giảm trong tháng 8. Bên cạnh đó, theo khảo sát của China Aviation Daily, số chuyến bay hàng ngày đã giảm 41% trong tuần tính đến ngày 28 tháng 8 so với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV