Giá ngô đang giằng co mạnh trước tâm lí thận trọng hơn của thị trường
Kết thúc phiên 07/07, hợp đồng ngô tháng 12 vẫn tiếp tục giảm bất chấp mức phục hồi vào phiên sáng. Giá ngô biến động mạnh cả 2 chiều cho thấy lực mua bán đang khá cân bằng và giằng co mạnh khi không có nhiều thông tin cơ bản mới hỗ trợ và tâm lý của thị trường đang trở nên thận trọng hơn.
Nguyên nhân chính tạo sức ép lên giá vẫn là thời tiết được dự báo sẽ xuất hiện mưa ở các vùng gieo trồng chính tại Midwest, giúp cải thiện tác động của hạn hán nghiêm trọng kéo dài từ đầu tháng 6 tới nay. Liệu giá ngô năm nay có đang đi theo chu kỳ nhiều năm trước đây khi mà sang tháng 7, thời tiết ổn định hơn sẽ khiến cho giá đảo chiều và xác nhận xu hướng giảm trong dài hạn? Điều này khó có thể xảy ra do tác động tích cực của mưa đang phân hoá mạnh giữa các khu vực khi lượng mưa xuất hiện nhiều nhất ở các bang mà khô hạn ở mức không quá lo ngại. Ngược lại, ở những bang phía Bắc vùng Trung Tây, nơi hạn hán khắc nghiệt nhất thì vẫn đang phải trải qua tình trạng thiếu hụt lượng mưa. Thêm vào đó, lượng mưa cục bộ diễn ra còn gây ra lũ quét, hạn chế các tác động tích cực lên cây trồng. Chính vì thế, với bối cảnh thời tiết hiện tại, giá ngô sẽ còn có thể neo ở vùng giá trên 500 cent.
Ngoài thời tiết, thông tin sắp tới có tác động mạnh lên giá ngô là báo cáo Cung-cầu nông sản được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào ngày 12/07. Hãng tin Reuters vừa đưa ra dự đoán của thị trường cho các số liệu trong báo cáo này. Trong đó, đáng chú ý nhất là con số về năng suất ngô Mỹ năm nay được kì vọng sẽ giảm xuống mức 178.8 giạ/mẫu từ mức 179.5 giạ/mẫu. Kết hợp với diện tích gieo trồng tăng lên mức 92.69 trong báo cáo Final Argreage, tồn kho Mỹ niên vụ 2020/21 sẽ đạt 15.11 tỷ giạ, tăng nhẹ so với báo cáo tháng 6. Tuy nhiên, không phải cứ tồn kho tăng thì giá sẽ giảm mà số liệu thị trường quan tâm ở đây sẽ là mức năng suất thực tế so với dự đoán. Nếu năng suất ngô giảm thấp hơn nữa do tác động nghiêm trọng của hạn hán thì sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá.
Mở cửa sáng nay, giá ngô đang hồi phục trở lại với mức tăng nhẹ 0.5%. Mốc 520 đang là hỗ trợ kĩ thuật mạnh của ngô. Các chỉ báo kĩ thuật cho thấy xu hướng giảm nhưng xung lực đang yếu hơn và cây nến trong ngày hôm qua cũng cho thấy lực cầu mạnh ở vùng giá thấp. Chính vì thế, trong phiên hôm nay, có thể ngô sẽ hướng tới vùng 545.
Giãn cách xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp tục hỗ trợ giá Robusta
Kết thúc phiên giao dịch 7/7, giá cả 2 mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều với các mặt hàng khác trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, và đóng cửa với mức tăng đều trên 1%. Đây cũng là phiên tăng đầu tiên của Arabica kể từ cuối tháng 06 đến nay, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.
Giá Arabica tăng trở lại từ mức thấp nhất 1.5 tháng, lên xấp xỉ mức tâm lý 150 cent/pound. Trước đó, giá đã giảm mạnh khi thời tiết tại Brazil không còn gây ra lo ngại về băng giá. Ngoài ra, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) hôm thứ Hai đã nâng ước tính thặng dư cà phê giai đoạn 2020-2021 lên 2.26 triệu bao, cao hơn 12% so với báo cáo trước đó.
Tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên sàn ICE hôm qua tiếp tục giảm mạnh về mức 2.16 triệu tấn. Mặc dù đây là mức tồn kho thấp nhất trong vòng 3 tuần, nhưng tạm thời sẽ chưa gây ra lo ngại gì đối với nguồn cung, khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ vẫn đang rất chậm chạp trong việc phục hồi.
Về mặt kỹ thuật, giá đã bật trở lại từ cạnh dưới của Bollinger Band và đang tim cách hướng về cạnh giữa. MACD ở sâu dưới mức 0 và khoảng cách với đường Signal đang thu hẹp cho thấy lực bán không còn quá mạnh. Nhiều khả năng giá sẽ hướng lại về vùng giá 152 – 154 trong phiên hôm nay.
Cà phê Robusta đóng cửa tăng 1.37%, vượt lại mức kháng cự 1700, chủ yếu vẫn do lo ngại của thị trường quốc tế về nguồn cung giảm từ Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Tình trạng thiếu container vận chuyển ở châu Á và giá cước cao là yếu tố chính hạn chế xuất khẩu. Trong khi đó, việc thành phố Hồ Chí Minh ban bố lệnh giãn cách khẩn cấp từ 0h đêm qua, sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các lo ngại này. Nhiều khả năng, giá sẽ tiếp tục hướng đến vùng giá 1730 – 1750 trong phiên hôm nay.
Kịch bản nào để thị trường kim loại quý bứt phá khỏi xu hướng đi ngang hiện tại?
Kết thúc phiên giao dịch 7/7, sắc đỏ bao trùm toàn bộ thị trường kim loại quý. Giá Bạc đóng cửa giảm 0.17% còn 26.13 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 0.19% còn 1082 USD/ounce.
Hai mặt hàng kim loại quý đang trải qua giai đoạn hết sức ảm đạm, kể từ ngày 16/6, khi FED phát tín hiệu có thể giảm tốc độ mua tài sản và tăng lãi suất sớm hơn so với kế hoạch. Cho tới nay, giá Bạc tích lũy đi ngang trong biên độ 25.7 – 26.5 USD/ounce, còn giá Bạch được giao dịch với biên độ 1040 – 1100 USD/ounce. Bên cạnh đó, sự gia tăng của đồng USD và sức ép đến từ thị trường chứng khoán cũng là yếu tố khiến cho giá các mặt hàng kim loại quý chưa thể bứt phá.
Nỗi lo lạm phát hiện đã không còn quá lớn đối với các nhà đầu tư cộng với tâm lý tích cực và kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh của kinh tế khiến cho các nhà ưu tiên rót vốn vào thị trường chứng khoán hơn là các thị trường trú ẩn an toàn.
Kể từ tháng 5 tới nay, chỉ số S&P 500 tăng hơn 4%, chỉ số Nasdaq tăng gần hơn 6%. Trong khi đó, giá Bạc biến động mạnh trong suốt hai tháng nhưng gần đây giao dịch gần như không chênh lệch với giá tham chiếu hồi tháng 5. Đối với Bạch kim, giá có xu hướng giảm rõ rệt khi thị trường đánh mất động lực mua. Giá đã giảm gần 11% chỉ sau hai tháng.
Trong mội vài phiên sắp tới, sự vắng bóng của các tin tức kinh tế có khả năng tác động mạnh, thị trường kim loại quý có thể vẫn sẽ đi ngang. Một kịch bản bứt phá trong ngắn hạn đối với thị trường Bạc và Bạch kim là khi thị trường chứng khoán Mỹ có một đợt giảm điều chỉnh mạnh, giá cả hai mặt hàng kim loai quý có thể sẽ tăng mạnh.
Xét từ góc nhìn kỹ thuật, giá Bạc vẫn nằm trong xu thế đi ngang và được hỗ trợ bởi đường EMA 200 và đường trendline. Trong phiên hôm nay, giá có thể test lại mức hỗ trợ 25.7 USD/ounce.
Đối với thị trường Bạch kim, đường EMA 200 bị xuyên thủng vào phiên 16/6 đang là một đường cản rất mạnh. Tuần qua, giá đã test đường cản này tương với mức 1100 USD/ounce 4 lần và đều thất bại. Trong những phiên sắp tới, giá vẫn sẽ dao động với biên độ 1040 – 1100 USD/ounce.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong năm 2021 liệu có tăng mạnh như dự báo?
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp ngày hôm qua khi những bất ổn trên thị trường tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá WTI giảm 1.59% xuống 72.2 USD/thùng, giá Brent giảm 1.48% xuống 73.43 USD/thùng.
Giá dầu giảm sâu khi đã chạm mức 74 USD/thùng, thúc đẩy tâm lý chốt lời trong bối cảnh cuộc thị trường rơi vào nhiều bất ổn khi cuộc họp OPEC+ vẫn chưa bắt đầu trở lại. Như vậy, cả 2 cơ quan lớn đều đã đưa ra nhận định tích cực về thị trường năng lượng: EIA dự báo nhu cầu năng lượng cuối năm tăng gần 4 triệu thùng/ngày so với 6 tháng đầu năm, OPEC tuyên bố nhu cầu cuối năm tăng thêm 5 triệu thùng/ngày, với tăng trưởng từ Mỹ thúc đẩy toàn thị trường, bù đắp cho các nước vẫn đang chịu tác động từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhìn từ số liệu thực tế hiện giờ, nhu cầu đi lại tại Mỹ vẫn chưa có tiến triển quá nhiều.
Số chuyến bay tại Mỹ giảm từ đỉnh ngày 20/6, cùng với thời điểm biến thể Delta của vi-rút COVID-19 ảnh hưởng nặng nề lên thế giới. Di chuyển bằng máy bay có khả năng lây nhiễm cao hơn, do đó đây không phải là lựa chọn lý tưởng trong thời điểm hiện tại.
Số chuyến đi trong phạm vi 1-25 dặm (quãng đường phổ biến nhất của những người tham gia giao thông Mỹ) không thực sự thay đổi nhiều từ cuối tháng 4, bất chấp thực tế là một loạt các biện pháp hạn chế di chuyển đã được dỡ bỏ, cũng như nước Mỹ trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong khi đó, theo chuyên gia tại Bloomberg Intelligence Commodity, công sất dự phòng của nhóm OPEC+ hiện ở mức cao nhất lịch sử khoảng 9 triệu thùng/ngày, do đó nếu các nước này dễ dàng tăng thêm sản lượng nếu muốn, đặc biệt khi xung đột trong các cuộc đàm phán gần đây đang tạo ra nguy cơ tan rã nhóm.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại mức 71.4 USD/thùng và có khả năng tiến tới vùng 72 USD/tối nay nếu báo cáo Dầu khí tuần của EIA xác nhận lại thông tin từ báo cáo của API.
Tuy nhiên với tình hình thị trường bất ổn như hiện tại, không loại trừ khả năng tuần này sẽ có lúc giá giảm xuống 70 USD/thùng nếu OPEC+ không nối lại đàm phán.