Kỳ vọng về nguồn cung nới lỏng trong báo cáo Cung - cầu tháng 9 sẽ tạo áp lực lớn đối với giá ngô
Giá ngô mở cửa sáng nay đang hồi phục nhẹ trở lại và tiếp tục duy trì ở ngay trên vùng hỗ trợ 500. Trong 2 phiên giao dịch gần nhất, giá ngô đóng cửa chỉ thay đổi không đáng kể. Điều này cho thấy giới đầu tư đang ở trong tâm lí thận trọng trước những biến động bất ngờ khi báo cáo Cung – cầu tháng 9 được công bố vào 23h tối nay.
Nguồn cung sẽ là yếu tố được quan tâm hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Lượng mưa xuất hiện khá muộn vào giữa tháng 8 nhưng vẫn góp phần cải thiện chất lượng ngô cũng với nhiệt độ ôn hoà hơn đã giúp tăng triển vọng năng suất. Bên cạnh đó, chuyến khảo sát thực tế của tạp chí ProFarmer cũng cung cấp cho thị trường góc nhìn thực tế về vụ mùa không quá tiêu cực như ước tính của USDA trong báo cáo tháng 8.
Khánh Linh
 
Lực bán kỹ thuật có thể tiếp tục khiến giá cà phê giảm
Kết thúc phiên 9/9, hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên giảm 1.45% còn 187.5 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 1.35% còn 2050 USD/tấn.
Sau hai tuần tăng giá, áp lực chốt lời lớn ở hai phiên gần đây khiến cho giá của cả hai mặt hàng cà phê đều giảm. Giá Roubsta, vốn dẫn dắt thị trường cà phê trong hai tuần gần đây, liên tục giảm, cũng khiến cho giá Arabica đối mặt với áp lực bán mạnh hơn.
Các nhà đầu tư cũng đã bão hòa trước các tin tức lo ngại về nguồn cung ở Việt Nam và Brazil. Bên cạnh đó, số liệu khả quan từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) đã xóa tan những lo ngại về nguồn cung cà phê trên toàn cầu.
Thặng dư cà phê trên toàn cầu tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn cản trở nhà hàng và các quán cà phê hoạt động trở lại, do đó, nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả hai mặt hàng cà phê sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
Đồng thời, không thể loại trừ khả năng giá cà phê đang bị giới đầu cơ đẩy lên khá cao, và nếu các số liệu sản xuất của Brazil cũng như Việt Nam không tiêu cực như các dự đoán trước đây, giá cà phê có thể trải qua một đợt điều chỉnh mạnh.
Tiên Phạm
 
Giá đồng bứt sẽ tăng mạnh nhờ lực mua kỹ thuật
Kết thúc phiên 9/9, các mặt hàng kim loại phân hóa mạnh mẽ. Giá bạc tăng 0.5% lên 24.18 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0.16% còn 974.5 USD/ounce.
Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp của tuần này tiếp tục giảm còn 310,000 đơn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020. Trái với kỳ vọng trước đó, đồng USD quay đầu giảm mạnh sau khi có tin tức. Chỉ số Dollar Index giảm còn 92.48 điểm và hỗ trợ cho giá bạc hồi phục. Giá bạch kim không hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng bạc xanh bởi Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới công bố cân bằng cung cầu bạch kim trên toàn thế giới sẽ ở mức thặng dư do nhu cầu đầu tư của kim loại này giảm mạnh.
Hiện biến thể Delta vẫn là mối lo ngại lớn nhất đối với cả những nhà hoạch định chính sách và những nhà đầu tư. Tuy nhiên, các số liệu việc làm gần đây đã bắt đầu phục hồi tốt hơn, đây có thể là tín hiệu báo trước cho việc thị trường lao động sẽ hồi phục tốt trong tháng 9. Do đó, trong cuộc họp cuối tháng này, FED có thể sẽ chưa có sự thay đổi chính sách tiền tệ nào, đồng USD vì thế sẽ suy yếu và hỗ trợ cho đà tăng của các mặt hàng kim loại.
Ngân Hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tuyên bố sẽ giảm các chương trình mua trái phiếu từ quý 4 của năm nay. Vì thế, rất có thể FED sẽ sớm có tuyên bố thắt chặt, và thời điểm chính sách mới có hiệu lực sẽ bắt đầu vào năm 2022. Thị trường kim loại quý có thể sẽ không quay trở lại được đỉnh cũ của năm nay.
Tiên Phạm
 
Thị trường dầu hướng đến tuần đóng cửa giảm sau 14 ngày biến động cùng Ida
Giá dầu quay đầu giảm ngày hôm qua sau áp lực nguồn cung gia tăng do Trung Quốc . Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.67% xuống 68.14 USD/thùng, giá Brent giảm 1.58% xuống 71.45 USD/thùng.
Suốt 2 tuần qua, mặc dù giá dầu trải qua nhiều phiên giao dịch biến động, với các nhịp tăng giảm trong phiên lên đến hơn 2%, tuy nhiên về tổng thể, giá WTI đã bước vào xu hướng đi ngang lần đầu tiên kể từ tháng 5, với khoảng giao dịch 67.3 - 69.8. Một trong những tác nhân chính dẫn đến xu hướng này chính là cơn bão Ida.
Ít có cơn bão nào tạo ra nhiều ảnh hưởng trái chiều đến thị trường dầu như Ida: Ngay trước khi tiến vào bờ, Ida nhanh chóng mạnh dần trở thành cơn bão cấp 4, gây ra nhiều lo ngại cơn bão lần này sẽ trở thành Katrina thứ 2 và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực dọc vùng Vịnh, khiến cho nhu cầu của các nhà máy lọc dầu và dân cư giảm mạnh hơn sản lượng phục hồi tại các giàn khoan trên biển và gây áp lực lên giá. Thực tế, mặc dù bão nhanh chóng suy yếu và gây ra ít thiệt hại hơn hẳn Katrina, tuy nhiên đường đi của bão lại tập trung chủ yếu vào các nhà máy điện lực, và cơ sở hỗ trợ cho ngành dầu khí, khiến việc đánh giá tác động của bão gặp khó khăn.
Hồng Hoa