Thời tiết vẫn đang là yếu tố rủi ro đối với mùa vụ ở Mỹ và giúp giá ngô vẫn sẽ duy trì trong khoảng đi ngang
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh nhưng đà tăng đang bị chặn lại ở vùng kháng cự 770. Đây là kháng cự đã liên tục đẩy giá ngô đi xuống trong 4 tuần vừa qua. Tuy nhiên, với diễn biến lực mua vẫn đang áp đảo trong phiên sáng nay khi giá vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều, cùng với các yếu tố cơ bản vẫn đang thiên về tác động “bullish” thì giá ngô có khả năng sẽ vượt lên vùng 770 trong vài phiên tới.
Sau 2 báo cáo Cung – cầu quan trọng trong tháng 4 đã được công bố vào tuần vừa rồi, mối quan tâm của thị trường sẽ quay trở lại với mùa vụ của Mỹ. Đây cũng chính là yếu tố giúp giá ngô sẽ khó có thể điều chỉnh sâu, bởi ngay sau những số liệu “bearish” trong báo cáo vừa qua, giá vẫn duy trì được vùng đi ngang. Xuất khẩu của Ukraine đã giảm 4.5 triệu tấn so với một tháng trước xuống còn 23 triệu tấn nhưng vẫn duy trì xuất khẩu của Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi cho thị trường và kì vọng vào mức điều chỉnh trong thời gian tới, khi mà cuộc chiến ở Biển Đen vẫn đang kéo dài và triển vọng mùa vụ ngô thứ 2 ở Brazil cũng đang phải chịu rủi ro về thời tiết bất lợi. Hạn hán đến sớm hơn trong năm nay có thể sẽ xoá đi những tác động tích cực từ lượng mưa xuất hiện đầu giai đoạn gieo trồng và khiến cho sản lượng không được như kì vọng.
Quay trở lại với mùa vụ tiếp theo ở Mỹ, nông dân đang bắt đầu hoạt động gieo trồng. Thời tiết ở Midwest sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với giá. Thông thường, các loại cây trồng ở Mỹ được trồng trong giai đoạn này sẽ nhận được độ ẩm trong đất nhờ có băng tuyết tan chảy. Tuy nhiên, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), lớp băng tuyết năm nay đang ở dưới mức bình thường và đưa ra dự báo kém khả quan về nguồn cung cấp nước. Đây sẽ là yếu tố “bullish” tiềm ẩn và quyết định xu hướng giá ngô trong giai đoạn tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá Robusta có thể tiếp tục giằng co ở dưới mức kháng cự 2100 USD nếu thị trường không đón nhận thông tin hỗ trợ mới
Đóng cửa tuần vừa qua, thị trường cà phê chứng kiến sự phân hoá rõ rệt trên bảng giá của các mặt hàng. Cụ thể, hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1.4% lên mức 231.6 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 2.2% về mức 2091 USD/tấn.
Việc đồng nội tệ Reals của Brazil giảm 3 phiên liên tiếp đã khiến cho giá Arabica giảm mạnh trong tuần, tuy nhiên lực mua bắt đáy của các quỹ đầu tư đã giúp mặt hàng này quay trở lại đà tăng.
Ngoài ra xét về nguồn cung, tồn kho Arabica trên Sở ICE đã ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp về mức 1.07 triệu bao. Trong khi đó tại Brazil, mặc dù đang bước vào niên vụ được mùa, chính phủ nước này dự báo sản lượng cà phê năm nay của họ sẽ đạt 56.1 triệu bao, thấp hơn nhiều so với mức sản lượng của 2 mùa tương tự trong năm 2020 và 2018. Như vậy, những lo ngại về nguồn cung đang là yếu tố hỗ trợ cứng giúp giá neo ở mức cao như hiện nay.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang chuẩn bị bước vào vùng quá mua, đà tăng của giá có dấu hiệu suy yếu sau khi vượt ngưỡng kháng cự 232 cents. Giá trong phiên hôm nay có khả năng dao động trong khoảng từ 230 cents đến 235 cents.
Đối với mặt hàng Robusta, nguồn cung đón nhận triển vọng tích cực hơn do xuất khẩu cà phê trong tháng 3 của Việt Nam đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó giúp xuất khẩu quý 1/2022 tăng 28% so với tốc độ xuất khẩu của quý 1 năm ngoái. Tuy nhiên, do nước ta đã xuất khẩu phần lớn cà phê thu hoạch được nên hoạt động bán hàng trong giai đoạn tới sẽ chững lại do người nông dân chờ giá tăng cao.
Chỉ số RSI của giá đang hướng lên vùng 50, giá trong hôm nay có khả năng hồi phục ở đầu phiên và bị cản ở mức kháng cự 2100 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Áp lực dịch bệnh và lạm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép đối với thị trường đồng
Thị trường đồng kết thúc tuần giao dịch vừa qua trong sắc xanh, với mức giá đóng cửa tăng nhẹ lên 4.72 USD/pound. Tuy nhiên, đây là tuần thứ ba liên tiếp giá đi ngang trong khu vực 4.65 – 4.8 USD.
Sự giằng co của giá đồng xuất phát từ việc thị trường thiếu vắng một chất xúc tác đủ mạnh khiến cho giá bứt phá.
Giá đồng vẫn đang neo ở mức cao và chỉ cách đỉnh cao nhất mọi thời đại chưa tới 10% bởi nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chỉ số lạm phát được công bố vào sáng nay cho thấy nền kinh tế thứ hai toàn cầu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ, cùng với những căng thẳng ở khu vực Biển Đen đã khiến cho chi phí sản xuất và cả chí tiêu dùng gia tăng. Chỉ số giá sản xuất PPI tăng 8.3 %, và chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1.5% so với cùng kỳ năm trước. Khác với những nền kinh tế lớn như Anh hay Mỹ, áp lực lạm phát này sẽ không khiến cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thắt chặt các chính sách tiền tệ, thay vào đó, cơ quan này có thể sẽ cân nhắc tới các biện pháp nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện số ca nhiễm ở Trung Quốc đã lên tới gần 26,000 ca, với khoảng hơn 23,000 ca ở Thượng Hải. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đang có nguy cơ bùng phát ở thành phố Quảng Châu, nơi có dân số khoảng 18 triệu người. Với mật độ dân số đông như của Trung Quốc, các nhà chức trách sẽ còn phải tiếp tục duy trì các chính sách kiểm soát dịch gắt gao nếu muốn đạt được mục tiêu “Không Covid”.
Một yếu tố khác cũng đang gây sức ép lên thị trường đồng là sự sụt giảm sản lượng xe điện. Hai nhà sản xuất lớn là Tesla và Nio hiện đang phải cắt giảm công suất, thậm chí ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bênh.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng đã rớt khỏi đường hỗ trợ trendline và cả hai đường EMA 34,89 trên khung H4. Chỉ số RSI cũng cho thấy áp lực bán đang mạnh hơn. Nhiều khả năng, giá sẽ test lại biên dưới của khu vực đi ngang, tương đương với mức 4.65 USD. Các nhà đầu tư có thể canh bán ở mức 4.7 - 4.65 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Thị trường dầu có thể bước vào xu hướng giảm nếu không nhận được các tin tức hỗ trợ mới
Giá dầu tiếp tục suy yếu trong tuần kết thúc ngày 08/04, với dầu thô WTI giảm 1.02% xuống 98.26 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1.54% xuống 102.78 USD/thùng.
Thị trường bắt đầu “định giá” trở lại yếu tố nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm do tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Tương tự như giai đoạn tháng 08/2021, khi Trung Quốc mạnh tay áp dụng các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch, kết hợp với thay đổi trong chính sách kinh tế, kiểm soát nợ và chuyển dịch trọng tâm trong chính sách kinh tế đã gây áp lực lớn đến triển vọng tăng trường của nước này. Thời điểm đó, chỉ số sản xuất lẫn doanh số bán lẻ suy yếu tại Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho giá dầu rơi vào chuỗi giảm 7 phiên liên tiếp. Hiện tại, với một loạt các thành phố lớn đang bị đặt dưới các lệnh hạn chế, mới nhất là Quảng Châu với 18 triệu dân đang tiến hành xét nghiệm toàn bộ 18 triệu dân, trong khi Thượng Hải vẫn chưa công bố khi nào kết thúc phong tỏa, giá dầu đang chịu áp lực lớn. Đặc biệt, khi các dữ liệu kinh tế sáng nay của Trung Quốc cũng được đánh giá là tiêu cực hơn so với kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI, biểu thị lạm phát đầu ra tăng 1.5% trong tháng 3, cao hơn so với kỳ vọng 1.2% trong khi Chỉ số giá Sản xuất PPI, đại diện chỉ lạm phát đầu vào tăng 8.3%, lớn hơn so với kỳ vọng 7.9%, bất chấp Trung Quốc chỉ mới thắt chặt các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng trước, cho thấy áp lực lạm phát hiện tại là rất lớn. Đặc biệt, khi các thành phố cảng phía Đông, đầu tầu sản xuất lẫn tài chính của nước này hiện mới đang là “điểm nóng’ trong đợt dịch năm nay. Khả năng cao, với các chỉ số tiếp theo về tài trợ vốn, cung tiền của Trung Quốc được công bố trong ngày mai, tiếp tục không cho thấy sự nới lỏng chính sách của chính phủ, sẽ là yếu tố khiến giá chính thức bước vào đà giảm, sau khi giằng co trong khoảng giao dịch tuần trước.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 05/2022 đã phá vỡ hỗ trợ tại vùng 97 USD/thùng, và đang test hỗ trợ vùng 95.5. Nếu hỗ trợ bị phá vỡ, giá có thể thiết lập xu hướng giảm và đi xuống vùng 93 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV