Báo cáo Cung - cầu nông sản tháng 10 được công bố tối nay sẽ tác động “bearish" đến giá ngô
Trong báo cáo Cung – cầu tháng tháng trước, USDA đã tăng nhẹ ước tính năng suất ngô lên mức 176.3 giạ/mẫu. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, số liệu này sẽ không bị điều chỉnh trong hôm nay hoặc nếu có thì sẽ là thay đổi nhỏ và không có quá nhiều tác động lên giá. Áp lực lên giá ngô sẽ đến từ việc mức tồn kho ở Mỹ cuối niên vụ 21/22 tăng lên, ngay cả trong trường hợp năng suất cây trồng có thể giảm nhẹ.
Tồn kho ngô cuối niên vụ 20/21 đã tăng 49 triệu giạ trong báo cáo cuối tháng 9. Trong khi đó, các số liệu về nhu cầu lại khó có thể tăng. Đàn gia súc của Mỹ trong báo cáo Cung - cầu tháng 9 đã giảm nhẹ so với năm ngoái nên tiêu thụ ngô trong sản xuất TĂCN sẽ không thể tăng lên.
Xuất khẩu ngô của Mỹ sang Trung Quốc cũng giảm dần trong tháng 7 và tháng 8. Mới gần đây cơn bão Ida gây ra hư hỏng và thiệt hại tại các cảng xuất khẩu càng gây cản trở cho hoạt động giao hàng ở Mỹ. Lượng ngô bán ra hàng tuần của Mỹ từ đầu năm đến nay thấp hơn 32% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Khánh Linh
 
Diễn biến trái chiều có thể tiếp tục duy trì ở thị trường cà phê trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai mặt hàng cà phê đi ngược chiều nhau. Trong khi giá Arabica tiếp tục tăng 1.4% lên 204 cents/pound, giá Robusta giảm về 2099 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên 53.4% chiết khấu cho giá Robusta.
Những lo ngại về nguồn cung Arabica vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi khi mà các nhà xuất khẩu cà phê ở Colombia, nhà sản xuất Arabica lớn thứ 2 thế giới, không có đủ hàng để giao. Việc giá cà phê trên thị trường hợp đồng tương lai liên tục tăng mạnh, làm cho nông dân trồng cà phê giữ lại hàng để đẩy giá lên cao hơn. Mức tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US giảm gần 30,000 bao còn 1.916 triệu bao cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica tăng mạnh hơn.
Rất nhiều thương nhân, các nhà xuất khẩu không chỉ bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt hàng để giao cho người mua, mà họ còn chịu lỗ bởi những vị thế bán trên Sở ICE US. Không chỉ những nhà sản xuất, những công ty xuất khẩu và kinh doanh cà phê thường mở các vị thế bán trên thị trường hợp đồng tương lai như một hình thức bảo hiểm rủi ro nếu giá cà phê giảm mạnh.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể tăng mạnh trong trung hạn nhờ những lo ngại về nguồn cung thắt chặt và lạm phát
Kết thúc phiên 11/10, giá đồng đóng cửa trong sắc xanh phiên thứ 3 liên tiếp với mức tăng 2.1% lên 4.36 USD/pound mức cao nhất trong 3 tuần.
Trong hai tuần gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Châu Âu và Trung Quốc đã gây sức ép lên giá đồng, bởi các nhà máy buộc phải ngừng sản xuất để tiết kiệm điện. Ở Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt than đang đẩy quốc gia này vào nguy cơ đối mặt với việc thiếu điện trong mùa đông năm nay. Bên cạnh đó, trận lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Sơn Tây khiến cho gần 2 triệu người phải di tản, và làm cho 60 mỏ than phải đóng cửa, càng làm trầm trọng hơn nỗi lo thiếu điện của người dân Trung Quốc.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ đồng được dự đoán sẽ giảm trong 3 tháng tới, tuy nhiên, triển vọng dài hạn của đồng vẫn còn rất sáng sủa, bởi cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ khiến các nước đẩy manh phát triển các nguồn năng lượng xanh. Đồng thời, giá các mặt hàng năng lượng đang tăng vọt cũng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ lạm phát lan rộng trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các quỹ đầu tư sẽ có xu hướng phân bổ tiền mặt vào các thị trường, và một trong số thị trường được hưởng lợi nhiều nhất, sẽ là thị trường hàng hóa.
Tiên Phạm
 
Giá dầu khả năng sẽ giảm điều chỉnh do áp lực chốt lời, tuy nhiên các yếu tố cơ bản vẫn vững mạnh
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua khi sức ép nguồn cung tiếp tục. Kết thúc phiên hôm qua, giá WTI tăng 1.47% lên 80.52 USD/thùng, giá Brent tăng 1.53% lên 83.65 USD/thùng.
Đã vài tháng kể từ lần đầu Nhà Trắng kêu gọi OPEC và đồng minh gia tăng sản lượng, thế nhưng nhóm vẫn không có động thái gì cho thấy đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này, bất chấp công suất dự phòng của 13 thành viên chính đang duy trì trên mức cao 6 triệu thùng/ngày, theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA. Thường những giai đoạn giá cao 80-100 USD/thùng trong năm 2010-2014 công suất dự phòng chỉ duy trì ở ngưỡng thấp xung quanh 2 triệu thùng/ngày, do OPEC nhanh chóng điều chỉnh sản lượng để ổn định giá.
Do đó, về mặt lý thuyết, OPEC hoàn toàn có thể bơm thêm 4 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ không có nhiều công cụ để tăng sức ép cho nhóm: Sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông yếu dần sau khi nước này rút quân khỏi Afghanistan. Trước kia, quân đội Mỹ duy trì khoảng 60,000-80,000 nhân sự xung quanh vùng Vịnh Persian để bảo vệ cho các nước đồng minh.
Hồng Hoa 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV