Giá lúa mì sẽ khó tăng mạnh bất chấp dự đoán tồn kho giảm xuống trong báo cáo Cung - cầu tháng 10

Mở cửa phiên đầu tuần, lúa mì vẫn chỉ giằng co quanh mức mở cửa với tâm lí chờ đợi báo cáo quan trọng. Lúa mì vẫn đang duy trì đà giảm kể từ sau khi chạm mức kháng cự ở vùng 760 quanh mức đỉnh cũ trước đó.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, khả năng lúa mì trở lại mức đỉnh này là khá thấp, và nếu giá tăng trở lại trong tuần này thì cũng sẽ tạo đỉnh thấp hơn, nhịp tăng ngắn và bước vào xu hướng giảm trong dài hạn. Các yếu tố hỗ trợ giá trong dài hạn đã không còn đủ mạnh để đẩy lúa mì tăng lên mà chỉ giúp giữ cho giá lúa mì duy trì ở mức cao trên mức 700. Trong báo cáo Cung – cầu được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tối mai, thị trường đang kỳ vọng mức tồn kho lúa mì niên vụ sẽ tiếp tục giảm xuống so với báo cáo tháng trước.

Tuy nhiên, với thực tế diễn ra từ 2 báo cáo quan trọng trong tháng 9, số liệu mang tác động “bullish” không có nghĩa là giá sẽ biến động với xu hướng tương tự sau đó.

Khánh Linh
 
Giá cả hai mặt hàng cà phê có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay
Hai mặt hàng cà phê là những mặt hàng duy nhất đóng cửa với sắc đỏ khi kết thúc tuần vừa qua. Giá Arabica giảm 1.3% còn 201.35 cent/pound, giá Robusta đóng cửa với mức giảm hơn 2% còn 2117 USD/tấn.
Lực mua đã yếu dần ở cả hai thị trường cà phê, tuy nhiên, giá Arabica được hỗ trợ tốt hơn, do những nỗi lo về nguồn cung vẫn còn tồn tại trên thị trường, thể hiện bằng mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US liên tục giảm mạnh trong vòng 2 tuần. Mức ổn định 2.17 triệu bao được duy trì từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, đã giảm mạnh xuống dưới 2 triệu bao, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm nay.
Báo cáo cam kết thương nhân (COT) cũng cho thấy, số lượng vị thế mua ròng của các quỹ đầu tư lớn cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng của thị trường cà phê Arabica.
Về mặt kỹ thuật, nến cuối phiên hôm trước cho thấy giá đang có dấu hiệu quay đầu giảm sau khi chạm mức 200 cents/pound. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng tin tức hỗ trợ cho giá, mức 200 cents cũng là một mức định giá có phần cao đối với giá Arabica.
Tiên Phạm
 
Lực mua kỹ thuật có thể hỗ trợ cho đà tăng của giá bạch kim và giá đồng
Kết thúc tuần vừa qua, giá bạc tăng nhẹ 0.8% lên 22.7 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh gần 6% lên 1028 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Đáng chú ý, mức tăng trong tuần vừa qua có thể đưa giá bạch kim quay trở lại xu hướng tăng.
Trong thời gian gần đây, giá cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu tác động rất mạnh bởi các tin tức xoay quanh diễn biến của đồng USD, đặc biệt là số liệu việc làm. Vì thế, ngay khi số liệu Bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 9 thấp hơn đáng kể so với dự báo và giảm so với kỳ trước, giá của cả bạc và bạch kim đã bật tăng trở lại.
Giá đồng cũng đóng cửa tuần với mức tăng 2% lên 4.27 USD/pound. Cả hai mặt hàng có tính ứng dụng cao trong các ngành năng lượng xanh như đồng và bạch kim đều đang có chuỗi ngày hồi phục tốt trong tuần vừa qua, bất chấp các số liệu tiêu cực của Trung Quốc. Hoạt động của các nhà máy bị cắt giảm làm ảnh hưởng đến cả nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của hai kim loại này, nhưng các ngành công nghiệp năng lượng xanh vẫn đang rất phát triển, đặc biệt trong bối cảnh giá của các mặt hàng năng lượng đang tăng chóng mặt.
Tiên Phạm
 
Giảm đầu tư sẽ khiến cho nguồn cung thắt chặt, có thể khiến cho tình trạng thiếu năng lượng kéo dài đến năm sau
Kết thúc tuần, giá WTI tăng mạnh 4.57% lên 79.35 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 3.92% lên 82.39 USD/thùng khi thị trường kỳ vọng nguồn cung tiếp tục thắt chặt. Điều này sẽ khiến cho nhiều quốc gia phải xem xét lại mục tiêu trung hoà khí thải cac-bon của mình.
Rõ ràng nhất là động thái của Trung Quốc, khi nước này yêu cầu các mỏ than gia tăng sản lượng, bất chấp các nỗ lực từ nhiều năm nay để giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Mỹ cũng có thể sẽ yêu cầu các nhà cung cấp tăng sản lượng dầu, bất chấp các nỗ lực của Tổng thống Joe Biden để hướng nước Mỹ đến năng lượng “xanh”.
Một vấn đề đã được chỉ ra từ lâu, đó chính là năng lượng sạch chưa thể tạo ra nguồn cung ổn định, cũng như không đem lại tính linh hoạt nhiều như các năng lượng truyền thống. Công suất của các nhà máy gió hay tấm pin năng lượng mặt trời đều phụ thuộc vào tình hình thời tiết, trong khi khả năng dự trữ điện hiện nay cũng rất hạn chế.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông, khi nhu cầu sử dụng đạt đỉnh với các máy sưởi hoạt động hết công suất. Điểm yếu này thể hiện đặc biệt rõ trong năm nay, khi thiếu hụt đầu tư để phục hồi sản lượng.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV