Đà tăng của ngô có khả năng sẽ được duy trì trước những lo ngại về triển vọng mùa vụ của Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/04, giá ngô tiếp tục đà tăng sau khi vượt hẳn lên trên vùng đi ngang trong suốt một tháng qua. Hiện tại, giá đang tạo vùng đỉnh mới và với tác động từ lo ngại đối với nguồn cung toàn cầu hiện nay thì, đà tăng của ngô có khả năng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Rõ ràng mối quan tâm của thị trường trong giai đoạn này vẫn đang hướng về Mỹ. Theo hãng tin DTN, giá phân bón bán lẻ tiếp tục tăng mạnh trong tuần vừa qua. Các loại phân bón đều tăng từ 50% - 120% so với cùng kì năm ngoái và thậm chí một số còn đạt mức cao kỉ lục, kéo theo chi phí sản xuất cho mặt hàng phụ thuộc nhiều vào chất dinh dưỡng này cũng tăng lên. Chính vì thế, khả năng nông dân Mỹ xem xét lại và gieo trồng nhiều ngô hơn so với số liệu mà USDA đưa ra trong báo cáo Prospective Plantings vừa qua là rất thấp. Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang với dự đoán sẽ kéo dài hơn dự kiến sẽ càng khiến cho nguồn cung phân bón toàn cầu vẫn sẽ thắt chặt. Triển vọng giá phân bón sẽ khó có thể quay đầu suy yếu nếu chiến tranh tiếp diễn sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá ngô trong trung hạn.
Bên cạnh đó, thời tiết ở Trung Tây trong giai đoạn tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Phần lớn khu vực gieo trồng vẫn sẽ mát mẻ với lượng mưa nhỏ trong tuần tới. Trung bình trong 5 năm qua, khoảng 5% ngô Mỹ được trồng vào giữa tháng 4 và sẽ được đẩy mạnh lên mức 50% trong tuần đầu tiên của tháng 5. Hiện tại vẫn còn khá sớm và việc gieo trồng ngô vẫn chưa bước vào giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, nếu như nhiệt độ thấp vẫn duy trì thì cũng không phải là điều kiện lý tưởng để cây nảy mầm.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá ngô vừa tạo ra mô hình cờ tăng- Bullish flag, mô hình lá cờ hình chữ nhật trong xu hướng tăng. Đây là tín hiệu thị trường rằng giá có thể tiếp tục tăng so với thời điểm hiện tại.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá cà phê Arabica có thể tiếp tục suy yếu do người dân châu Âu phải thắt chặt chi tiêu
Thị trường cà phê ngày 13/04 tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ với giá Arabica trên Sở ICE US giảm mạnh 3.6% về mức 225 cents/pound, giá Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.3% về mức 2091 USD/tấn.
Hiện tại, sự quan tâm của thị trường đang tập trung vào diễn biến chiến tranh giữa Nga và Ukraine cùng những lo ngại về lạm phát. Theo giới truyền thông phương Tây, Nga đang tiếp tục đưa một lượng lớn xe tăng và pháo binh vào Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công. Điều này sẽ khiến cho giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, từ đó buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, trong đó cà phê sẽ là một trong những mặt hàng bị ảnh hưởng đầu tiên.
Tại Brazil, lạm phát tăng lên đã thúc đẩy người dân bán hàng trước lo ngại về việc đồng Reals mất giá. Trong khi đó, những chuyến hàng ban đầu đến Nga của họ đã được chuyển hướng đến các địa điểm khác, từ đó hỗ trợ giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn. Như vậy, giá Arabica có thể sẽ mất đi yếu tố hỗ trợ về nguồn cung và khó có thể duy trì đà phục hồi.
Hiện tại bang Parana của Brazil đã bắt đầu giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên các khu vực trồng Arabica chính của Brazil lại đang đón nhận lượng mưa thấp hơn mức trung bình. Kết hợp với thời tiết khô hạn do LaNina gây ra, sản lượng cà phê niên vụ 22/23 của Brazil có thể ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang hướng xuống dưới vùng 50. Đà giảm của giá suy yếu sau khi vượt qua ngưỡng hỗ trợ 225 cents. Do các quỹ đầu tư đã đồng loạt chốt lời trong phiên hôm qua, giá hôm nay có khả năng dao động trong khoảng từ 220 cents đến 225 cents.
Đối với mặt hàng Robusta, giá chịu áp lực bán mạnh sau khi đã vượt qua mức kháng cự tâm lý 2100 USD. Giá vẫn đang dao động ở khoảng dưới của dải Bollinger Bands, chỉ số RSI đang hướng về ngưỡng 40, giá trong phiên hôm nay có khả năng sẽ dao động quanh vùng 2090 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá bạch kim khôi phục đà tăng, giá đồng và quặng sắt chịu sức ép bán bất chấp các tin tức nới lỏng hạn chế của Trung Quốc
Kết thúc phiên hôm qua, giá đồng gần như không thay đổi nhiều so với mức tham chiếu của của phiên trước đó, vẫn ở mức 4.71 USD/pound.
Thị trường lại bước vào giai đoạn giằng co bởi các nhà đầu tư đang thận trọng trước các tin tức mới được công bố.
Về mặt tích cực, các nhà chức trách đã có động thái nới lỏng chính sách kiểm soát dịch gắt gao trên 8 tỉnh thành, mở đường cho các biện pháp khôi phục nền kinh tế, và tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng neo ở mức cao.
Cục Hải quan Trung Quốc mới đây cho biết nhập khẩu đồng chưa gia công trong tháng 3 là 504,009 tấn, giảm tháng thứ 3 liên tiếp và thấp hơn 9.5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, mức tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải cũng giảm về dưới 36,000 tấn. Các số liệu này ngoài việc phản ánh nguồn cung đồng ở Trung Quốc đang giảm, cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ ở nước này đang không tăng trưởng.
Hiện các chính sách của Bắc Kinh là một yếu tố dễ gây bất ngờ đối với thị trường, và tăng trưởng trong tiêu thụ đồng hiện chủ yếu phụ thuộc vào việc các nhà chức trách sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch nhanh hay chậm.
Ngoài ra, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng ở nội địa Trung Quốc và trên thế giới cũng sẽ gây sức ép lên giá đồng do nhu cầu xuất nhập khẩu giảm.
Về nguồn cung thế giới, hiện mức tồn kho trên Sở LME đã vượt mức 100,000 tấn, và đang cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, còn tồn kho trên Sở COMEX cũng có khả năng sẽ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm. Đây là những yếu tố kìm hãm đà tăng đối với giá đồng.
Lăng kính kỹ thuật cho thấy giá tiếp tục tích lũy trong khu vực 4.65 – 4.8 USD/pound. Chỉ số RSI vẫn trên mức 50 tuy nhiên có thể lực mua đã yếu đi, các nhà đầu tư nên đợi giá điều chỉnh về mức 4.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Thị trường dầu thô có thể điều chỉnh nhẹ trước khi có tín hiệu bứt phá để quay trở lại đà tăng
Giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua khi nguy cơ căng thẳng địa chính trị leo thang. Kết thúc giao dịch, giá dầu WTI tăng 3.63% lên 104.25 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 3.96% lên 108.78 USD/thùng.
Bất chấp 2 phiên tăng gần đây, khó có thể thị trường dầu đã quay trở lại đà tăng vững chắc. Thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, và các dự báo về cung – cầu hiện tại chưa đưa ra một giả định hay dự đoán nào quá chắc chắn, mà luôn dừng lại với nhận định các dự báo này phụ thuộc nhiều vào các thay đổi trên thị trường.
Theo các tin tức mới, các nhà giao dịch ở châu Âu có thể sẽ giảm lượng lớn dầu thu mua từ Nga trong tháng 5, do lo sợ các lệnh cấm vận mới. Tuy vậy, phía Nga cũng đã có một thời gian tương đối dài để chuẩn bị cho các kịch bản này. Mới đây nhất, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố sẵn sàng bán dầu cho các quốc gia thân thiện với “bất kỳ mức giá nào”, thực chất là một tín hiệu cho biết Nga sẵn sàng tăng mức giá chiết khấu cho các khách hàng tiềm năng. Đây là một động thái tương tự như với trường hợp của Iran, nước này được cho là đã liên tục bán chiết khấu dầu cho Trung Quốc kể từ năm 2018, khi chịu cấm vận của Mỹ. Thực tế, với chi phí sản xuất dầu chỉ ở mức khoảng 40-45 USD/thùng theo ước tính của IHS Markit, với vùng giá 100 USD/thùng hiện tại Nga hoàn toàn có thể tăng mức chiết khấu thêm để kích thích bán hàng, đặc biệt với năng lực lưu trữ dầu tương đối hạn chế. Nếu bị buộc phải cắt giảm sản lượng, ngành dầu khí Nga sẽ mất nhiều năm để phục hồi, đặc biệt khi đã bị cấm tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Mỹ và châu Âu.
Dầu đã gặp áp lực trở lại trong phiên hôm nay, với thông tin mới nhất rằng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm trong tháng 3, cho thấy áp lực của việc đóng cửa các cảng biển và thành phố lớn đến nền kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tích cực với MACD có dấu hiệu cắt lên Signal trong khi RSI hướng lên trên. Tuy vậy, lực mua không mạnh và giá có thể cần nhịp điều chỉnh. Giá WTI đang gặp áp lực tại vùng 103 USD/thùng và nếu rơi khỏi hỗ trợ này, giá có thể đi xuống dưới vùng 101 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV