Giá ngô có thể sẽ hướng trở lại vào trong khoảng đi ngang do sức ép từ việc bãi bỏ quy định pha trộn ethanol
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/04, giá ngô đang suy yếu trở lại sau khi chạm mức kháng cự 780 trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, những triển vọng tích cực hơn về nguồn cung trong niên vụ tiếp theo cũng là yếu tố lý giải cho sắc đỏ sáng nay của ngô.
Theo USDA chi nhánh Brail, diện tích ngô niên vụ 22/23 dự kiến sẽ tăng 1 triệu ha, lên mức 22.5 triệu ha. Sản lượng sẽ ở mức 118 triệu tấn, tăng 3% so với ước tính trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Việc mở rộng diện tích trồng ngô sẽ chủ yếu nhờ vào lợi nhuận ngày càng tăng của cây trồng, khi giá cả trong nước và toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng, lập lại mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, mùa vụ này cũng đứng trước rủi ro về sự thiếu hụt phân bón khi chiến tranh ở Biển Đen vẫn tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, Brazil lại là nước nhập khẩu phần lớn phân bón từ Nga và Belarus. Với quy mô và sự đa dạng về địa lý của Brazil, trong kịch bản nguồn cung phân bón thiếu hụt, tác động đến năng suất cây trồng sẽ không đồng đều. Chính vì thế nên triển vọng nguồn cung của Brazil trong niên vụ tới vẫn chưa phải là yếu tố tác động quá rõ ràng đến giá, bất chấp dự báo về mức sản lượng kỉ lục.
Còn đối với mùa vụ tại Mỹ, các trận mưa rào đang lan rộng tại vùng Trung Tây cùng với sự xuất hiện của hệ thống báo sắp tới sẽ tiếp tục cản trở quá trình gieo trồng của nông dân. Có khả năng, tiến độ mùa vụ ngô trong báo cáo sắp tới cũng sẽ không cải thiện đáng kể so với báo cáo trước.
Mới đây, Tổng thống Joe Biden đã thông báo về việc bãi bỏ các quy định về pha trộn ethanol để kiểm soát lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Điều này sẽ khiến cho triển vọng tiêu thụ ngô trong ngành công nghiệp này cũng sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, việc tồn kho ethanol có xu hướng tăng mạnh trong vài tuần vừa qua cũng cho thấy dấu hiệu sản lượng sẽ hạn chế hơn. Trong phiên hôm nay, nếu tồn kho ethanol tiếp tục tăng mạnh thì sẽ tạo áp lực lên giá ngô.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Lo ngại về lạm phát sẽ là yếu tố “bearish” tiềm ẩn đến giá cà phê trong ngắn và trung hạn
Thị trường cà phê ngày 12/04 đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 1.3% về mức 233.6 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giản 0.5% xuống còn 2098 USD/tấn. Chênh lệch giữa hai Sở đạt 41% chiết khấu cho giá chiết khấu cho giá Arabica.
Việc giá cà phê Arabica tăng cao trong thời gian vừa qua đã khiến các nhà sản xuất của Brazil giảm tỷ lệ pha trộn của mặt hàng này và thay bằng Robusta để giảm thiểu chi phí. Ngoài ra, theo hiệp hội mua bán cà phê Cecafe của Brazil, xuất khẩu cà phê nội địa trong tháng 3 đạt 3.6 triệu bao, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc đồng Reals hồi phục sẽ khiến cho người nông dân kỳ vọng bán được hàng ở mức giá cao trong tương lai, từ đó tiếp tục hạn chế hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Arabica của Brazil trong tháng 3 tăng nhẹ 0.7%, tồn kho mặt hàng này trên Sở ICE đồng thời tăng lên mức 1.08 triệu bao, từ đó cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang được nới lỏng. Kết hợp với những lo ngại về lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá cà phê Arabica khó có thể tìm thấy động lực để bứt phá.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang hướng về vùng 50. Kết hợp với nến đảo chiều của 2 phiên trước đó, giá có khả năng sẽ tiến về vùng hỗ trợ 230 cents.
Đối với mặt hàng Robusta, giá trong phiên hôm qua giằng co ở vùng kháng cự tâm lý 2100. Hiện tại, giá Robusta chủ yếu neo theo diễn biến của mặt hàng Arabica do thị trường đang chờ đợi số liệu liên quan đến nhu cầu tiêu thụ cà phê ở châu Âu và châu Á. Ngoài ra, do chỉ số RSI chưa bước vào vùng quá bán nên giá trong phiên hôm nay có khả năng sẽ giảm về mức 2080 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Các chính sách nới lỏng ở Trung Quốc và sức ép nguồn cung có thể hỗ trợ giá đồng test lại mức 4.8 USD
Kết thúc phiên giao dịch 12/4, giá đồng hồi phục 1.6% lấy lại mốc 4.7 USD/pound. Trước đó, nếu như tình hình dịch phức tạp của Trung Quốc khiến triển vọng tăng giá bị ảnh hưởng, thì việc các nhà chức trách nới lỏng các biện pháp chống dịch là yếu tố thu hút dòng tiền quay trở lại với thị trường đồng.
Chính quyền Thượng Hải đã tiến hành dỡ bỏ hạn chế đối với một số phân khu không có ca mắc mới, tuy nhiên, Bloomberg vẫn đưa tin rằng số khu vực dỡ bỏ trên thực tế ít hơn nhiều so với thông báo. Đây vẫn là tin tức rất tích cực đối với thị trường đồng, bởi việc Trung Quốc có thể kiểm soát dịch sẽ giúp nước này sớm bước sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Về phía nguồn cung, Trung Quốc đã sản xuất 848,500 tấn đồng tinh luyện trong tháng 3, tăng 8.42% so với tháng trước và giảm 5.79% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, sản lượng của các nhà máy luyện trong nước về cơ bản đáp ứng với kỳ vọng, bởi giá đồng hiện đang ở mức cao đủ để mang lại động lực sản xuất cho các nhà máy. Shanghai Metal News ước tính sản lượng tháng 4 đạt 827,700 tấn trong tháng 4, giảm 2.5% so với tháng trước, giảm 5.7% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều nhà máy ở Sơn Đông tiến hành bảo trì.
Hiện lượng tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn liên tục giảm về dưới 36,000 tấn và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại do một lượng đồng lớn vẫn đang bị kẹt tại các cảng. Triển vọng cải thiện trong nhu cầu tiêu thụ cộng với sức ép nhất định ở phía nguồn cung sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Về mặt kỹ thuật, giá đang tăng mạnh và vượt lên khỏi hai đường EMA 34 và 89. Các nhà đầu tư nên đợi giá điều chỉnh rồi mới mở vị thế mua. Giá đã quay trở lại khu vực đi ngang từ 4.65 – 4.8 USD. Các nhà đầu tư có thể canh mua ở mức 4.74 USD (Fibonacci 50) với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.8 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô vẫn còn động lực tăng khi nguồn cung chưa thực sự ổn định
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm qua, trước một số tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và khả năng căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng mạnh 6.69% lên 100.6 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 6.26% lên 104.64 USD/thùng.
Mặc dù báo cáo thị trường dầu ngày hôm qua của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA không gây tác động lớn đến diễn biến giá, tuy nhiên cũng cung cấp nhiều nhận định lẫn thông tin mới vefdieexn biến của thị trường.
Trước hết, sản lượng của các 10 thành viên tham gia thỏa thuận sản lượng thuộc OPEC trong tháng 3 chỉ tăng tương đối thấp 79,000 thùng/ngày so với hạn ngạch 253,000 thùng/ngày. Đây là mức tăng tương đối thấp, nếu so sánh với giai đoạn tháng 2, khi các nước này tăng sản lượng lên mức 270,000 thùng/ngày. Đáng chú ý, nếu như giai đoạn trước Saudi Arabia luôn là nước dẫn đầu với mức tăng sản lượng lớn trên 100,000 thùng/ngày, thì tháng trước nước này chỉ tăng khiêm tốn 54,000 thùng/ngày lên 10.262 triệu thùng/ngày. Có thể thấy, ngày càng nhiều thành viên OPEC gặp vấn đề trong việc tăng sản lượng, bất chấp trong tháng 3 vừa qua giá dầu đạt mức cao kỷ lục trong 14 năm. Như vậy, dù trong quý II/2022 nguồn cung có thể thặng dư nhẹ, tuy nhiên thị trường sẽ nhanh chóng quay trở lại trạng thái thiếu hụt trong nửa cuối năm nay. Trong trường hợp nguồn cung từ Nga gặp ảnh hưởng lớn hơn dự kiến, lượng thặng dư này có thể nhanh chóng biến mất chỉ trong thời gian ngắn. Đây cũng là nhận định chung của EIA trong báo cáo đêm qua. Giá dầu vẫn chưa đạt đến ngưỡng đủ cao để tạo động lực cho các nhà sản xuất tăng sản lượng, và giải quyết vấn đề mất cân bằng cung – cầu trong dài hạn.
Về mặt kỹ thuật, RSI vẫn đang ở vùng trung tính trong khi khoảng cách giữa MACD và RSI thu hẹp dần. Giá có thể sẽ tiếp tục đà tăng và vượt vùng 102 USD/thùng trong phiên hôm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV