Đà giảm của ngô có khả năng sẽ bị hạn chế trong phiên tối nay khi nhu cầu vẫn đang được duy trì
Mở cửa phiên giao dịch ngày 15/03, giá ngô đang tiếp tục đà suy yếu khi các thông tin về chiến sự ở Biển Đen đang dịu dần và tác động “bullish” không còn đủ mạnh để duy trì đà tăng của giá. Nhìn chung, trong thời gian tới, khi mùa vụ ở Nam Mỹ vẫn chưa có những biến chuyển đáng kể và những số liệu về triển vọng gieo trồng ở Mỹ vẫn chưa phải là yếu tố đáng chú ý thì giá ngô có khả năng vẫn sẽ duy trì trong khoảng đi ngang hiện tại.
Hiện tại, việc các nước đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ là yếu tố hỗ trợ giá khó có thể giảm sâu trong ngắn hạn. Do Ukraine chiếm khoảng 16% xuất khẩu ngô của toàn thế giới nên nguồn cung ở nước này bị gián đoạn do chiến tranh sẽ khiến cho ngô CBOT trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Mới đây, Tây Ban Nha, quốc gia nằm trong top những nước nhập khẩu ngô lớn đã thông báo rằng họ sẽ mua khẩn cấp ngô làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ Mỹ và Argentina để thay thế cho nguồn cung phụ thuộc trước đó từ Ukraine.
Khánh Linh
 
Lạm phát tăng cao liên tục gây sức ép lên giá Arabica, giá Robusta có khả năng kéo dài đà hồi phục
Kể từ đầu tuần cho đến nay, thị trường đã chứng kiến diễn biến trái chiều nhau của 2 mặt hàng cà phê. Trong khi giá Arabica trên Sở ICE US giảm 1.4% xuống còn 218.8 cents/pound thì giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU tăng 0.9% lên 2115 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica đã đóng cửa trong sắc đỏ 4 tuần liên tiếp và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Bên cạnh sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ do tình hình lạm phát và xung đột diễn ra hiện nay, mặt hàng Arabica còn đang phải đối mặt với những yếu tố mang tính “bearish” liên quan đến nguồn cung.
Cụ thể, tồn kho Arabica trên Sở ICE đã tăng 8 trong 10 phiên liên tiếp và hiện đang ở mức 1.04 triệu bao. Con số này đang duy trì ổn định đà hồi phục và góp phần xoa dịu những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, ở một số nước khu vực Nam Mỹ, tình trạng thời tiết khô hanh có thể khiến cà phê chín sớm hơn, từ đó cũng khiến giá Arabica chịu áp lực giảm trong trung và dài hạn. Ngoài ra, Trung Quốc vừa phong toả thành phố Thẩm Quyến với 17 triệu dân trong vòng 1 tuần để phòng dịch Covid-19.
Hà Linh
 
Tình hình dịch bệnh và các lệnh phong toả ở Trung Quốc sẽ gây áp lực lên giá đồng
Thị trường đồng tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần với mức giá đóng cửa thấp hơn 2.2% về 4.52 USD/pound.
Giá đồng đã liên tiếp giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh cao nhất mọi thời đại 5 USD/pound về lại vùng đi ngang 4.4 – 4.6 USD. Trong đợt tăng vừa qua, giá đồng được thúc đẩy nhờ những lo ngại về nguồn cung, tuy nhiên giá hiện không giữ được ở mức cao do triển vọng tiêu thụ không được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Vì thế, dù nguồn cung có ở trong tình trạng thấp, giá đồng cũng không được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi sẽ không khiến cho cán cân cung cầu trên toàn thế giới bị mất thăng bằng.
Hiện Trung Quốc vẫn là nhà tiêu thụ đồng số một thế giới, và triển vọng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu sẽ là yếu tố trực tiếp tác động lên giá đồng. Trong sáng nay, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc đã công bố một số dữ liệu kinh tế khá tích cực trong hai tháng đầu nằm. Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 7.5%, còn doanh số bán lẻ tăng 6.7%, trong hai tháng đầu năm 2022. Đầu tư tăng 12.2% trong khoảng thời gian hai tháng, tốt hơn so với ước tính 5% và mức tăng trưởng 4.9% của năm ngoái.
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô khả năng cao sẽ test lại vùng giá 90 USD/thùng trong vài phiên tới
Dầu thô suy yếu ngay trong phiên đầu tuần, do tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 5.78% xuống 103.01 USD/thùng, giá Brent giảm 5.12% xuống 106.9 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang buộc phải nhìn nhận lại triển vọng thị trường, trước khi có các số liệu chính thức về khối lượng xuất khẩu cũng như sản lượng dầu hàng tháng của Nga. Mặc dù các dữ liệu cho thấy nhiều chuyến tàu chở dầu của Nga phải đổi tuyến đường, hoặc bị hủy lịch. Trong ước tính xuất khẩu dầu của nước này kể từ khi phát động cuộc chiến với Ukraine đã giảm ít nhất khoảng 1.5 – 2 triệu thùng/ngày, bất chấp các nỗ lực giảm giá để cạnh tranh.
Trước mắt, phía Nga đang nỗ lực chào bán cho khách hàng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy vậy, với việc Nga đã bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong khi phần lớn các hợp đồng vẫn được thanh toán bằng đồng USD đang gây khó khăn trong ngắn hạn. Mặc dù Mỹ chưa áp đặt các lệnh cấm vận thứ cấp cho các nước giao dịch với Nga, tuy nhiên theo Reuters, các thương nhân Trung Quốc tạm thời vẫn sử dụng tiền mặt để tránh các khó khăn trong thanh toán qua ngân hàng.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV