Giá lúa mì có thể tiếp tục được đẩy lên từ vùng 1040 do những vấn đề với nguồn cung ở Ukraine vẫn chưa được giải quyết
Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay đã bật tăng mạnh, khác với diễn biến giằng co đi ngang trong vài phiên gần đây. Giá được đẩy lên nhờ lực mua kĩ thuật ở vùng hỗ trợ 1040. Đây là vùng đã liên tục đẩy giá lúa mì lên khi điều chỉnh 2 lần trước đó.
Đối với vấn đề có ảnh hưởng mạnh nhất lên diễn biến ngắn hạn của giá lúa mì là các thông tin xoay quanh việc Ukraine có thể xuất khẩu trở lại được hay không, các quan chức cấp cao của châu Âu nhận thấy có rất ít khả năng đạt được thoả thuận giữa Nga và Ukraine. Con đường xuất khẩu truyền thống của Ukraine là qua các cảng ở Biển Đen và cho tới khi hoạt động vận tải ở khu vực này vẫn bị đóng băng thì lượng ngũ cốc được vận chuyển tới thị trường quốc tế vẫn sẽ không tối ưu. Tổng thống Zelenskiy cho biết lượng ngũ cốc đang chờ vận chuyển ra khỏi Ukraine có thể lên tới 75 triệu tấn vào vụ thu hoạch tới. Các tuyến đường bộ có thể sẽ chậm hơn nhiều và đối mặt với những thách thức về hậu cần như mạng lưới đường sắt quá tải, tắc nghẽn tại các cảng ở Đông Âu. Ngay cả khi các nước châu Âu và Mỹ hỗ trợ thì cũng sẽ khó thay thế hoàn toàn việc xuất khẩu bằng đường biển. Chính vì thế nên chúng tôi vẫn cho rằng, giá sẽ phá vỡ vùng chặn trên sau những phiên liên tiếp giằng co đi ngang trong hơn 1 tuần qua.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là Ukraine bước vào vụ thu hoạch trong năm nay. Trong khi đó, vẫn còn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại các kho chứa. Ngay cả khi đề xuất của Tổng thống Mỹ trong việc xây dựng các silo tạm thời ở biên gới Ba thì quá trình thi công cũng mất ít nhất là 3 tháng. Ukraine sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kho chứa và góp phần vào đà hồi phục của giá.
Lãi suất tăng nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên giá các mặt hàng cà phê
Kết thúc phiên giao dịch 15/06, giá Arabica và Robusta đều tăng nhẹ, với lực mua áp đảo trong phiên tối, bất chấp việc giá giảm khá mạnh ngay khi vừa mở cửa. Đà tăng bị cản lại ở các mốc kháng cự quan trọng, với Arabica là 230 cents và Robusta là 2060 USD.
Do cả 2 mặt hàng cà phê đều kết thúc giao dịch trước khi Fed công bố quyết định lãi suất, nên nhiều khả năng thông tin này sẽ tác động lên giá trong phiên hôm nay. Với việc lãi suất tăng thêm 75 điểm cơ bản, mức điều chỉnh lớn nhất trong vòng gần 30 năm trở lại đây, thì rõ ràng sẽ là một yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế nói chung và các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu nói riêng.
Hơn thế nữa, thời tiết tại các vùng gieo trồng chính của Brazil dự báo sẽ rất ít mưa trong 2 tuần tới, giúp nông dân Brazil có thể đẩy nhanh hoạt động thu hoạch hơn trong thời gian tới. Các số liệu thu hoạch đang chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do năm nay là năm được mùa (theo chu kỳ 2 năm của cây cà phê), nên xét về khối lượng thực tế, con số này vẫn đang nhỉnh hơn.
Triển vọng nhu cầu tiêu thụ vẫn là một điểm sáng thúc đẩy giá đồng trong dài hạn
Giá đồng giằng co trong phiên giao dịch hôm nay sau quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Fed. Mức tăng này được cho là không nằm ngoài dự đoán của thị trường kể từ sau loạt số liệu cho thấy mức lạm phát tiếp tục tạo đỉnh vào hồi cuối tuần trước và điều này đã ngăn cản sự lao dốc của thị trường đồng. Mặc dù viễn cảnh tăng trưởng chậm lại do mức lãi suất cao vẫn đè nặng lên tâm lý giới đầu tư, tuy nhiên, xét về triển vọng dài hạn, năng lực phục hồi kinh tế tại Trung Quốc và nhu cầu cho phát triển năng lượng xanh vẫn sẽ là điểm sáng hỗ trợ cho giá đồng.
Mới đây, theo dữ liệu vệ tinh, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng các địa điểm xây dựng mới trong tháng 5, cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng đang sẵn sàng tăng tốc so với tốc độ chậm chạp diễn ra trước đó do ảnh hưởng của dịch bệnh. Diện tích các địa điểm xây dựng mới ở ba khu vực đô thị lớn nhất Trung Quốc - xung quanh các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu , đã tăng 110% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi diện tích xây đường mới cũng tăng 188%. Quy mô đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong năm nay là một trong những yếu tố quan trọng quyết định nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng nhanh như thế nào. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, đại lục này bắt buộc phải tăng tốc vào nửa cuối năm nay và do đó, nhu cầu về đồng trong lĩnh vực điện và xây dựng, vốn tổng chiếm tới gần 70% cơ cấu ngành sẽ được củng cố.
Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển đổi năng lượng xanh vẫn đang cho thấy sức mạnh tiềm năng bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế. Các công ty khai thác mỏ, nhà sản xuất pin và các nhà sản xuất ô tô đang chạy đua để kiểm soát nhiều nguồn cung kim loại trong bối cảnh thiếu hụt và nhu cầu tăng vọt từ EV trong dài hạn. Trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu đồng lớn hàng đầu như Chile và Peru luôn chịu thách thức bởi yếu tố môi trường. Do vậy, triển vọng tiêu thụ dài hạn vẫn sẽ mang lại động lực tăng cho giá đồng.
Giá dầu có thể tiếp tục duy trì đà giảm trong ngắn hạn khi các yếu tố tiêu cực cho giá vẫn chưa được hấp thụ hết
Dầu thô giảm nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đối mặt với lo ngại kép tới từ Fed và báo cáo của IEA. Những thông tin này có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì tác động lên giá trong phiên hôm nay.
Việc các nhà chức trách tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua, cao hơn so với dự định tăng 50 điểm cơ bản trước đó của Fed. Ngoài ra, chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết kết thúc năm 2022, lãi suất có thể lên tới 3.4%. Đây là một nỗ lực nhằm kiềm chế mức lạm phát đang cao nhất trong vòng 4 thập kỷ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dầu thô là một trong những nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu của ngành kinh tế, nên việc lãi suất cao hơn có thể khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo theo triển vọng tiêu thụ cũng giảm bớt. Đồng USD hiện đang ở mức cao cũng là yếu tố khiến cho chi phí đầu tư và thương mại dầu thô cũng tăng lên và hạn chế sức mua trên thị trường.
Bên cạnh đó, báo cáo của IEA cho thị trường dầu thô có thể quay trở lại trạng thái cân bằng cung cầu trong năm nay. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của IEA về cán cân cung cầu của thị trường, khi mà trong các báo cáo trước, tổ chức này đều bày tỏ lo ngại về nguồn cung.
Mặc dù vậy, báo cáo tháng của OPEC và báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA đang hoài nghi về năng lực sản xuất của OPEC. Theo báo cáo của OPEC, sản lượng của nhóm trong tháng 5 giảm đến 176.000 thùng/ngày, do sự sụt giảm đáng kể ở một số khu vực như Nigeria (45.000 thùng) và Libya (186.000 thùng), bất chấp theo các thỏa thuận, hàng tháng nhóm sẽ phải liên tục tăng sản lượng.
Vì thế, mặc dù giá dầu đang chịu sức ép bán, giá vẫn có thể neo ở vùng cao do nguồn cung vẫn đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ hồi phục vào nửa cuối năm nếu Trung Quốc giải quyết được vấn đề dịch bệnh.