Giá lúa mì có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay
Giá lúa mì đang hồi phục trở lại trong sáng nay sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Những phiên giao dịch gần đây của lúa mì đang cho thấy lực mua yếu dần ở những vùng giá cao hiện tại.
Trong khi yếu tố cơ bản duy nhất và cũng hỗ trợ giá mạnh nhất là nguồn cung thắt chặt khi Nga duy trì chính sách áp thuế cao, hạn chế xuất khẩu lúa mì, giá lúa mì cũng đã liên tục tăng kể cả so với giai đoạn trước và so với các mặt hàng ngũ cốc khác. Không thể phủ nhận tác động “bullish” từ nguồn cung nhưng việc giá tăng mạnh trong thời gian ngắn cũng một phần đang hạn chế nhu cầu mua hàng từ các nước nhập khẩu.
Hơn nữa, đứng trên góc nhìn kĩ thuật, giá cũng cần phải trải qua nhịp điều chỉnh để có thể tiếp tục quay trở lại đà tăng. Phiên giao dịch giảm mạnh với giá đóng cửa ở mức thấp nhất tạo thành cây nến Outside bar đang cho thấy dấu hiệu đảo chiều và hình thành xu hướng giảm.
Tuy nhiên yếu tố rủi ro từ mô hình này là khối lượng giao dịch trong phiên hôm qua khá thấp so với những phiên tăng trước đó nên có thể nhịp giảm này sẽ không kéo dài mà giá sẽ giảm rồi hồi phục trở lại vào cuối tuần.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể test lại các mốc hỗ trợ quan trọng trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 16/11, giá Arabica kỳ hạn tháng 03 trên Sở ICE US đóng cửa với mức giảm rất nhẹ 0.5 cents, về mốc 224.5 cent/pound, sau khi chạm lên mức đỉnh 7 năm ở mốc 228.25 cents.
Mặc dù tồn kho cà phê khả dụng tại khu vực Bắc Mỹ giảm về mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, nhưng giá đã tăng khá mạnh trong thời gian trước đó khiến lực mua không còn quá mạnh.
Bên cạnh đấy, đồng Dollar đang tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây, khiến cho chi phí đầu cơ hàng giấy của các quỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và thúc đẩy tâm lý chốt lời.
Trên đồ thị Daily, giá Arabica đóng cửa ngày bằng một cây nến Spinning top trên đỉnh một xu hướng tăng ngắn hạn, và khối lượng giao dịch liên tục giảm, có thể sẽ khiến giá điều chỉnh lại về vùng hỗ trợ 220 – 222 cents trong phiên hôm nay.
Đối với cà phê Robusta, giá Robusta kỳ hạn tháng 01 trên Sở ICE EU đóng cửa giảm khá mạnh 1.2% xuống 2237 USD/tấn. Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ tiếp tục đà giảm và hướng về đường hỗ trợ của khoảng đi ngang trong vài phiên tới
Giá đồng kết thúc phiên 16/11 với mức giảm khá mạnh 1.1% và đang tiếp tục suy yếu trong phiên sáng nay. Giá đang quay trở lại vùng giá trước đợt tăng vọt vào giữa tháng 10. Nguồn cung thắt chặt đã không còn hỗ trợ mạnh trong khi triển vọng nhu cầu có nguy cơ không theo kịp đã tạo sức ép lên giá trong giai đoạn vừa qua bên cạnh tác động “bearish” từ việc đồng USD tăng mạnh. Bên cạnh đó, các nhà máy luyện kim lớn của Trung Quốc đã cam kết tăng khối lượng dự trữ qua việc vận chuyển đồng bổ sung đến các kho LME ở châu Á làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Theo số liệu từ Bloomberg, khối lượng đồng ở các cảng của Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm bớt nhưng vẫn ở mức cao gấp 3 lần trước đại dịch. Trong tháng 11, các tàu có thể chở khoảng 370,000 tấn tinh quặng sơ chế từ Chile, Peru và đang chờ dỡ hàng. Mặc dù con số này giảm 13% so với tháng 10, nhưng vẫn cao hơn mức của năm trước và chiếm 30 - 40% tổng lượng hàng giao hàng tháng đến Trung Quốc từ hai quốc gia khai thác lớn nhất thế giới.
Tiên Phạm
 
Trung Quốc có vai trò ngày càng lớn đối với thị trường năng lượng, có thể khiến nước này tham gia điều tiết giá
Giá dầu tiếp tục diễn biến trái chiều sau 1 phiên giao dịch giằng co tối qua. Kết thúc phiên giao dịch, giá Brent tăng 0.46% lên 82.43 USD/thùng, giá WTI giảm 0.15% xuống 80.76 USD/thùng.
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai và quốc gia đông dân nhất trên thế giới, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thị trường hàng hoá là đặc biệt lớn. Đặc biệt trong diễn biến giá của mặt hàng năng lượng trong trong năm nay, Trung Quốc đóng vai trò tương đối quan trọng. Tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng sau khi bước ra khỏi tác động của dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu nhiên liệu bùng nổ.
Trong khi đó các thay đổi về chính sách thương mại và chính sách môi trường khiến cho nguồn cung than bị bó hẹp: Trung Quốc đồng thời là nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất trên thế giới, nên khủng hoảng tại thị trường này nhanh chóng lan rộng ra cả các ngành hàng khác. Bắt đầu từ việc Trung Quốc cố gắng bù đắp thiếu hụt than bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng, hành động đã châm ngòi cho cho cuộc chiến chi phí khi các nước châu Âu cũng cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV