Thời tiết vẫn là yếu tố tác động chính lên giá ngô trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đang suy yếu nhẹ về quanh mốc 590. Số liệu nhập khẩu ngô của Trung Quốc giảm về mức thấp nhất trong vòng 19 tháng qua là yếu tố đang tạo áp lực lên giá trong ngắn hạn. Nhìn chung, diễn biến giằng co mạnh vẫn đang tiếp tục khi bước sang tuần thứ 5 giá ngô biến động trong khoảng 575 – 595.
Giá ngô tuần trước đã có những phiên hướng lên gần mốc kháng cự tâm lí 600 cho thấy tác động “bullish” vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là khi thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào mùa vụ ngô đang trong giai đoạn gieo trồng ở 2 quốc gia Nam Mỹ. Liệu giá có một lần nữa vượt lên mốc 600 trong năm nay hay không đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Tác động của thời tiết vẫn đang và sẽ là yếu tố chính quyết định giá ngô có đủ động lực vượt qua mức giá này hay không. Hiện tại, ở một số khu vực trải qua hạn hán nghiêm trọng ở miền nam Brazil, mưa đã không còn xuất hiện tới hơn 2 tháng qua. Độ ẩm thiếu hụt ngay khi hạt vừa được gieo xuống khiến cho ngô không thể nảy mầm và thậm chí nông dân còn quyết định chuyển sang loại cây trồng khác.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Các quy định nghiêm ngặt để chống dịch Covid-19 ở các nước Châu Âu sẽ gây sức ép lên giá cà phê
Giá cả hai mặt hàng cà phê đều kết thúc tuần trong sắc xanh. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 0.9% lên 234.75 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng gần 2% lên 2333 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 55% chiết khấu cho giá Robusta, và đây cũng là yếu tố khiến cho sức mua trên Sở ICE EU lớn hơn.
Chất xúc tác chính đối với thị trường cà phê trong tuần vừa qua đến từ số liệu xuất khẩu tháng 11 của Việt Nam và ước tính từ báo cáo của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil (CONAB). Cả hai số liệu đều không quá tích cực đối với giá cà phê, tuy nhiên, giá cả hai mặt hàng vẫn tăng mạnh. Diễn biến giá cũng được phản ánh bằng chuyển động trạng thái quỹ trong tuần vừa qua.
Đối với thị trường Arabica, các quỹ cắt giảm số lượng vị thế mua và gia tăng số lượng vị thế bán, khiến cho số lượng vị thế mua ròng giảm nhẹ về 57,775 lot. Trái lại, các quỹ trên thị trường Robusta tiếp tục gia tăng số lượng vị thế mua khiến cho số lượng vị thế mua ròng vẫn duy trì ở mức cao nhất năm nay, là 41,424 lot.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Các chất xúc tác trên thị trường đồng vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy lực mua
Giá đồng tiếp tục có một tuần giằng co mạnh, và phe mua phải rất vất vả để giữ được sắc xanh cho đến cuối tuần. Tuy nhiên, giá đóng cửa tăng không quá đáng kể so với tuần trước, chỉ cao hơn 0.2% lên 4.295 USD/pound.
Ngay từ khi mở phiên sáng nay, lực bán mạnh tiếp tục đẩy giá đồng về giao dịch xung quanh mức 4.26 USD, bất chấp việc thị trường có nhiều tin tức tích cực. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm về 3.8%, so với mức 3.85 trước đó.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc hạ mức lãi suất này kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020. Việc Trung Quốc liên tục tung ra các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt đối với giá đồng.
Bên cạnh đó, mức tồn kho tại các tỉnh lớn của Trung Quốc giảm 9,000 tấn trong tuần vừa qua xuống còn 85,000 tấn. Trong đó, mức sụt giảm ở Thượng Hải lớn nhất với 8,500 tấn. Các số liệu về hoạt động sản xuất hiện cũng rất tích cực đối với giá đồng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu bước vào xu hướng giảm, dầu WTI khó lấy lại mốc 70 USD/thùng trong ngắn hạn
Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm trong sáng hôm nay sau khi WTI đóng cửa tuần vừa rồi với mức giảm 1.06% xuống 70.72 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2.17% xuống 73.52 USD/thùng.
Có nhiều dấu hiệu suy yếu cho thấy giá đang rời khỏi xu hướng đi ngang và bước vào đợt điều chỉnh tiếp theo. Không còn nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường khi mà tất cả các yếu tố từ vĩ mô đến cán cân cung – cầu căn bản của thị trường đều chỉ ra sự suy yếu rõ rệt: Lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương từ Mỹ đến Anh cắt giảm các gói hỗ trợ, một trong các nhân tố chính thúc đẩy nền kinh tế trong năm nay.
Đặc biệt Trung Quốc, nền kinh tế và cũng là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới, vốn được cho là tác nhân quan trọng thúc đẩy chu kỳ giá hàng hóa tăng cuối năm 2020, giờ đã trở thành “điểm yếu” trong phương trình hiện tại.
Với hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn do quốc gia này liên tục phong tỏa theo chiến dịch “zero-COVID”, các biện pháp quản lý thị trường tài chính ngày càng thắt chặt, hoạt động xây dựng, bất động sản lao dốc, khó có thể kỳ vọng một cú hích cho năm sau.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa