Nguy cơ thời tiết tiêu cực ở Mỹ sẽ giúp giá lúa mì khó giảm sâu trong phiên hôm nay
Giá lúa mì mở cửa phiên giao dịch ngày 21/12 với mức tăng khá mạnh. Trong 3 mặt hàng ngũ cốc, lúa mì đang có xu hướng và biến động khá rõ ràng và đẩy có thể được xem là mặt hàng có thể mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn so với ngô và đậu tương trong giai đoạn hiện tại.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro cũng sẽ cao hơn nhiều. Xu hướng giảm đang là diễn biến chủ đạo đối với lúa mì kể từ cuối tháng 11 cho tới nay.
Về cơ bản, sản lượng dự báo niên vụ 2021/22 của Nga được báo sẽ tăng lên đang là yếu tố chính tác động “bearish” lên giá. Ngược lại, nguồn cung ở Mỹ lại đang là yếu tố góp phần hỗ trợ giá lúa mì thu hẹp đà giảm trong những phiên giảm sâu.
Dự báo thời tiết cho thấy không có nhiều mưa trong hai tuần tới cho Vùng đồng bằng phía nam đang tạo lợi thế cho bên mua. Thông thường, yếu tố thời tiết sẽ không được chú trọng cho tới tháng 3, nhưng do khô hạn đã xảy ra trước đó nên chất lượng cây vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron ở Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá cà phê
Cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 4.5% còn 224 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 1.1% còn 2308 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 53% chiết khấu cho giá Robusta.
Lực bán mạnh của phiên hôm qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ, hiện số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm tổng số 73% số ca mắc Covid-19 ở Mỹ, tăng từ mức 3% được ghi nhận vào ngày 11/12. Còn ở Anh, số ca mắc mới mỗi ngày đã lên tới hơn 90,000 người. Số liệu phản ánh sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Hiện các nước ở hai khu vực tiêu thụ cà phê chính là Bắc Mỹ và Châu Âu chưa tiến hành các biện pháp phong tỏa trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, tuy nhiên đây lại là nguy cơ khiến cho dịch bệnh lây lan mạnh hơn, và có thể khiến các nước siết chặt các biện pháp chống dịch sau đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể hồi phục tốt trong tháng tới nhờ những kỳ vọng hồi phục của thị trường bất động sản Trung Quốc
Giá đồng đóng cửa phiên hôm qua với mức thay đổi không qua đáng kể, vẫn ở mức 4.294 USD/pound. Mặc dù vậy, biến động trong phiên hôm qua của giá vẫn rất lớn, từ 4.23 – 4.25 USD.
Trong phiên sáng, giá đồng gặp sức ép bán do tâm lý bán tháo trên diện rộng diễn ra ở thị trường dầu thô và thị trường chứng khoán Mỹ, tuy nhiên, sau đó, lực mua bắt đáy ở cuối phiên đã hỗ trợ cho giá phục hồi trở lại.
Hiện tại giá đồng đang được hỗ trợ nhờ những chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh mẽ. Lãi suất cho vay cơ bản và mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng đều đã giảm, điều này có thể thúc đẩy sự hồi phục của các ngành sản xuất và công nghiệp ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình ở Peru vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra. Giới chuyên gia dự đoán, những bất ổn xã hội trong thời gian vừa qua có thể làm giảm sản lượng đồng của Peru tới hơn 150,000 tấn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Triển vọng gói dự chi 1.75 nghìn tỷ USD của Mỹ được thông qua đang là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 2.98% xuống 68.61 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2.72% xuống 71.52 USD/thùng. Trong phiên, có lúc cả 2 mặt hàng đều đánh mất mốc 70 USD/thùng.
Phiên giảm ngày hôm qua phần nào gợi nhớ đến ngày “Black Friday” tháng trước, mặc dù mức giảm trong phiên vẫn thấp hơn đáng kể, đặc biệt khi tuần này cũng là tuần giao dịch ngắn do nghỉ lễ ngày Giáng Sinh. Tuy vậy, mức giá thấp nhất trong phiên hôm qua ở mức 66.17 USD/thùng, thấp hơn tương đối so với giá 67.49 USD/thùng trong ngày 26/11.
Chỉ trong vòng 1 tháng, gần như mọi cơn ác mộng của thị trường dầu đã thành hiện thực, từ COVID-19, đến lạm phát gia tăng, cắt giảm các gói hỗ trợ, cắt giảm dự báo tốc độ tăng trường của Trung Quốc và Mỹ cho đến thời tiết ấm hơn kỳ vọng tại châu Á. Để cho giá dầu có thể phục hồi, gần như tất cả các yếu tố này phải đưa ra được dấu hiệu cải thiện. Trong số đó, gần như yếu tố duy nhất có thể được kiểm soát và cải thiện chính là các gói tăng chi của chính phủ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV