Ngô và lúa mì vẫn đang giao dịch trong khoảng đi ngang với biên độ hẹp dần
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/06, diễn biến thị trường nông sản vẫn khá ảm đạm khi các mặt hàng hầu hết vẫn tiếp tục biến động trong khoảng đi ngang. Ngô và lúa mì mặc dù mở cửa tạo gap up với kỳ vọng tăng giá do chất lượng mùa vụ đều giảm xuống nhưng đã quay đầu giảm mạnh ngay trong phiên sáng.
Nguồn cung ethanol dự kiến sẽ thu hẹp trong thời gian tới ở Mỹ và Brazil do giá nguyên liệu tăng cao. Tiêu thụ ngô cho sản xuất ethanol sẽ ở mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Điều này sẽ làm giảm lo ngại về nguồn cung ngô thắt chặt và tác động bearish dài hạn lên giá mặt hàng này. Ngược lại, mực nước trên sông Parana đang giảm xuống mức đáng báo động, cản trở các chuyến tàu vận chuyển ngũ cốc ở đây. Thông tin này giúp mức hỗ trợ quanh vùng 520 của giá ngô sẽ mạnh hơn nhưng sẽ chỉ tác động trong ngắn hạn.
Hiện tại, trên thị trường đang lan truyền tin đồn các quỹ lớn đang thiết lập các vị thế với hợp đồng ngô với kỳ vọng USDA sẽ tăng diện tích ngô của Mỹ trong báo cáo Diện tích gieo trồng được phát hành vào ngày 30/06. Bên cạnh đó, những trận mưa được dự báo sẽ xuất hiện ở Midwest trong 10 ngày tới có thể khiến giá ngô khó có thể tăng mạnh cho tới cuối tháng 6.
Giá hợp đồng ngô tháng 12 mở cửa sáng nay ở mức 539 cent/giạ. Giá đang dao động trong đi ngang ở dải dưới của Bollinger Bands với biên độ ngày càng giảm. Trong phiên hôm nay, có thể ngô vẫn chưa thể phá vỡ khoảng sideway này nhưng sẽ tăng nhẹ lên vùng 555.

Tong hop cac ban tin ngay

Giá lúa mì tháng 9 cũng giảm 1.55%, bất chấp ảnh hưởng của thời tiết khô hạn nghiêm trọng ở North Darkota lên lúa mì vụ xuân. Bên cạnh đó, xuất khẩu lúa mì của Nga niên vụ 2020/21 giảm 40% trong tuần trước cũng là yếu tố tạo áp lực lên giá.
Dự báo thời tiết cho thấy, mặc dù ở các vùng hạn hán lân cận như khu vực Midwest sẽ được cải thiện trong vài ngày tới nhưng Đồng bằng phía Bắc vẫn sẽ tiếp tục trải qua tình trạng thiếu hụt lượng mưa.
Mở cửa phiên sáng nay, lúa mì vẫn chưa có nhiều biến động và ở quanh mức 658 cent/giạ. Giá vừa chạm đường SMA 20 ngày thì ngay lập tức bị đẩy xuống dải dưới của Bollinger Band nhưng RSI lại ở dưới mức 50 và đang hướng lên cho thấy 2 bên mua – bán vẫn đang khá cân sức. Trong phiên hôm nay, có thể giá lúa mì sẽ giằng co trong khoảng 650-665.
 
Thị trường Cà phê ảm đạm chờ động lực bứt phá
Kết thúc phiên giao dịch 22/6, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt lao dốc. Giá Arabica đóng cửa với mức giảm 1.27% còn 152.1 cents/pound, giá Robusta giảm về 1597 USD/tấn.
Thông tin tiêu cực về nguồn cung dường như không đủ để thúc đẩy giá Cà phê tăng. Thêm vào đó, việc thị trường chờ đợi các tin tức từ cuộc điều trần của FED trước Quốc hội Mỹ cùng với sự bứt phá của thị trường chứng khoán trong phiên hôm qua là yếu tố gây áp lực lên giá của hai loại Cà phê. Biến chủng virus Delta mới khiến cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng khiến cho các nhà đầu tư có phần nao núng trong việc mua vào khi khó có thể nhìn thấy triển vọng của trường trong thời gian kế tiếp.
Trong phiên hôm nay, những thông tin kinh tế như chỉ số PMI hay Doanh số bán nhà trong tháng 5 có thể là những yếu tố gián tiếp dẫn dắt thị trường do tác động trực tiếp của chúng lên đồng USD.
Góc nhìn kỹ thuật cho thấy giá vẫn đang thiếu động lực bứt phá trong khu vực 150 – 155 cents/pound. Xu thế giảm lần này bật lên ở khu vực Fibonacci 61.8 cho thấy một tín hiệu tích cực là đà tăng có thể tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên tín hiệu mua vào chưa rõ ràng khi chỉ số RSI vẫn dưới 50. Trong phiên hôm nay, có thể giá sẽ test lại mức 155 cents/pound một lần nữa.

Đối với Cà phê Robusta, xu thế đi ngang hình thành ngày một rõ rệt khi đây đã là phiên thứ 10 liên tiếp giá không thể bứt phá khỏi khu vực 1580 – 1630 USD/tấn. Trong bối cảnh vắng bóng các tin tức cơ bản, nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch ngắn hạn bằng cách mua vào ở các vùng hỗ trợ và bán ở các vùng kháng cự.
 
Kịch bản nào cho thị trường kim loại quý trước thềm công bố các số liệu kinh tế
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/6, giá của các mặt hàng kim loại quý diễn biến trái chiều. Giá Bạc giảm 0.65% về 25.86 USD/ounce trong khi giá Bạch kim tiếp tục tăng và đóng cửa ở mức 1070 USD/ounce.
Nếu như sự tăng giảm của đồng USD là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến giá của Bạc và Bạch kim trong thời gian gần đây, thì diễn biến của phiên hôm qua chắc hẳn sẽ khiến cho nhà đầu tư đặt câu hỏi đâu là yếu tố dẫn dắt thị trường trong thời gian sắp tới. Đồng USD suy yếu trong phiên hôm qua, chỉ số Dollar Index giảm còn 91.76 điểm nhưng giá Vàng cũng giảm 0.25% về 1778.5 USD/ounce. Với vai trò trú ẩn ngày càng được coi trọng trong thời gian gần dây, giá Bạc cũng bị dẫn dắt bởi giá Vàng và giảm nhẹ.
Ngược lại, thị trường Bạch kim đang có dấu hiệu khởi sắc nhờ vào lực mua khá mạnh khi giá ở dưới vùng 1100 USD/ounce. Giá Bạch kim đã giảm liên tục trong vòng một tháng trở lại đây, và đang ở rất gần mức cản tâm lý 1000 USD/ounce, do đó, lực mua bắt đáy của Bạch kim mạnh hơn rất nhiều so với Bạc. Mức hỗ trợ cứng của Bạc ở khu vực 24 USD/ounce và giá vẫn đang loanh quanh ở khu vực 26 USD/ounce.
Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư cần theo dõi các thông tin kinh tế sẽ được công bố bao gồm các Chỉ số PMI và Doanh số bán nhà. Cùng với đó, phát biểu của các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang cũng góp phần thúc đẩy thị trường trong phiên hôm nay.
Từ góc nhìn kỹ thuật, phe mua vẫn thất bại trong việc đưa giá Bạc vượt lên khỏi mức cản 26 USD. Giá có sự tích lũy trong biên độ 25.7 – 26 USD/ounce. Trong phiên hôm nay giá có thể test lại mức 26 USD một lần nữa, tuy nhiên, nếu các tin tức kinh tế làm cho đồng USD tăng mạnh, giá Bạc có thể giảm về test mức 27.5 USD/ounce.

Đối với Bạch kim, sau cú giảm mạnh vào cuối tuần trước, lực bắt đáy của các nhà đầu tư đang đưa giá về test lại hai mức cản quan trọng là 1070 USD/ounce và 1100 USD ounce. Rất có thể, sau đó giá sẽ đi ngang trong biên độ 1070 – 1100 USD/ounce để chờ đợi các tín hiệu bứt phá.
 
Quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 chậm hơn kỳ vọng có thể cản trở đà tăng của giá dầu
Giá dầu đã giảm trong phiên hôm qua sau khi có thông tin OPEC sẽ xem xét gia tăng nguồn cung trong cuộc họp tuần tới ngày 01/07. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 0.37% xuống 72.85 USD/thùng, giá Brent giảm 0.12% xuống 74.81 USD/thùng.
Theo nguồn tin của Reuters, Nga và một số thành viên OPEC+ đang muốn thúc đẩy gia tăng sản lượng khi nguồn cung dầu thô thế giới đang thắt chặt. Theo nhận định của Goldman Sachs, thế giới đang thiếu khoảng 3 triệu thùng dầu thô/ngày.
Nước Mỹ đang tiến gần đến Ngày Quốc khánh 04/07 – mốc thời gian mà thị trường kỳ vọng sẽ đánh dấu sự bắt đầu “mùa hè tự do” của nước Mỹ với mục tiêu 70% dân số trưởng thành tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Tuy nhiên, với thông báo của Nhà Trắng cho biết cần thêm vài tuần để đạt được đích này, nhu cầu đi lại trong dịp lễ nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng và không tăng mạnh như kỳ vọng.

Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào dịp hè này vẫn còn khá cao, khi chỉ có một số ít nước trên thế giới đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc-xin, hầu hết tập trung ở các nước, vùng lãnh thổ có dân số thấp. Nhìn vào Anh và Israel, 2 nước này đều có tỷ lệ tiêm chủng tương đối giống nhau, tuy nhiên sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có lẽ chính là nguyên nhân giải thích tại sao dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Anh, khiến nước này kéo dài thời gian phong tỏa, theo nhận định của Oliver Geffen, một chuyên gia dịch tễ Israel đang làm việc tại Anh. Và mặc dù Trung Quốc vừa đạt tỷ lệ tiêm chủng ấn tượng 1 tỷ liều vắc-xin, con số đấy chỉ tương đương 16% dân số miễn dịch đầy đủ với COVID-19, giải thích tại sao dịch bùng phát trở lại tại Quảng Đông trong thời gian vừa rồi. Trong khi đó, một số chuyên gia đã kêu gọi các quốc gia tiêm bổ sung thêm liều thứ 3 do hiện tại thế giới vẫn chưa biết miễn dịch trước virus COVID-19 sẽ kéo dài trong bao lâu sau khi tiêm 2 liều. Nếu các quốc gia phê chuẩn phương án này, tình trạng thiếu hụt vắc-xin trên thế giới sẽ ngày càng trầm trọng hơn, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của người dân, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Về mặt kỹ thuật, giá WTI đang test lại vùng giá 73.2 USD/thùng với các tín hiệu từ MACD, RSI gợi ý giá sẽ vượt vùng giá thành công và có khả năng sẽ đạt 73.5 USD/thùng trong hôm nay. Tuy nhiên với quá trình tiêm chủng vắc-xin không diễn ra nhanh như kỳ vọng, sẽ cần thêm thời gian tích lũy để WTI đạt vùng gía 75 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)