Thị trường kim loại quý có thể ít biến động trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang
Đóng cửa phiên giao dịch 21/7, sắc xanh đã vẫn duy trì ở thị trường kim loại quý.Giá Bạc tăng 0.5% lên 25.38 USD/ounce, giá Bạch kim cũng tăng 1.4% lên 1090 USD/ounce/
Sự suy yếu của đồng USD tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý. Giá Bạc giằng co và có phần chịu nhiều áp lực hơn giá Bạch kim khi trong tuần này lực bán đã phá vỡ đường hỗ trợ cứng đã kéo dài từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, các tín hiệu tiêu cực đối với thị trường đã được cải thiện, khi tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn tiêu cực hơn so với kì vọng. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần này tăng lên 419,000 đơn, đây là mức cao nhất trong vòng hai tháng và ngay lập tức đã làm cho chỉ số Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần.
Áp lực ở thị trường kim loại quý phần nào được giải tỏa bởi giới đầu tư tin rằng FED sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp việc các thang đo lạm phát đều ở mức đáng báo động.
 
Thị trường năng lượng hướng tới tuần tăng giá
Giá dầu tăng liên tiếp 3 phiên và đã vượt qua mức giảm đầu tuần. Giá đang được hỗ trợ bởi chính sách thích nghi của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Các chuyên gia nhận định trong cuộc họp tuần tới FED sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tương ứng, khi số ca mắc bệnh COVID-19 cũng đang tăng lên tại Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden mới đây cũng đã ra tung ra 3 tỷ USD để củng cố kinh tế địa phương.
Giá WTI đã vượt thành công kháng cự 71.85 USD/thùng và sẽ hướng đến cột mốc 73 USD/thùng trong thời gian tới.
Mặc dù xu hướng đầu tư vào năng lượng xanh dẫn đầu với ngành công nghiệp xe điện phát triển liên tục dẫn đến một số dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ đạt đỉnh trong 10-15 năm nữa, tuy nhiên, nhìn vào thực tế, mô hình trong Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Bank of America cho biết nguồn cung cấp pin EV sẽ hết trong khoảng 2025-2026, khi nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung không được chuẩn bị để tăng kịp. Điều này sẽ cản trở độ phổ biến của các năng lượng sạch, giúp cho dầu giữ vững vị trí đứng đầu trong nguồn nhiên liệu của thế giới.
 
Áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế đối với giá đậu tương
Tâm lí bán tháo đang tiếp tục áp đảo trong phiên mở cửa sáng nay với đậu tương. Giá đậu tương giảm mạnh trong phiên nhưng lực mua kĩ thuật được nâng cao khi bước vào phiên tối đã hạn chế đà giảm. Sau phiên hôm qua, giá đóng cửa ngay trên đường trendline sẽ khiến phiên giao dịch cuối tuần này sẽ càng quan trọng với việc xác định xu hướng ngắn hạn sắp tới của giá. Nếu diễn biến đóng cửa vẫn vẫn duy trì áp lực bán mạnh thì khả năng giá về lại vùng 1300 sẽ cao hơn.
Báo cáo Xuất khẩu – Export Sales được USDA phát hành vào tối qua không chỉ đưa ra số liệu đáng thất vọng về doanh số của các mặt hàng mà còn cho thấy những yếu tố “bearish” tiềm ẩn. Mức bán hàng đậu tương chậm hơn và không có đơn hàng nào từ Trung Quốc có thể là bắt đầu cho triển vọng nhập khẩu giảm dần của nước này khi giá lợn đã giảm 65% trong 6 tháng và về mức thấp nhất trong năm 2021. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu đậu tương cho thức ăn chăn nuôi cũng giảm xuống và tạo áp lực lên giá. Ngoài ra, ở Argentina, tỉ suất lợi nhuận ép dầu được cho là đã giảm 35% chỉ trong 2 tháng qua. Khối lượng ép dầu của nước này cũng giảm 6% so với tháng 6, đồng nghĩa với việc tồn kho đậu tương sẽ tăng lên. Lượng hàng này có sẵn để xuất khẩu qua các cảng phía Nam và thu hút sự quan tâm của buyer Trung Quốc hơn. Từ đó, đậu tương của Mỹ đang có dấu hiệu nhu cầu giảm xuống lại càng bị cạnh tranh hơn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)