Giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên tối nay do triển vọng nguồn cung thắt chặt tại Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/08, giá đậu tương lại một lần nữa bật tăng mạnh do những số liệu phản ánh tình trạng mùa vụ tại Mỹ. Rõ ràng đây vẫn là giai đoạn mà ảnh hưởng của thời tiết lên cây trồng vẫn đang là yếu tố quan trọng nhất quyết định xu hướng giá trong thời gian tới. Liên tục hồi phục từ vùng đáy 1300 kể từ cuối tháng 7, giá đậu tương đang dần quay trở lại vùng giá cao trong năm nay. Điều này xuất phát từ mối lo ngại rằng nguồn cung nông sản vẫn đang thắt chặt và tình hình vẫn chưa thể được xoa dịu khi Mỹ đã đi qua giai đoạn nắng nóng nghiêm trọng nhất như cùng kì năm ngoái.
Các thông tin hỗ trợ giá đậu tương tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên sáng nay đều xuay quanh triển vọng mùa vụ Mỹ. Theo báo cáo Crop Progress, hầu hết đậu tương đều đã ra hoa với tiến độ đang tương đương với cùng kì năm ngoái. Trong đó, 57% diện tích đang được đánh giá tốt – tuyệt vời, giảm nhẹ 1% so với tuần trước, trái ngược với dự đoán của thị trường khi kì vọng chất lượng đậu tương sẽ duy trì do thời tiết đang dần trở nên ôn hoà hơn sau giai đoạn nắng nóng trước đó.
Không những thế, năng suất đậu tương cũng có khả năng sụt giảm trong báo cáo WASDE tháng 9 sắp tới. Mặc dù USDA đang nhận định khá tích cực về mùa vụ năm nay của Mỹ nhưng cả đánh giá chất lượng cây trồng và cuộc khảo sát thực tế hàng năm ở Midwest đều cho thấy tình trạng mùa vụ đang kém khả quan. Sau ngày đầu tiên của Crop Tour 2022, với các mẫu thử thu được từ bang Ohio và South Darkota, kết quả đưa ra cho thấy năng suất năm nay của cả 2 bang này đều thấp so với những nơi khác. Lượng vỏ đậu tương của các mẫu thu được thấp hơn nhiều do nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán diện rộng, đặc biệ là South Darkota. Hiện tại, có 55% diện tich đậu tương ở đây được đánh giá tốt – tuyệt vời và với số liệu trên thì nhiều khả năng mức năng suất của cả nước cũng sẽ khó có thể đạt được con số tương đương với năm ngoái nên đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá.

Các nhà giao dịch đang chờ đợi tín hiệu về mức tăng lãi suất của FED, khả năng cao sẽ dẫn dắt xu hướng đi ngang của cà phê
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự khởi sắc. Trong đó, Arabica tăng mạnh gần 4%, dưới dự hỗ trợ từ đồng Real bất ngờ tăng giá sau 4 phiên giảm liên tiếp. Robusta cũng ghi nhận lực mua chiếm ưu thế khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do các nước cung ứng chính đều ở giai đoạn cuối niên vụ 21/22.
Các nhà giao dịch đang ngóng đợi hội nghị Jackson Hole từ 25-27/08, để dự đoán mức tăng lãi suất cho kỳ hạn tháng 09/2022 sắp tới. Nên các quyết định mua – bán trên thị trường đang diễn ra thận trọng hơn, rất có thể diễn biến đi ngang sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới.
Nguồn cung cà phê vẫn đang cho thấy những tìn hiệu chuyển biến tích cực khi tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US tiếp tục tăng phiên thứ 5 liên tiếp với mức tăng hơn 17 nghìn bao loại 60 kg, dự kiến số liệu này còn được củng cố tiếp trong thời gian tới khi trong báo cáo tồn kho mới nhất của ICE vẫn còn hơn 212 nghìn bao đang chờ phân loại lại. Bên cạnh đấy, tiến độ thu hoạch tại Brazil cũng được đánh giá có cải thiện so với thời gian đầu vụ thu hoạch, cũng như việc thời tiết khô ráo tiếp tục ủng hộ cho việc phơi sấy, sẽ khiến nguồn cung nới lỏng gây sức ép lên giá.

Giá đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang khi tác động cung cầu có xu hướng cân bằng
Giá đồng tiếp tục gặp áp lực trong phiên sáng nay sau dữ liệu sản xuất tiêu cực của Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ đồng lớn thứ 2 trên thế giới. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Nhật Bản suy yếu từ mức 52.1 hồi tháng 7 xuống còn 51.0 vào tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm ngoái. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn để đạt được động lực tăng trưởng, đặc biệt là khi các ca nhiễm Covid hàng ngày tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng này, đã đe doạ tới sự gián đoạn kéo dài đối với các hoạt động sản xuất. Điều đó khiến cho nhu cầu về đồng gặp nhiều thách thức.
Hôm nay, hàng loạt các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu, Anh, hay Mỹ sẽ công bố dữ liệu PMI tháng 8, trong đó dự đoán của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng con số sẽ tiếp tục thấp hơn so với tháng trước. Thật vậy, đây là các quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc liên tục gặp thách thức kể từ tháng 7 cho tới nay. Sản lượng công nghiệp của quốc gia này cũng ghi nhận mức suy yếu trong tháng 7. Do đó, nhiều khả năng dữ liệu PMI, đặc biệt là tại Mỹ sẽ khó có thể tích cực và sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá đồng trong phiên.
Tuy nhiên, một số những lo ngại về nguồn cung và những kích thích kinh tế tại thị trường tiêu thụ đồng số 1 trên thế giới, Trung Quốc, vẫn sẽ là yếu tố tiềm năng cản trở đà giảm mạnh của giá đồng. Cụ thể, nguồn cung đồng vẫn đang có xu hướng thắt chặt khi tồn kho duy trì ở mức thấp trong năm nay. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải hiện chỉ còn chưa đầy 3,500 tấn đồng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc vẫn đang đe doạ tới hoạt động của các nhà máy sản xuất đồng và vì vậy, sẽ gây áp lực tới nguồn cung.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đang có hàng loạt các kế hoạch kích thích nền kinh tế, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong cuộc khủng hoảng bất động sản. Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã kêu gọi các tổ chức tài chính lớn đi đầu trong việc giữ tăng trưởng tín dụng ổn định, đồng thời có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trước khi kết thúc năm 2022 nhằm tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế. Trước các thông tin tác động trái chiều, giá đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong phiên hôm nay.

Nguồn cung có nguy cơ thắt chặt cũng khó nâng đỡ giá dầu trước các sức ép vĩ mô
Giá dầu tiếp nối đà tăng của phiên hôm qua và đang giao dịch ổn định trên mức 90 USD. Sức mua vẫn đang nhỉnh hơn khi thị trường lo lắng về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể thắt chặt nguồn cung trong thời gian tới.
Theo Reuters, các thành viên OPEC + hiện sản xuất 2.9 triệu thùng mỗi ngày, thấp hơn mục tiêu sản xuất dầu chung của nhóm trong tháng 7. Việc không đáp ứng được hạn ngạch đề ra đã là một bài toán nan giải của OPEC+ trong thời gian nửa năm trở lại đây, bởi nhiều nhà sản xuất không thể tăng sản lượng do hạn chế về công suất và đầu tư, như Nigeria và Angola.
Trong khi đó, công suất dự phòng của nhóm cũng đang dần cạn kiệt, và ngay cả thành viên lãnh đạo là Saudi Arab cũng khó có thể gia tăng sản lượng. Đây là yếu tố chính nâng đỡ giá dầu trong suốt thời gian vừa qua, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên loại trừ khả năng các phát biểu và động thái của OPEC+ đang nhằm mục đích duy trì giá dầu ở vùng cao.
Một tín hiệu cho thấy sự cải thiện của nguồn cung là sản lượng dầu của Lybia đã hồi phục lên 1.2 triệu thùng/ngày, sau khi vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của những xung đột chính trị trong nước suốt từ giữa tháng 7 tới nay. Tin tức này cộng hưởng với những tiến triển của đàm phán hạt nhân Iran đang tạo ra một lực cản nhất định đối với thị trường.
Trong hôm nay, các tin tức về nguồn cung đang hỗ trợ cho giá dầu hồi phục, tuy nhiên, có một rủi ro vĩ mô khá lớn đến từ sự gia tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã tăng lên 109 điểm, cao nhất trong vòng 1 tháng, phản ánh việc dòng tiền phân bổ vào các loại tài sản rủi ro đang ít đi.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI đang dần hồi phục tuy nhiên vẫn chưa vượt được cạnh giữa của Bollinger Band, và xu hướng này đã kéo dài hơn 2 tháng nay. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế bán ở mức 92 USD, với kỳ vọng chốt lời ở mức 90 USD. Đây là giao dịch lướt sóng ngắn hạn trong phiên với độ rủi ro rất cao, nên các nhà đầu tư cần phải đặt điểm dừng lỗ ở mức 92.8 USD.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV