Lực mua kĩ thuật giúp giá ngô tăng hồi phục, đi ngược dòng với thị trường nông sản
Phiên giao dịch ngày 26/05 đã đánh dấu lần thứ 3 trong 2 tuần vừa qua, ngô là điểm sáng duy nhất mang lại sắc xanh khi cả thị trường nông sản đồng loạt điều chỉnh. Giá ngô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng nhẹ 0.7%, lên mức 624.50 cent/giạ. Trong phiên, giá đã có lúc giảm mạnh về gần mức 600 cent do thông tin Trung Quốc đang hạn chế việc nhập khẩu ngô ồ ạt. Tuy nhiên, lực mua kĩ thuật vào cuối phiên đã đẩy giá ngô tăng trở lại.
Báo cáo hàng tuần được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào tối qua cho thấy sản lượng ethanol giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao là 1.011 triệu thùng/ ngày. Đây cũng là tuần thứ 2 mức sản lượng này đạt trên mốc 1 triệu thùng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Thêm vào đó, tồn kho ethanol tiếp tục giảm xuống về mức 19 triệu thùng và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nhu cầu ethanol tăng lên trong bối cảnh vacxin có hiệu quả ở các nước châu Âu và nền kinh tế hồi phục trở lại, kéo theo nhu cầu ngô cũng tăng lên. Đây là yếu tố “bullish” đáng kể đối với giá ngô.
Bên cạnh các thông tin về thời tiết ở nhưng vùng gieo trồng chính ở Brazil và Midwest, Mỹ, thị trường đang mong chờ và quan tâm đến những số liệu trong Báo cáo Xuất khẩu – Export Sales sẽ được USDA phát hành vào lúc 19:30 tối nay, 27/05/2021. Theo dự đoán của hãng tin Thompson Reuters, doanh số bán hàng ngô trong tuần niên vụ 2020/21 sẽ dưới 400 nghìn tấn và niên vụ 2021/22 sẽ nằm trong khoảng 5.9-7 triệu tấn. So với các mặt hàng nông sản khác, doanh số ngô sẽ đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn hơn đến giá, khi tốc độ nhập khẩu ngô Mỹ của Trung Quốc được đẩy mạnh chính là yếu tố mạnh nhất hỗ trợ cho giá ngô thời gian gần đây.
Mở cửa sáng nay, giá ngô vẫn đang giằng co quanh mức 625. Phiên hôm qua đã cho thấy mốc 600 vẫn đang giữ vai trò là mốc hỗ trợ cứng cho giá. Hiện tại, giá vẫn đang ở ở trong xu hướng giảm ngắn hạn và dao động trong dải dưới của Bollinger Bands. Sau khi chạm đường biên dưới, có khả năng trong một vài phiên tới, giá sẽ hồi phục nhẹ, hướng về đường SMA 20 ngày với mức kháng cự ở quanh vùng 633.

 
Giá Robusta sẽ không dễ dàng vượt lên được mốc 1500 USD
Kết thúc phiên giao dịch 26/05, giá Arabica bật tăng mạnh kéo theo mức tăng của giá Robusta, trái chiều với hầu hết các mặt hàng nông sản và công nghiệp khác. Diễn biến này cũng không quá bất ngờ khi trước đó giá đã có xu hướng đi vào đáy mô hình tam giác, và MXV News đã dự đoán giá có thể test lại mốc kháng cự 155 trong dự đoán hồi đầu tuần. Tuy nhiên, việc giá tăng không đi kèm với các thông tin cơ bản hỗ trợ vững chắc thường có thể kèm theo nhiều rủi ro biến động sau đó.
Giá Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng rất mạnh 3.46% lên 155.70 cent/pound. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất với mặt hàng này kể từ tháng 11/2016 đến nay. Bên cạnh kỳ vọng vào nhu cầu phục hồi khi các quốc gia phương Tây mở cửa trở lại, tình hình căng thẳng giữa chính phủ và người dân Colombia vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến cho lo ngại về nguồn cung gián đoạn tại đây luôn thường trực.
Về mặt kỹ thuật, giá vẫn có thể tiếp tục duy trì xu hướng tăng mạnh sau khi pha vỡ khỏi cạnh trên của mô hình tam giác để hướng về vùng giá 160 cents, tuy nhiên đà tăng này sẽ khó bền và MXV News vẫn giữ nguyên quan điểm giá chỉ test lại kháng cự 155 cents chứ không vượt lên được khỏi mốc này trong tháng Năm.

Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE EU đóng cửa tăng 15 USD lên mức 1503 USD/tấn trong phiên hôm qua. Mức tăng tích lũy từ đầu tuần đến nay đã bù lại toàn bộ mức giảm của nửa cuối tuần trước.
Về mặt kỹ thuật, giá Robusta vẫn đang có xu hướng đi vào đáy mô hình tam giác và chưa có dấu hiệu bật lên được mạnh như diễn biến của giá Arabica, một phần do lực cản từ việc chỉ số Dollar Index phục hồi trở lại từ vùng giá 90. Chỉ báo MACD và RSI đều đang khá trung tính, tuy nhiên giá đang gặp lực cản ở cạnh trên của dải Bollinger cùng với đường Senkou Span A của chỉ báo Ichimoku cho thấy xác suất giảm trong phiên hôm nay có phần nhỉnh hơn. MXV News dự đoán giá sẽ giằng co với biên độ khoảng 10 USD quanh mức 1500.

Giá đường kỳ hạn tháng 7 giảm mạnh trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm khá mạnh 1.53% để đấy giá về 16.78 cent/pound. Giá đang có xu hướng đi ngang trong ngắn hạn tại vùng giá 16.6 – 17.2, khi thị trường không có nhiều thông tin cơ bản mới.
Giá dầu thô cũng đang đi ngang và chưa thể tìm cách vượt lại mức kháng cự 66.6 USD/thùng đối với WTI từ đầu tháng đến nay, do đó, nhiều khả năng giá đường sẽ vấn tiếp tục hướng về mốc 16.5 cents như MXV News đã dự đoán hồi đầu tuần.
 
Đà tăng của kim loại quý có thể gặp nhiều khó khăn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5, giá hai mặt hàng kim loại quý biến động trái chiều. Giá Bạc giảm nhẹ 0.63% còn 27.88 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim tăng 0.28% lên 1200.3 USD/ounce.
Xu hướng giảm này có thể được lý giải bằng việc các kim loại quý gần đây không có nhiều tin tức cơ bản hỗ trợ, các tin tức về lạm phát cũng như triển vọng kinh tế đều không quá nổi bật để các nhà đầu tư đổ dòng vốn của mình vào thị trường kim loại quý. Thêm vào đó, việc đồng USD tăng mạnh vào hôm qua đã gây sức ép rất lớn cho thị trường trú ẩn an toàn. Giá Vàng giảm 0.16% trong phiên hôm qua, cũng khiến cho lực bán ở thị trường Bạc có phần vượt trội hơn so với Bạch kim.
Trong phiên giao dịch hôm nay, số liệu GDP quý 1 và số Đề Nghị Trợ Cấp Thất Nghiệp Lần Đầu của Mỹ sẽ được công bố. Những tin tức này có thể gây biến động ngắn hạn lên giá trị của đồng USD, theo đó, giá Bạc và Bạch kim cũng có thể bị ảnh hưởng.
Từ quan điểm kỹ thuật, việc giá Bạc không có biến động mạnh mà đi ngang với biên độ 27.5 USD – 28.3 USD trong hơn một tuần qua là một thử thách đối với sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Hiện mức 28 USD/ounce vẫn là một mức cản khá mạnh đối với Bạc khi giá chưa được giao dịch bền vững ở trên mức này ít nhất 3 phiên. Trong phiên hôm nay giá Bạc có thể giảm về mức hỗ trợ 27.5 USD - một vùng mua tốt cho các nhà đầu tư.

Đối với Bạch kim, trong phiên hôm qua giá đã có lúc tăng lên 1213 USD/ounce tuy nhiên lực bán mạnh về cuối phiên làm cho giá không giữ được trên mức 1200 USD. Vì vậy, 1200 USD đã trở thành một mức cản tâm lý khá mạnh đối với giá Bạch kim. Trong một vài phiên sắp tới giá có thể dao động trong biên độ 1170 – 1200 USD/ounce.
 
Giá các mặt hàng nhiên liệu tăng nhờ nhu cầu phục hồi
Giá dầu tăng ngày hôm qua nhờ báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu tuần 21/05 giảm mạnh hơn dự kiến. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 0.21% lên 66.21 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.35% lên 68.73 USD/thùng.
Giá dầu liên tục tăng từ đầu tuần nhờ dự kiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng khi các nước dỡ bỏ biện pháp cách ly trong khi các báo cáo của API và EIA đều cho thấy tồn kho dầu thô giảm. Giá xăng cao ở mức kỷ lục cùng với biên lợi nhuận hiện tại cao gấp 2.5 lần so với đầu năm cũng thúc đẩy các nhà máy lọc dầu mua thêm dầu thô để gia tăng sản lượng.
Bên cạnh xăng dầu, khí tự nhiên cũng đang trên đà phục hồi sau khi giảm sâu vào tuần trước. Bên cạnh những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung khi tập đoàn khí đốt lớn của Nga là Gazprom không đăng ký gia tăng vận chuyển tới châu Âu, nhu cầu với khí tự nhiên cũng đang tăng dần lên khi các nước thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm. Với việc các thợ đào Bitcoin bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, có khả năng các cỗ máy đào tiền ảo sử dụng nhiều năng lượng sẽ chuyển đến Mỹ khi nơi này có chi phí điện tương đối rẻ đến chủ yếu từ khí tự nhiên và các năng lượng tái tạo. Nếu thay đổi này diễn ra trong năm 2021, khả năng cao giá khí tự nhiên sẽ tăng.

Về mặt kỹ thuật, các tín hiệu đang ngược chiều nhau với MACD cắt xuống dưới trong khi RSI cho thấy giá phục hồi. Tuy nhiên, trong tháng đã 4 lần kháng cự 66 USD/thùng đẩy giá đi xuống, do đó nhiều khả năng giá sẽ giao dịch khoảng hẹp hôm nay tuy nhiên xác suất giá xuống thấp cao hơn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)