Các thông tin cơ bản đều tác động không rõ ràng sẽ khiến giá đậu tương tiếp tục đi ngang
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang tiếp tục đà tăng trở lại nhờ hỗ trợ từ giá khô đậu tương. Đậu tương đã trải qua một tuần rung lắc nhưng thay đổi không đáng kể và tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang của 2 tuần trước đó do các thông tin cơ bản đều không còn yếu tố bất ngờ đối với thị trường.
Trong tuần này, thị trường đang mong chờ Báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào ngày 30/09 tới. Số liệu được kỳ vọng không có chênh lệch quá lớn so với trong báo cáo Cung – cầu tháng 9. Tuy nhiên, với tâm lí mong chờ cùng với các thông tin hiện tại đều chưa rõ ràng thì thị trường tuần này có thể sẽ có những rung lắc mạnh hơn. 2 cây nến Doji vào cuối tuần trước đã cho thấy động lực của nhịp tăng ngắn hạn này có khả năng đang suy yếu.
Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng đã buộc các nhà máy chế biến đậu tương ở một thành phố phía đông bắc nước này phải đóng cửa trong ít nhất một tuần. Động thái nhằm cắt giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp điện ngày càng cạn kiệt. Nếu các nhà máy vẫn chưa hoạt động trở lại trong một thời gian dài, nhu cầu về đậu tương từ Trung Quốc sẽ giảm xuống rõ ràng và gây áp lực lên giá đậu tương.
Khánh Linh
 
Giá Robusta rộng cửa tăng nhờ dòng tiền dồi dào của các quỹ
Kết thúc tuần vừa qua, sắc xanh quay trở lại với thị trường Arabica khi giá tăng 4.3% lên 194.3 cents/pound. Trái lại, giá Robusta đi ngang trong cả 5 phiên và kết thúc tuần với mức giảm nhẹ 0.14% còn 2148 cents/pound.
Dòng tiền được ưu tiền đổ về thị trường Arabica khi mà báo cáo của Cơ quan Cung ứng Lương Thực Brazil (CONAB) cho thấy sản lượng Arabica ở Brazil sẽ bị tổn thất nặng nề do hạn hán và sương giá. Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US giảm mạnh trong vòng nhiều tháng về 2.12 triệu bao cũng khiến cho lực mua áp đảo trên thị trường Arabica, đưa giá bứt phá khỏi mức kháng cự cứng 190 cents/pound.
Tuy nhiên, không vì vậy mà thị trường Robusta kém hấp dẫn bởi số liệu từ báo cáo cam kết thương nhân của tuần qua vẫn cho thấy dòng tiền từ các quỹ đổ vào thị trường Robusta ngày càng tăng. Số lượng vị thế mua của tuần vừa rồi tăng 15% so với tuần trước đó, trong khi số lượng vị thế bán gần như không có sự thay đổi, và chỉ bằng 7% so với số lượng vị thế mua.
Biểu đồ trên cũng cho thấy số lượng vị thế mua đối với cà phê Robusta vô cùng áp đảo so với số lượng vị thế bán. Bên cạnh đó, dòng tiền của các quỹ, từ trước tới nay, vẫn luôn được coi là “dòng tiền thông minh”, vì thế, giá cà phê Robusta được kì vọng có thể tiếp tục tăng mạnh.
 
Thị trường kim loại có thể ít biến động trong phiên giao dịch đầu tuần
Các nhà đầu tư kim loại quý vừa có một tuần giao dịch đầy hứng khởi khi giá cả ba mặt hàng đồng loại tăng trở lại. Giá bạc tăng 0.4% lên 22.43 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh 5.3% lên 989 cents/pound.
Trong cuộc họp mới nhất, dù FED đã phát ra tín hiệu có thể sẽ giảm các chương trình thu mua trái phiếu từ cuối năm nay, giá các mặt hàng kim loại quý vẫn hồi phục nhờ vào dòng tiền bắt đáy và nỗi lo lạm phát khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý về các bài phát biểu của chủ tịch FED Jerome Powell nhằm bắt những thay đổi trong chính sách của cơ quan này. Các số liệu kinh tế của tuần này không có tác động quá mạnh lên thị trường như nội dung cuộc họp của FED trong tuần vừa rồi, tuy nhiên các nhà đầu tư cần chú ý tới Chỉ số niềm tin tiêu dùng và chỉ số Chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) bởi đây là hai chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, và có thể gây ảnh hưởng mạnh tới giá của đồng USD, qua đó, gián tiếp tác động lên giá các mặt hàng kim loại quý.
Bên cạnh đó, Đảng Dân Chủ cũng đang gấp rút thúc đẩy Hạ Viện Mỹ thông qua gói ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD. Giá bạc, bạch kim và đồng có thể được hỗ trợ khi nhu cầu tiêu thụ trong các hoạt động sản xuất công nghiệp của các kim loại này tăng lên.
Tiên Phạm
 
Tuần này sẽ là thời điểm quyết định để giá dầu thô thiết lập đỉnh cao mới
Kết thúc tuần trước, giá WTI tăng 3.01% lên 73.98 USD/thùng, tăng 5 tuần liên tiếp trong khi giá Brent tăng 3.58% lên 77.23 USD/thùng, tăng 3 tuần liên tiếp.
Theo báo cáo của CFTC, các quỹ đồng loạt cắt giảm vị thế bán WTI và Brent trong tuần vừa rồi, sau khi giá dầu đã duy trì đà tăng trì từ đầu tháng 9. Hiện giá Brent giao tháng 11 đã vượt qua mốc 79 USD/thùng, và thị trường đang chờ đợi xem giá có chạm đến mức 80 USD/thùng trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra vào tuần sau không.
Theo đánh giá của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA, sản lượng dầu thế giới đang ở mức 97.3 triệu thùng/ngày, trong khi tiêu thụ đã lên mức 98.55 triệu thùng/ngày, và nhiều khả năng tình trạng thiếu hụt sản lượng sẽ kéo dài đến hết năm nay nếu mùa đông lạnh hơn bình thường khiến nhu cầu tăng thêm 900,000 thùng/ngày.
Điều này đang thúc đẩy người mua gia tăng dự trữ, và có khả năng họ sẽ tìm được người bán tại mức giá hiện tại: OPEC+ vẫn còn công suất khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày chưa tung ra thị trường. Đối lập các thành viên châu Phi như Angola, Nigeria gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng, vẫn có các quốc gia đã liên tục nâng cấp, mở rộng sản xuất như Iraq và Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE). Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE vừa thông báo sẽ cung cấp toàn bộ sản lượng các loại dầu thô cho các khách hàng tại châu Á trong tháng 12, lần đầu tiên kể từ khi tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng tháng 9/2020. Trong khi đó, các giàn khoan tại Mỹ đã tăng liên tục 3 tuần. Khác với các tập đoàn lớn, các công ty dầu độc lập không chịu áp lực từ cổ đông, do đó họ có thể tranh thủ gia tăng sản lượng khi giá lên cao. Với mức giá trên 70 USD/thùng hiện tại, mỗi thùng dầu sản xuất đều tạo lợi nhuận tốt.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV